Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Hai câu thơ Xuân Quỳnh lấy làm đề từ cho tập thơ Gió lào cát trắng đã ám vào đời chị như một tiền định của số phận.

>> Kỳ I: “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ”

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Từ trái sang phải: Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh

Đang ở trong môi trường thuận lợi, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Đoàn ca múa với những người bạn, người chị thân thiết như trong một gia đình, với những chuyến đi biểu diễn thường xuyên ở nước ngoài. Biết bao người đã mơ ước có được một vị trí như chị.

Bản thân Xuân Quỳnh khi mới được tuyển về Đoàn văn công, được ra sống ở Thủ đô Hà Nội, đã cảm thấy như một sự đổi đời, không còn mong ước gì hơn thế. Không chỉ tập luyện và biểu diễn, Xuân Quỳnh còn say mê với công việc đi sưu tầm và khai thác những điệu múa lưu truyền trong dân gian.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông kể lại rằng một lần ông cùng nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Trọng Hứa đi lên Lũng Cú, nơi cực bắc của Tổ quốc. Nhà văn Nguyễn Tuân đã hỏi cả đoàn: “Các anh có biết chúng ta lên đây hơi muộn rồi không, trong giới văn nghệ đã có người lên đây trước chúng ta rồi, biết ai không?” Mọi người lắc đầu, chịu không biết.

Sau khi tợp một ngụm rượu, Nguyễn Tuân chậm rãi kể: “Có một người con gái 17, 18 tuổi gì đó đã lên Lũng Cú trước chúng ta để cùng với đoàn đi tìm những điệu múa dân tộc, mà thời đó từ Hà Giang lên Đồng Văn chưa có đường ôtô chỉ toàn đi bằng ngựa hoặc đi bộ được thôi. Cô gái đó là Xuân Quỳnh, một diễn viên múa trước đây, bây giờ là nhà thơ trong Hội chúng ta rồi đấy.”

Nhà thơ Hoàng Trung Thông rất thích thú và ngạc nhiên. Khi về Hà Nội, ông tìm gặp Xuân Quỳnh để hỏi và đã được xác nhận là đúng như thế. Xuân Quỳnh kể rằng hồi đó Đoàn ca múa có chủ trương khai thác các lời ca, điệu múa cổ lưu truyền trong nhân dân. Đặc biệt là các điệu múa của bà con dân tộc miền núi phía Bắc.

Những năm ấy hầu như chả có phương tiện quay phim, chụp ảnh gì. Hơn nữa với việc sưu tầm các điệu múa thì việc chụp ảnh nhiều khi không hiệu quả. Có những điệu múa rất đẹp, nhưng khi xem ảnh chụp lại thấy vô hồn.

Chẳng có cách gì hơn là mình phải sống cùng với bà con, rồi trực tiếp học hỏi, tiếp thu từ họ. Mà đâu phải lúc nào mình muốn là họ làm theo ý mình ngay. Có những lúc phải ở nhà, vào rừng, lên nương... cùng họ hàng bao nhiêu ngày mới tiếp thu trọn vẹn được một điệu múa.

Trong những chuyến đi điền dã hầu như bao giờ Xuân Quỳnh cũng là người thu hoạch được nhiều kết quả nhất. Một phần vì chị xinh đẹp, dễ gần, phần nữa vì Xuân Quỳnh rất thích thú, say mê với công việc này.

Thế nhưng mọi việc không xuôi chèo mát mái được mãi. Năng khiếu và lòng yêu thơ ca trỗi dậy, khiến Xuân Quỳnh không thể yên lòng với cuộc sống của một cô văn công.

Suốt một thời gian dài Xuân Quỳnh cứ loay hoay với sự lựa chọn: Một bên là nghề diễn viên múa yên ổn chắc chắn, một bên là con đường thơ ca đầy quyến rũ nhưng cũng thật bấp bênh, không biết rồi ra sẽ thế nào, sẽ đi về đâu.

Xuân Quỳnh viết thư tâm sự với nhà thơ Vân Long - một người anh, người bạn khi đó cũng ở cùng Đoàn. “Tôi bây giờ như một kẻ đứng giữa ngã ba đường vắng mà trời thì tối, chẳng biết hỏi ai. Giá mà bây giờ có ai bảo hộ tôi một điều rằng: “Đi con đường này là đúng” thì dù biết có gục ngã giữa đường tôi vẫn cứ đi. Tôi chỉ sợ mình không biết phương hướng rồi sau này cũng chẳng ra trò trống gì, mà cứ lo nghĩ mãi thế này thì hết đời.”

Những bài hát, những điệu múa... đã từng cuốn hút Xuân Quỳnh hơn mọi thứ trên đời. Nó đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của chị. Từ một cô bé mồ côi mẹ, bơ vơ lạnh vắng trong cái làng nhỏ hiu quạnh chị bước lên sân khấu dưới ánh sáng lộng lẫy của đèn hoa và những tràng pháo tay hâm mộ.

Tuổi mười tám đôi mươi, Xuân Quỳnh có một nhan sắc khiến bao người thầm thương trộm nhớ. Khuôn mặt tròn với đôi mắt đen láy, trong sáng và miệng cười tươi tắn.

Những điều say mê đã từng là tất cả cuộc sống của Xuân Quỳnh giờ đây bỗng trở nên nhợt nhạt. Chị không còn thấy hứng thú như trước kia nữa. Và lúc này những câu thơ dường như đã hoàn toàn xâm chiếm đầu óc Xuân Quỳnh, khiến chị đi đến quyết định phải dành trọn vẹn cho nó.

Biết được ý định rời khỏi Đoàn Ca múa Trung ương của Xuân Quỳnh, nhiều người cho là điên rồ và hết lời khuyên can chị không nên viển vông và phiêu lưu như vậy. Nhưng Xuân Quỳnh đã quyết và không gì có thể lay chuyển nổi.

Nhiều năm sau này, khi gặp lại Xuân Quỳnh, ca sĩ Tân Nhân vốn là một người chị cùng Đoàn rất yêu quý Xuân Quỳnh vẫn còn nhắc chuyện ngăn cản mãi việc Xuân Quỳnh rời Đoàn ra đi mà không nổi. Sự chuyển hướng này là một việc lạ lùng, không sao giải thích được trong con mắt mọi người.

Thêm một lý do nữa khiến họ ngạc nhiên, bởi vì ngoài việc đã có nghề nghiệp ổn định, tương lai nhiều hứa hẹn, lúc này Xuân Quỳnh đã có chồng chưa cưới là anh T - một nhạc công đàn viôlông ở cùng Đoàn. Anh T là người hiền lành, tốt bụng, khéo tay, chăm sóc Xuân Quỳnh chu đáo.

Từ Đoàn Ca múa Trung ương, năm 1962 Xuân Quỳnh được tham gia lớp Bồi dưỡng lực lượng nhà văn trẻ do Hội nhà văn tổ chức, kéo dài hơn hai năm.

Khóa học đó có khoảng gần ba chục người, hầu hết sau này đều trở thành những cây bút tên tuổi, có vị trí xứng đáng trên văn đàn. Ít tuổi nhất khóa học là Xuân Quỳnh và Nguyễn Thị Ngọc Tú. Nhiều tuổi nhất là nhà văn Võ Huy Tâm. Ngoài ra còn có thể kể đến một số tên tuổi khác như Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Trọng Oánh, Nông Minh Châu, Hoàng Hạc...

Lớp học đặt ở trại sáng tác Quảng Bá, một khu đất rộng và đẹp nằm kề bên Hồ Tây. Thời gian đầu, Xuân Quỳnh vẫn ở trong khu văn công Cầu Giấy, hằng ngày đạp xe đi học. Sau đó chị được bố trí một căn phòng nhỏ ngay tại Quảng Bá.

Tuy cùng là môi trường nghệ thuật, nhưng cách sống, cách làm việc và các mối quan hệ ở trại sáng tác Quảng Bá khác hẳn với Đoàn văn công. Trong thời gian hai năm học, thường lên lớp vào buổi sáng, còn buổi chiều tự do. Mọi người đọc sách, trao đổi trò chuyện cùng nhau, ai viết được gì thì viết. Những sáng tác mới có thể được đưa ra bàn bạc, góp ý kiến.

Vốn là người ham học hỏi, Xuân Quỳnh cảm thấy thật may mắn khi được theo học lớp viết văn đầu tiên này. Chị được học với những người thầy ở đỉnh cao kiến thức như Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Cao Huy Đỉnh, Nam Trân...

Và đương nhiên, lớp học còn được đón nhận nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi đến truyền đạt kinh nghiệm, dẫn dắt vào nghề sáng tác: Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Bùi Huy Phồn, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...

Không chỉ được thu nhận về kiến thức, cảm hứng sáng tạo ngày càng được nảy nở và bồi đắp. Xuân Quỳnh háo hức bước vào một chặng đường mới của cuộc đời mình: Chuyên tâm và gắn bó hoàn toàn với công việc sáng tác thơ ca.

Con đường chị đã lựa chọn sau bao nhiêu đắn đo, cân nhắc, giờ đây đã tìm được câu trả lời xác thực nhất. Chị đã không nhầm lẫn chút nào khi đánh cược cả cuộc đời mình vào những câu thơ. Thơ ca đã đem đến cho cuộc sống của Xuân Quỳnh bao ý nghĩa sâu sắc, mới mẻ hơn.

Trong tiểu sử văn học, trả lời đề mục nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học, Xuân Quỳnh nêu hai điểm: “Vì thích thú. Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa. Vì uất ức. Khi mới vào nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ nên tôi quyết phải sống. Mà sống tức là phải viết. Nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy có cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không được yêu, mà mình được yêu. Như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng.”

Say mê, háo hức và quả quyết khi dấn thân vào con đường văn học nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Xuân Quỳnh không tránh khỏi sự hẹp hòi, đố kị, nghi ngại ở một vài người, ở chỗ này chỗ khác.

Nhưng vốn là một cô gái có bản lĩnh, sắc sảo, có cá tính và điều quan trọng là có tài năng, nên Xuân Quỳnh đã nhanh chóng vượt qua được những khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Có một thời gian Xuân Quỳnh phải làm công việc giữ trẻ rồi làm thủ thư, giữ sách tại thư viện của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Hồi đó Xuân Quỳnh làm việc ở thư viện cùng với chị Trần Phúc Mộng Loan.

Chị Loan là người yêu của nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức). Khi chị Loan xin đi vào Nam với nhà văn Anh Đức, thư viện được giao cho người khác trông coi. Chị Quỳnh cũng chuyển đi làm một vài việc khác rồi cuối cùng được nhận về báo Văn nghệ, lúc đó do nhà thơ Hoàng Trung Thông phụ trách.

Ban đầu Xuân Quỳnh cũng chỉ làm công việc nhận bài vở, ghi vào sổ sách rồi phân loại, chia về các tổ cho biên tập viên xử lý. Một thời gian sau, Xuân Quỳnh mới được phân về làm biên tập viên tổ thơ của báo Văn nghệ, tổ có nhà thơ Vĩnh Mai đã truyền đạt cho Xuân Quỳnh nhiều kinh nghiệm trong nghề biên tập.

Tập thơ Tơ tằm - Chồi biếc (in chung với Cẩm Lai) như một tấm giấy thông hành để Xuân Quỳnh chững chạc bước vào làng thơ. Tập thơ đầu tay này đã được các nhà văn, nhà thơ lớp trước như Vũ Tú Nam, Anh Thơ... viết bài động viên, khích lệ khiến Xuân Quỳnh rất vui và tự tin.

Trong thơ cũng như trong đời, Xuân Quỳnh luôn tỏ ra là một người quyết liệt, yêu ghét đều phải hết lòng. Trong tâm hồn nhạy cảm của Xuân Quỳnh không có một thứ tình cảm nào buông trôi nửa vời. Bao giờ chị cũng đẩy cảm xúc lên ở mức độ cao nhất. Chị luôn thể hiện, luôn nói đến tận cùng những tình cảm của mình.

Đặc điểm này đem sức nặng đến  cho nhiều bài thơ của chị và nó cũng đem đến cho cuộc đời chị nhiều nỗi đắng cay. Xuân Quỳnh đã đem chính cuộc đời mình ra để đổi lấy những câu thơ.

Với chị, cây bút như là một cái “nghiệp”, như là số phận, không thể khác được. Bạn bè vẫn thường nhận xét rằng Xuân Quỳnh là người hay thái quá. Đó cũng là một nét đậm trong tính cách của chị.

Trong cuộc sống cũng như trong sáng tác, Xuân Quỳnh không chịu được những cái trung bình, mờ nhạt. Chị sống chân thành, sống hết mình với những buồn vui, yêu ghét trong cảm xúc của mình.

Xuân Quỳnh là người biết diễn đạt rất giỏi khả năng luôn luôn thay đổi đột ngột của xúc cảm. Nhà thơ Bằng Việt đã diễn tả thật chính xác trạng thái tình cảm đó của tác giả Gió lào cát trắng trong một bài thơ viết tặng bạn:

Lại con đường đỏ rực dưới cây xanh
Đi như lao, như lửa cháy trong mình
Nhịp thơ bạn bỗng bồi hồi mạch đập
Những sườn dốc; rồi những cua vòng gấp
Băng trong đời, như bạn đã từng quen

...

Vẫn đó - gió lào cát trắng trong thư
Những thượng nguồn sông, buồn vui  bất chợt
Như lòng bạn, lũ trào dâng đột ngột
Cuốn mình đi, đắp những bãi bờ xa...

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG