“Vua đồ cổ” Sài thành

“Vua đồ cổ” Sài thành
TP - Cổ vật mà Hoàng Văn Cường sưu tầm được khá đa dạng qua các triều đại của các nền văn hóa Trung Hoa, Nhật, Campuchia, Champa, óc eo, Việt Nam…
“Vua đồ cổ” Sài thành ảnh 1
Anh Hoàng Văn Cường và chiếc xe gắn bó hơn 30 năm

Sinh ra ở Huế, từ 10 tuổi Hoàng Văn Cường đã lăn lộn ở Sài Gòn để kiếm sống bằng nghề giặt quần áo thuê cho lính, nhặt phế phẩm còn tận dụng được bán đi lấy tiền học.

Anh vừa học văn hóa, vừa học ngoại ngữ trong tình trạng nhiều lúc không một xu dính túi, không mái nhà che thân.

Vậy mà giờ đây, Cường đang có trong tay một bộ sưu tập cổ vật khiến dân Sài thành phải tôn anh là “Vua đồ cổ” được đánh giá lên tới hàng triệu USD.

Trong những năm tháng kiếm sống cơ cực từ lúc 10 tuổi, Hoàng Văn Cường đã bắt đầu sưu tầm đồ cổ từ những… đồ phế thải. Sau này, anh sưu tầm xe ôtô, đồ ngự dụng, dân dụng…cho thỏa sở thích của mình.

Cổ vật mà Hoàng Văn Cường sưu tầm được khá đa dạng qua các triều đại của các nền văn hóa Trung Hoa, Nhật, Campuchia, Champa, óc eo, Việt Nam…

Căn nhà ở trên phố Đông Du (quận 1, TP HCM) đã trở nên chật chội phải gom góp cổ vật lại, đưa xuống Thủ Đức cất giữ, tránh hư hỏng và mất mát, hình thành khu bảo tàng tư nhân đầu tiên ở TP HCM.

Đến đây, tôi như lạc vào một cung điện của nhiều triều đại khác nhau. Anh Cường tâm sự: “Khuôn viên này 1.200 m2 hiện quá nhỏ, cổ vật xếp chồng chất lên nhau thành kho chứ không phải là nơi trưng bày.

Tôi đã mua một căn nhà của người Thái trên Sơn La, 2 căn nhà ở Huế…sau đó chở về đây, lắp ráp chúng lại và trưng bày, đánh số các cổ vật. Ba căn nhà này hiện lưu giữ trên 1.000 cổ vật, sớm nhất thời Đông Sơn, muộn nhất là triều Nguyễn”.

Ngay từ cổng vào, những hiện vật quý như 4 khẩu thần công, 2 bộ tượng đúc trâu bằng đồng… tượng vua Khải Định bằng vàng đúc năm 1800 đã chiếm một không gian vườn trang trọng.

Trong các kho, anh trưng bày nhiều bộ sưu tập khác nhau như: Đồ ngự dụng từ triều Nguyễn (Huế) như giường bà Từ Dũ nằm, ngai vàng (dùng để thờ), trên 200 loại ấm pha trà, vò đựng rượu, đèn và chân đèn…Tôi cũng thấy trong kho đồ cổ này còn có 2 bộ “lá ngọc cành vàng” mà năm 2004 Bảo tàng TP HCM phải đến anh Cường mượn để trưng bày nhân dịp lễ lớn.

Anh tâm sự: “Trong suốt 38 năm sưu tầm cổ vật, tôi có rất nhiều bộ sưu tập khác nhau, vô cùng quý giá. Bộ sưu tập 25 cây súng của Nhật sản xuất năm 1600, báng làm bằng ngà voi. Đã có 4 Bảo tàng của Nhật đến tìm mua nhưng tôi từ chối.

Tôi đã từng có những năm tháng cực kỳ nghèo khó nhưng chưa từng bán đi một cổ vật nào. Tâm nguyện của tôi là mua thêm cổ vật để giữ lại cho đất nước chứ không bán đi.

Vì thế, tôi đã từng qua Trung Quốc, Philippines đấu giá để mua cổ vật của Việt Nam mang về.  Nhiều người định giá 3 kho cổ vật của tôi giá 30 triệu USD, giá ấy họ định cũng chưa sát lắm”.

Chiều muộn, ánh nắng đã nhạt dần trên vòm cây trong vườn, chúng tôi ngồi uống trà và ngắm những món cổ vật quý giá. Anh Cường bộc bạch: “Đã nhiều năm nay, bảo tàng tư nhân của tôi đã thành điểm du lịch của nhiều du khách, còn các bảo tàng ở TP HCM khi cần trưng bày cổ vật thì họ tìm đến mượn.

Tôi sẵn lòng với mọi người”. “Anh có dự định gì không?”. “Tôi rất muốn các cổ vật của mình được trưng bày tại TP HCM như Làng văn hóa các dân tộc ở quận 9 chẳng hạn, hay một nơi nào đó đúng tầm. Tôi cũng đang dự định đưa về quê tôi, cố đô Huế để trưng bày một góc trong An Định Cung. Số cổ vật này là di sản văn hóa của nhân loại, vì thế cần phải đưa chúng ra với tất cả mọi người”.

Xuân này, những cổ vật của bộ sưu tập vô giá kia sẽ được khoe mình trong một bảo tàng tư nhân của Hoàng Văn Cường tại một không gian riêng ở TP HCM.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.