Vụ mất tích bí ẩn của họa sĩ Nguyễn Khang

Vụ mất tích bí ẩn của họa sĩ Nguyễn Khang
TP - Thời đó, không ít người thắc mắc, nghi vấn, có người còn kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa đòi kỷ luật ông. Đến nay, đã hơn một nửa thế kỷ trôi qua, vụ “mất tích” của họa sĩ Nguyễn Khang đã được “giải mật”.
Họa sĩ Nguyễn Khang
Họa sĩ Nguyễn Khang.
 

Mùa xuân năm 1962, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Nguyễn Khang mất tích không để lại lời nhắn gửi khiến giới mỹ thuật xôn xao. Bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả người vợ và 4 đứa con lít nhít của ông cũng mù tịt chẳng biết chồng – cha mình biến mất đi đâu. Có một số người đoán già, đoán non rằng ông “lánh mình” đi tìm cảm hứng sáng tác.

Thế nhưng, với tư cách là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật VN (khóa 1) và là đương kim Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN), nên dù có đi thực tế sáng tác thì Hội và Trường phải nắm rõ và Nguyễn Khang phải bàn giao công việc cho nhà trường. Đằng này, vị Hiệu trưởng có tiếng là nghiêm túc này lại “lặn” một mạch “không sủi tăm” một tháng, hai tháng rồi mãi tới hơn ba tháng sau mới lò dò xuất hiện tại trường.

Họa sĩ Nguyễn Khang là một bậc tiên chỉ trong ngành Mỹ thuật Công nghiệp nói riêng và ngành Mỹ thuật nói chung; ông cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông sinh năm 1911 tại Bưởi (Hà Nội) trong một gia đình mà cha là thợ vẽ kỹ thuật hỏa xa, mẹ chuyên bán sơn ta ở chợ Hàng Gai. Vốn đam mê vẽ từ nhỏ lại được sự kèm cặp của cha nên Nguyễn Khang dễ dàng lọt qua kỳ thi gắt gao của các “me xừ” Tây để được chọn vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux arts) khóa 1930-1935.

Hiệu trưởng trường này lúc đó là E.Jonchère rất thích các bức vẽ của cậu sinh viên Nguyễn Khang, mặc dù chàng họa sĩ trẻ tuổi này đã không ngần ngại ký tên cùng một số sinh viên khác, công khai đăng báo ngày 27-2-1937 phản bác lại hiệu trưởng để bảo vệ những nét đẹp trong nền mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Do tốt nghiệp loại ưu nên Nguyễn Khang được chọn sang Pháp và không lâu sau, tranh của ông đã giành được một số giải thưởng trong triển lãm sơn mài quốc tế tại Paris Pháp (năm 1937), bằng ngoại hạng “Hora concours” của Hội chấn hưng Mỹ thuật Chicago Mỹ (năm 1939), Giải thưởng danh dự Prize Honmaer (năm 1943)… Rất nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Pháp, Đức.

Vốn là một thanh niên khảng khái, không chịu uốn mình, nên sang Pháp một thời gian Nguyễn Khang tìm đường trở về Việt Nam làm họa sĩ tự do. Khi cách mạng Tháng Tám nổ ra Nguyễn Khang không do dự, khoác ba lô theo đoàn Văn hóa kháng chiến lên Chiến khu Việt Bắc. Bước chân của Nguyễn Khang đã theo các chiến sĩ trải khắp các chiến dịch.

Năm 1949, sau khi trình bày thành công triển lãm “Chiến thắng sông Lô”, Nguyễn Khang đã được ông Trần Duy Hưng giao nhiệm vụ vẽ mẫu các Huân chương Sao Vàng – Huân chương Độc Lập – Huân chương Hồ Chí Minh và được giao phụ trách phân xưởng Mỹ thuật kháng chiến Liên khu 10. Hai năm sau, 1951, Nguyễn Khang được cử sang khu Học xá Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) để giảng dạy Mỹ thuật. Năm 1957, Nguyễn Khang được cử làm Hiệu phó trường Mỹ nghệ và sau đó là Hiệu trưởng trường Cao đẳng MTCN…

“Quan lộ” đang hanh thông như vậy thì bỗng dưng vào đầu năm 1962, Hiệu trưởng Nguyễn Khang “mất tích” đúng 3 tháng 17 ngày. Nhận được một số kiến nghị, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã cho gọi Nguyễn Khang lên để tường trình. Không ai biết rõ nội dung buổi “tường trình” đó như thế nào, chỉ biết rằng cuộc gặp ấy chỉ diễn ra chưa đầy… 5 phút, sau đó, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám tươi cười bắt tay và tiễn Nguyễn Khang ra về.

Gần 50 năm sau bí mật về vụ “mất tích” trên mới được hé mở. Người con trai út của Nguyễn Khang là họa sĩ Thái Dũng hiện đã ngoài ngũ tuần, đang công tác tại Viện Mỹ thuật Việt Nam. Anh có một người bạn thân làm trong ngành ngoại giao. Một hôm, họa sĩ Thái Dũng được người bạn này “bật mí” là toàn bộ hồ sơ về hành trình “mất tích” của cố họa sĩ Nguyễn Khang hiện vẫn còn được lưu giữ và đến nay, “điệp vụ” này đã có thể được công khai hóa.

Họa sĩ Thái Dũng kể: “Tôi là con trai út, tính tình lại hợp với cha, nên hai cha con thường chuyện trò rất tâm đầu ý hợp. Khi được biết về hồ sơ, ghi chép của cha trong thời gian hơn 100 ngày ở nước ngoài, tôi chợt nhớ lại hồi cha bị lâm bệnh nặng, lúc tỉnh táo, cha cho gọi tôi lại gần. Nhìn vẻ mặt và thái độ của cha, tôi cảm nhận được cha sắp nói với tôi điều gì đó mà cha từng giấu kín trong lòng. Lát sau, cha chậm rãi kể, tôi chỉ nhớ được đại ý là vào đầu xuân 1962, cha tôi nhận được “mật lệnh” lên gặp bác Phạm Hùng và được giao cho một nhiệm vụ “đặc biệt” “không được tiết lộ cho bất kỳ ai biết”, bác Phạm Hùng còn căn dặn rằng, trước đó, đã cử hai người đi nhưng không hoàn thành, nên chuyến này phải hết sức thận trọng, linh hoạt.

Rồi, sau đó, trong vai “chuyên gia của Bộ Ngoại thương”, cha tôi bí mật đáp máy bay sang Nhật. Ngoài những việc công khai trong vai trò “chuyên gia thương mại” như đi thăm và “giao lưu” với các công ty lớn của Nhật như Mitsubishi, Sony, cha tôi có nhiệm vụ phải bí mật tiếp cận được một Đảng viên Đảng cộng sản Nhật với bí danh tiếng Việt là “MINH”.

Sau hơn 3 tháng, cha tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Với trí thông minh, thông thạo ngoại ngữ, cha tôi đã khôn khéo chọn lịch trình bất ngờ, tránh lặp lại đường bay của hai người đi trước nên đã “cắt đuôi” được đối tượng theo dõi và trở về sân bay Gia Lâm an toàn với hai va li, một chiếc đầy tài liệu, còn chiếc kia chất đầy đô la Mỹ, bàn giao ngay cho Nhà nước.

Cha tôi còn kể rằng, sau đó, cha được các bác Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn khen ngợi và ít lâu sau thì được Bác Hồ tặng Bằng khen, được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất”.

Trở về nước, họa sĩ Nguyễn Khang tiếp tục công việc của Hiệu trưởng trường Cao đẳng MTCN. Khi Mỹ đánh phá miền Bắc, Trường sơ tán lên Hiệp Hòa (Hà Bắc cũ). Vào một đêm cuối những năm 60, có một chiếc com-măng-ca lên tận nơi Trường sơ tán đón Hiệu trưởng Nguyễn Khang về Hà Nội để nhận một nhiệm vụ “tuyệt mật”! Từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa đến lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Tạo hình(Hội Mỹ thuật) cũng như trường Cao đẳng MTCN, không một ai biết được họa sĩ Nguyễn Khang làm gì, đi đâu, chỉ biết rằng, cứ hàng tuần họa sĩ Nguyễn Khang lại về Hà Nội một thời gian; có lúc sang cả Liên Xô…

Sau này, mọi người mới biết, nhận thấy bệnh tình của Hồ Chủ tịch ngày càng trầm trọng, Bộ Chính trị đã giao cho họa sĩ Nguyễn Khang nhiệm vụ “tuyệt mật”: xây dựng dự án thiết kế, trang trí toàn bộ Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Nguyễn Lương Bằng và Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị.

Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, họa sĩ Nguyễn Khang đã được bổ nhiệm làm Trưởng ban trình bày Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự án trình bày Lễ tang cấp Nhà nước của họa sĩ Nguyễn Khang sau này còn chính thức được thực hiện ở các Lễ tang của các vị: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng…

Trước đó, họa sĩ Nguyễn Khang cũng đã kịp hoàn thành một tác phẩm lớn, đó là bức chân dung Bác Hồ được vẽ bằng sơn dầu, màu nâu, rộng 30 mét vuông. Đây là bức chân dung lớn nhất cho tới thời điểm đó. Bức chân dung này đã được treo trong Lễ tang Bác Hồ và ngày 30-4-1976, tác phẩm này lại được treo trên Lễ đài cuộc mít tinh kỷ niệm 1 năm ngày Giải phóng miền Nam.

Không bị phạt còn được thưởng lớn

Khi ông bất ngờ xuất hiện trở lại sau hơn 3 tháng mất tích, rất nhiều người xúm xít, hỏi han, chất vấn, nhưng Nguyễn Khang chỉ mỉm cười, tảng lờ không trả lời và cũng chẳng tiết lộ bất cứ điều gì.

Thái độ khó hiểu của Nguyễn Khang cùng với tin đồn ông họa sĩ này đi buôn đô la đã khiến một số vị rất bất bình cho rằng Nguyễn Khang vừa vô ý thức, vô tổ chức lại không “thành khẩn khai nhận” nên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc đó là cụ Hoàng Minh Giám phải tiến hành kỷ luật cách chức Hiệu trưởng và khai trừ Đảng đối với Nguyễn Khang.

Trong khi mọi người đang hồi hộp chờ xem Hiệu trưởng Nguyễn Khang bị “xử lý” thế nào thì lạ thay, một thời gian sau, ông không những chẳng phải nhận bất kỳ hình thức kỷ luật gì, ngược lại còn được thưởng lớn, ấy là tấm Bằng khen của Hồ Chủ tịch, rồi sau này, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG