Xóa mù nhạc dân tộc bằng tiếng Anh

Võ Vân Ánh (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn trẻ “hòa tấu” chén .Ảnh: N.M.Hà
Võ Vân Ánh (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn trẻ “hòa tấu” chén .Ảnh: N.M.Hà
TP - Gần như lúc nào cũng có hàng người trước cửa tòa nhà lãnh sự Mỹ tại Hà Nội thường là để xin visa. Những ngày đầu tháng bảy, thêm một số người xếp hàng để được vào nghe nhạc dân tộc. Người Việt nghe người Việt giảng giải về nhạc Việt bằng tiếng Anh.

Giảng viên chính là nghệ sĩ đàn tranh thành danh tại Mỹ Võ Vân Ánh (đáng kể có giải Emmy dành cho nhạc phim do chị viết và chơi). Người nghe đại đa số là sinh viên đến sinh hoạt tại thư viện của Trung tâm Mỹ (American Center). Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Cầu nối Âm nhạc- Music Bridge.

Có mặt tại các hội thảo của Music Brigde mới giật mình về lỗ hổng âm nhạc của một số bạn trẻ. Đây là lần đầu họ được biết tên các nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn bầu…

Tất nhiên cây đàn bầu mà NSND Xuân Hoạch phục chế từ đàn bầu cổ của người hát xẩm cũng có hơi khác so với cây đàn thường thấy trên ti vi. Nó không có quả bầu (để trang trí) mà lại có phần đế rất to- đây mới là cái bầu để khuếch đại âm thanh một cách tự nhiên. Dây đàn không bằng sắt mà bằng tơ tằm. Nghệ sĩ Quốc Hùng giới thiệu bộ sưu tập nhạc cụ thổi của các dân tộc vùng cao, trong đó có loại pí trước khi chơi phải ngâm rượu. Ông cũng dùng đàn môi để nói mấy câu tiếng Anh đơn giản.

Các nghệ sĩ trình bày một cách tổng quan nhất về nhạc dân tộc, cho thấy tính năng và sự biểu cảm đa dạng của nhạc cụ Việt Nam. Các bạn trẻ luôn được mời phát biểu ý kiến và tham gia biểu diễn. Một nữ sinh chơi khèn môi, một số chơi chén, mõ, sênh tiền và rất nhiều bạn tạo tiếng động chỉ bằng những hòn sỏi. Dù chỉ cung cấp kiến thức rất cơ bản nhưng có thể thấy những buổi bổ túc như thế này đầy ý nghĩa.

Nhất là nó lại đánh vào các bạn trẻ ham học ngoại ngữ- đối tượng dễ bị “mất gốc”. Có thể họ đến với hội thảo với mục đích ban đầu chỉ để thực hành tiếng Anh.

Về động lực thành lập Cầu nối Âm nhạc, Ánh chia sẻ: “Các loại hình nghệ thuật dân tộc như tấm gương phản chiếu văn hóa người Việt trong toàn bộ chiều dài lịch sử, nhưng văn hóa dân tộc lại chưa nhiều người biết đến vì người ta chưa có điều kiện tiếp xúc, không có ai để khơi nguồn cảm hứng. Với tôi, âm nhạc chẳng qua là một loại ngoại ngữ. Mình tìm mọi cách để giải mã và làm cho ngôn ngữ đó dễ hiểu hơn cho giới trẻ - những người sẽ đem nó vào tương lai”.

Cuộc hội thảo thứ ba tại Hà Nội dành cho Diana Rowan- nghệ sĩ đàn harp hàng đầu của Mỹ. Đáng nói, nghệ sĩ nước ngoài nhận lời tham gia Music Bridge đều trên tinh thần tự nguyện. Tức là họ tự trang trải mọi chi phí di chuyển và ăn ở tại Việt Nam.

Bên cạnh các hội thảo đại chúng, Cầu nối Âm nhạc mở cuộc vận động sáng tác cho các nghệ sĩ chơi đàn dân tộc. Được biết các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Nguyên Lê, Quốc Trung, Đỗ Bảo… đã nhận lời thẩm định tác phẩm dự thi.

Đầu tháng 8 này Vân Ánh tổ chức sự kiện gây quỹ thường niên thứ hai cho Cầu nối Âm nhạc tại Hà Nội. Sự kiện năm ngoái tại phòng trà Rooftop thu hút hơn 100 triệu đồng cho các hoạt động năm nay. Sắp tới, các hoạt động của Music Bridge sẽ phong phú hơn, bao gồm cả việc dạy đàn dân tộc cho một trại trẻ mồ côi ở Hải Phòng.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.