Xã tín - hồi ba

Xã tín - hồi ba
TP - Có một thứ niềm tin, không biết nên gọi là gì, tác giả tạm gọi nó là xã tín. Khác ở ta, có tư tín và có vẻ đang ngày càng ít đi. Ở các nước phát triển, xã tín đặt căn bản cho sự tồn tại an toàn xã hội. Anh La ở trong bài viết như là mặc định tên nhân vật mà tác giả gửi gắm.

> Xã tín - hồi một
> Xã tín - hồi hai 

Anh La thèm chơi môn bóng bàn, tịnh không biết phải chơi ở đâu? Vào công viên thấy mấy chiếc bàn đá, năm thì mười họa có vài cậu bé ra quần nhau mươi phút! Hoặc vài dăm bữa đến nhà bạn, chui xuống tầng ngầm, đánh với nhau được vài quả đực cái.

Mấy vị đồng nghiệp mách “anh phải gia nhập Liên đoàn bóng bàn quốc gia!”. Nghe mà không tin vào tai mình.

Cuối cùng thì nhu cầu mạnh hơn lòng dút dát, anh La tìm đến một câu lạc bộ bóng bàn gần nhà.

- “Chúng tôi chào đón anh! Anh cứ việc chơi thử ít tuần. Nếu thấy phù hợp thì anh đăng kí, nộp tiền, và nhận thẻ là thành viên của Liên đoàn bóng bàn quốc gia tức thì!

Anh sẽ tham gia luyện tập, thi đấu, và giỏi thì cứ việc lên hạng cho đến khi thành nhà vô địch”.

Lạ thay, chính cái môn bóng này đưa anh La đi khắp các hạt trong vùng, gặp gỡ, thi đấu, mà cũng là thăm thú đó đây. Mỗi phường xóm người ta cố tổ chức câu lạc bộ với khả năng của mình. Nhiều khi là xin lại những nhà kho cũ, hay tận dụng tầng ngầm của một bể bơi, hay chia sẻ theo giờ khu nhà tập của nhiều bộ môn thể thao, nghệ thuật, văn hóa khác nhau, hay sang ra có khi được tòa nhà do một người giàu có yêu bóng bàn biếu tặng lại trước lúc rời cõi.

Các phòng bóng thi đấu phải được thỏa mãn các tiêu chuẩn của Liên đoàn về độ rộng, chiều cao, chiếu sáng, an toàn, cùng các bàn bóng và… bóng. Và câu lạc bộ đăng kí trở thành thành viên của Liên đoàn.

Với người chơi thì khung vợt và các mặt vợt phải được Liên đoàn công nhận, có danh sách hằng năm.
Lịch thi đấu các đội của các câu lạc bộ trong vùng theo hạng được sắp xếp và công bố trước cả nửa năm - mỗi năm có hai mùa, và thứ hạng cá nhân, thứ hạng đồng đội được xếp lại theo kết quả. Ai bận gì thì đã phải thông báo trước từ rất sớm để lãnh đạo các câu lạc bộ lo việc “chuyển quân”, sắp xếp.

Việc di chuyển thi đấu là cố gắng tự nguyện của các thành viên, thường trên nguyên tắc lá lành đùm lá rách. Những người có xe đăng kí chuyên chở các vận động viên cho câu lạc bộ.

Tiền nong vận hành của các câu lạc bộ ngoài phần đóng của người tham gia còn có sự trợ giúp của chính quyền vùng, thị trấn qua quĩ thuế, và của một vài doanh nghiệp.

Các câu lạc bộ loay hoay cũng trang trải được các chương trình huấn luyện quanh năm do các huấn luyện viên bằng cấp đào tạo.

Nói nghe đơn giản. Nhưng khắp vùng Balê với bán kính hàng chục cây số hầu như tất cả các phường, xã đều có câu lạc bộ bóng bàn riêng là thành viên của Liên đoàn quốc gia! Nếu bạn nhân lên hàng chục môn thể thao khác, rồi các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, bạn sẽ thấy một nền tảng khổng lồ của đời sống được dựng lên từ những cố gắng rất giản dị của mỗi cá nhân.

Và các câu lạc bộ này còn phải cạnh tranh nhau để kéo về được nơi mình đông đảo vận động viên cùng những đấu thủ giỏi!
...
Nửa đêm đi thi đấu xong, các toán quân lục tục kéo từ các địa hạt về, vừa thông báo kết quả, vừa để tụ họp. Câu lạc bộ thành quán ăn đêm. Các bàn được chắp lại làm mâm chung, “cỗ” kéo đến hai ba giờ sáng. Đơn giản là bánh mỳ, phomát, xúc xích, patê, đồ uống và chút rượu vang do mấy vị “anh nuôi” thủ quỹ chuẩn bị, ai nhiệt tình có khi nấu cả nồi súp mang đến. Quả thực là một đại gia đình thể thao, già trẻ trai gái đầm ấm thân tình, vác mọi chuyện trong tuần ra tâm sự.

Dần dà anh La vỡ ra rằng trong cái xã hội hiện đại nơi mà con người phải di chuyển và đổi thay công việc liên miên, chính những câu lạc bộ mới là những tổ ấm xã hội bù đắp lại đời sống cộng đồng cho các cá nhân. Nhiều thành viên ở đây cùng nhau đã mấy chục năm, ngày nào còn hai mươi mà nay đã về hưu.
Một môn thể thao, cũng có thể một môn nghệ thuật nữa, đã thành hành trang suốt đời của một người.

Công việc khi đang làm các dự án thật bề bộn, nhiều khi tối mắt tối mũi.

Chiều tối thứ sáu là tối thi đấu bóng bàn, làm sao để yên các bề đây. Thật là nan giải.

Anh La ấp úng gãi đầu nói chuyện này với ông giám đốc dự án của doanh nghiệp tư nhân.

Ông giám đốc mỉm cười.

- “Nếu ông giám đốc nào cũng giữ nhân viên lại thì làm gì còn cái Liên đoàn bóng bàn quốc gia của anh!

Thế này nhé.

Các câu lạc bộ cũng là những tổ chức xã hội, cũng có những dự án của mình.

Bất kể công việc căng thẳng đến thế nào, nếu anh đã thông báo rằng các tối thứ sáu là nằm trong lịch thi đấu của Câu lạc bộ mình, doanh nghiệp và các đối tác đều phải thả anh đi, thậm chí còn giục anh dứt áo ra đi, kẻo muộn.

Chúc thắng trận nhé! Lên đường thôi!

À mà có khi anh chưa biết, tôi ở trong Liên đoàn bóng bầu dục!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.