Xẩm lên tiếng phản đối Trung Quốc gây hấn biển Đông

Các nghệ sĩ và diễn viên quần chúng miệt mài làm việc trong buổi ghi hình MV Tiễu trừ quân cướp biển Đông. Ảnh: N.M.Hà
Các nghệ sĩ và diễn viên quần chúng miệt mài làm việc trong buổi ghi hình MV Tiễu trừ quân cướp biển Đông. Ảnh: N.M.Hà
TP - Nhiều ca khúc về biển đảo đã ra đời kịp với tình hình thời sự biển Đông. Tới đây, những người làm nghệ thuật truyền thống sẽ lên tiếng nói lên án hành động trái phép, trắng trợn vi phạm công ước luật biển của Trung Quốc.

Video xẩm Tiễu trừ quân cướp biển Đông dự kiến xuất hiện trên mạng và có thể trên một số kênh truyền hình vào cuối tháng này.

Xẩm vốn là loại hình ca hát dân gian không ngại nói lên những vấn đề thời sự, gần gũi với đời sống xã hội. Xẩm của những nghệ sĩ trẻ hôm nay không nằm ngoài tinh thần đó. Toàn bộ phần dàn dựng, thu âm và ghi hình MV Tiễu trừ quân cướp biển Đông do nhóm xẩm Hà Thành và những người bạn thực hiện trên tinh thần tự nguyện. MV vừa được ghi hình tại đình Chèm với sự tham gia của hơn 20 diễn viên, nghệ sĩ… trong trang phục truyền thống.

Những hình ảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, hay tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam và đâm chìm tàu của ngư dân… sẽ được lồng vào.

Vài tháng trước, nhạc sĩ Quang Long (BTV Nhà xuất bản Âm nhạc) tâm sự với đạo diễn Nguyễn Nhật Giang (VTC) muốn làm một bài xẩm về tình hình biển Đông. Đạo diễn ủng hộ nhiệt liệt. Tuy nhiên hàng tháng sau, vẫn chưa thấy nhạc sĩ động tĩnh gì, đạo diễn giục liên tục.

Cho đến một hôm, trời mưa, đang phóng xe máy về nhà thì trong đầu Quang Long bật ra câu: “Vô duyên cái đường lưỡi bò”. Tối hôm đó, anh về viết một mạch xong phần lời. Lời hát tiếp tục được hoàn thiện với sự góp ý của một số nhà nghiên cứu, nhà báo. Quang Long nói thêm: “Khi viết lời, tôi tránh kêu gọi bạo động, gây hấn… để MV có thể được giới thiệu trên các kênh truyền thông chính thống”.

Mới đầu, Long định dùng điệu xẩm Chợ, sau đó quyết định chọn làn điệu xẩm Sai để truyền tải được nhiều ý tưởng hơn. Anh cho hay: “Xẩm Sai ít được sử dụng nhưng khi đã dùng đến đều trong dịp quan trọng.

Trước năm 1930, các cụ khai thác làn điệu này để bài tệ nạn thuốc phiện. Năm 1945, nghệ nhân Vũ Đức Sắc viết Tiễu trừ giặc dốt (ủng hộ phong trào Bình dân học vụ) trên nền điệu xẩm Sai. Khoảng năm 2006, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc đã ứng dụng xẩm Sai vào bài Tiễu trừ tham nhũng rất được khán giả tán thưởng.

Khi Trung Quốc vị phạm luật biển quốc tế, đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền biển kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi thấy chính là thời điểm xẩm Sai phải thức giấc để tuyên truyền”.

Mỗi lần được đặt lời mới, điệu xẩm Sai nguyên gốc lại được làm mới thêm chút, tuy nhiên vẫn dựa trên chất liệu dân gian. Để tăng cường tính đại chúng trong Tiễu trừ quân cướp biển Đông, Quang Long đã dùng hai giọng nam, một nghiêm chỉnh, một già dặn để tùy lúc thể hiện giọng điệu.

Phần hát nói trước đây không đáng kể, dành cho đồng ca, nay được giao hẳn cho một giọng nữ có khả năng “hát như mắng” là Mai Tuyết Hoa (BTV Truyền hình VOV) để thêm phần đanh thép. Cứ thế, giọng này chưa dứt, giọng kia đã gối vào, dàn đồng ca nhân dân hòa theo thể hiện sứ quyết tâm, đồng lòng… Tất cả làm nên một bản “luận tội” hùng hồn mà vẫn dân dã, đầy chất đường phố.

MV có nhân vật nổi bật trong màu áo đỏ, nhiều lúc quay lưng vào ống kính múa may bắt quyết khá hài hước. Chả là Sai vốn là điệu hát cúng sau này được đưa vào xẩm, chèo. Nhân vật phù thủy trong chèo thường được hóa trang xấu xí, dị hợm với màu sắc châm biếm. Phù thủy trong MV này mang nhiều dáng dấp của hề hơn. Bỗng nhớ đến câu hát trong bài Nối vòng tay lớn: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Cứ tạm coi nhân vật này đang làm nhiệm vụ kết nối đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói: “Với phiên bản xẩm Sai này, tôi thêm hát phú của chèo, thêm đọc hịch, tăng cường tiết tấu đồng dao - tất cả hòa quyện thành một thể hát nói gần với rap, vừa truyền tải tinh thần dân tộc, vừa tạo sức lan tỏa”. Đệm cho xẩm Sai thường là đàn nhị, nhưng từ ý tưởng của nghệ sĩ Trần Đình Dũng (Nhà hát Múa rối Thăng Long), chỉ có bộ gõ và tù và sừng trâu được dùng trong Tiễu trừ quân cướp biển Đông để thể hiện tinh thần thượng võ, đúng kiểu âm nhạc chiến trận thời xưa.

MỚI - NÓNG