Ngày cũ của tương lai:

Vừa đủ “dị”

Người sói đứng giữa quá khứ và tương lai
Người sói đứng giữa quá khứ và tương lai
TP - Nạn phân biệt chủng tộc vẫn nhức nhối trong xã hội hiện đại. Chẳng thế mà phim không thực sự xuất sắc như 12 năm nô lệ vẫn đoạt giải Oscar. Xem X-men 7, lại thấy vấn đề đó ở góc độ... dị nhân. Phần 7 nhan đề Ngày cũ của tương lai ra rạp Bắc Mỹ và Việt Nam từ 23/5.

Ngày cũ của tương lai

Dị nhân (X-men) được chuyển thể từ truyện tranh của hãng Marvel (Mỹ) kể về những người có khả năng siêu việt do đột biến gen. Loạt phim giả tưởng này bắt đầu trình chiếu từ năm 2000, được chú ý trên toàn thế giới, thu tỷ đô tiền lời.

Ngoài cốt truyện hấp dẫn, nhân vật độc đáo, kỹ xảo ấn tượng... Dị nhân còn là hình ảnh ẩn dụ về những cá thể thiểu số, khác biệt, khó hòa nhập với xã hội Mỹ. Sâu xa hơn nữa là chuyện phân biệt chủng tộc.

Trong phần thứ 7 Dị nhân: Ngày cũ của tương lai, vấn đề chủng tộc được đẩy lên đỉnh điểm khi nhân vật tiến sĩ Bolivar Trask làm ra vệ binh (Sentinel), loại rô-bốt diệt dị nhân. Nhân vật Raven biệt danh Thần bí (Mystique) đã giết chết Trask vào năm 1973, hành động này khiến chính phủ nổi giận, phát triển dự án Vệ binh bằng chính ADN của cô, đẩy chủng dị nhân đến bên bờ diệt vong. Để ngăn chặn thảm họa, người sói Logan đã trở về quá khứ…

Một câu chuyện đấu tranh từ đầu đến cuối dù chứa không quá nhiều cảnh hành động. Thay vào đó, đạo diễn Bryan Singer tập trung khắc họa mâu thuẫn tâm lý nhân vật, tạo ra các lớp xung đột liên tiếp. Thủ pháp này thành công nhờ diễn xuất rất tốt của dàn diễn viên đa quốc tịch. Trong đó nổi lên Jennifer Lawrence (vai Raven), James McAvoy (Charles Xavier) và dĩ nhiên Hugh Jackman (Wolverine).

Thủ pháp đồng hiện không mới vẫn hiệu quả nhờ sự đan cài chặt chẽ và những câu thoại sâu sắc. Hài hước cũng là một điểm cộng. Chỉ với các tình tiết điểm xuyết, đa phần khán giả phải hiểu về dòng phim X-men và văn hóa phương Tây mới thấy buồn cười, cũng biến câu chuyện mềm mại và thú vị lên nhiều.

Rất Mỹ và rất X-Men

Phim làm theo loạt khó tránh lối mòn. Tập này vẫn có cảnh các dị nhân phụ “xếp hàng” chờ thể hiện khả năng dị của mình. Vẫn cuộc chiến giữa Magneto với giáo sư X quyết định tất cả bởi con người quá yếu trước họ.

Vẫn có cái gì đó không thỏa mãn với sự cam chịu của Charles, cắn răng bảo vệ hoà bình đồng nghĩa bảo vệ quyền lợi của giới cầm quyền. Tuy nhiên phim rất thu hút quen thuộc theo kiểu X-men. Và kiểu Mỹ. Chế giễu Tổng thống (cù lần, vô trách nhiệm), coi quân đội và Nhà Trắng là trung tâm, luôn đề cao tinh thần dân tộc cùng sự tự do đến vô tư. Một kẻ hiếu chiến có thể điều khiển kim loại như Erik đang tự do mà chính quyền lại thoải mái vận chuyển vũ khí bằng tàu hỏa, thứ phương tiện bị cướp cả ngàn lần trong phim Mỹ.

“Bộ phim lãng phí cả hai dàn diễn viên (quá khứ và tương lai), nhảy từ cảnh này sang cảnh kia khiến người xem lạc trong mê cung của tương lai và quá khứ”           

Ý kiến chê trên tờ Daily Telegraph

 Cuộc chiến của sức mạnh siêu đẳng được giải quyết bằng một viên đạn súng lục- vũ khí phòng thân của người Mỹ. Hình ảnh sân vận động khổng lồ lơ lửng chờ đổ sụp xuống đầu người dân không ấn tượng bằng câu nói của giáo sư X: “Dị nhân muốn dùng năng lực tuyệt vời của mình để gánh lấy bất hạnh cho con người”.

Cái cách Logan cho Charles xem nỗi đau của mình để thức tỉnh bản năng chiến sĩ của hòa bình, giải quyết được vấn đề mà bộ phim đặt ra. Hiểu nỗi đau của người khác và của chính mình, con người có thể loại bỏ những cuộc chiến vô nghĩa.

Hay đơn giản cứ theo cách anh chàng Cơn lốc bạc (Quicksilver) ngăn chặn vụ đụng độ giữa đám dị nhân và binh lính Lầu năm góc trong cảnh quay thú vị nhất phim.

Chàng trai trẻ có tốc độ siêu thanh, chạy vòng quanh căn phòng, uống ngụm café bị hất tung ra, vừa làm chuyển hướng các động tác tấn công một cách hài hước. Suy nghĩ của chúng ta còn nhanh hơn những bước chạy ấy. Thay đổi cách nhìn nhận sẽ giúp thay đổi số phận của rất nhiều người.

MỚI - NÓNG