Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận
TP - Bước vào con đường văn chương, cuộc sống của Xuân Quỳnh phong phú rộng lớn hơn gấp bội phần. Nhưng hình như đối với người làm nghệ thuật, nhất là phụ nữ thì nó cũng đồng nghĩa với sự không yên ổn trong đời sống tình cảm.

>> Kỳ III - Ai biết đâu chữ “ghét”/ Là nhịp cầu nối duyên
>> Kỳ II - 'Ngọn gió lào cát trắng của đời tôi/Tôi của cát của gió lào khắc nghiệt'
>> Kỳ I - 'Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/Như một cánh chim bơ vơ mất tổ'

Xuân Quỳnh - Những nghịch lý của tình yêu và số phận ảnh 1
Xuân Quỳnh và nhà văn nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin

Xuân Quỳnh cũng không nằm ngoài trường hợp đó. Chị đam mê thơ và tìm thấy ở đó bao điều kỳ diệu. Thơ ca giúp chị sống sâu sắc và có ý nghĩa hơn.

Năm 1982, Xuân Quỳnh đã viết trong bản tự thuật: “Những truyện của Nam Cao, Nguyên Hồng mỗi khi đọc tôi thấy sao mà giống cuộc sống chung quanh tôi thế. Tôi có cảm giác là tôi cũng có thể viết được như vậy một cách dễ dàng. Và tôi đã khao khát được viết.

Nhưng say mê  hơn cả vẫn là thơ. Tôi đọc thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Huy Cận, Xuân Diệu rất say sưa. Đằng sau những bài thơ, bao giờ tôi cũng cảm thấy bao điều kỳ diệu.

Và tôi tin rằng các nhà thơ là những vị thánh. Cho mãi đến bây giờ tôi vẫn thấy thơ là một nghệ thuật kỳ diệu nhưng khó mà đi tới. Mặc dầu vậy vẫn không bao giờ bỏ được thơ…”

Đúng vậy, chị đã theo đuổi thơ ca cho đến tận những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Chỉ có điều, qua thời gian, bằng sự từng trải và kinh nghiệm sống, những hào quang phù phiếm, những thần tượng từng có lúc chị say mê, tôn thờ đã hoàn toàn sụp đổ.

Có thể nói Xuân Quỳnh là người thành đạt khá sớm, 13 tuổi vào văn công; 17,18 tuổi đã được đi biểu diễn ở hàng chục nước trên thế giới. Mới bước chân vào làng thơ đã được ghi nhận và được những người đi trước khuyến khích, cổ vũ…

Tuy vậy thời gian đầu, Xuân Quỳnh mới chỉ sáng tác bằng cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo, mang tính bản năng, ít có chiều sâu trí tuệ. Vốn có tài, lại có nhan sắc, nên chị được khá nhiều người theo đuổi.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân, người học cùng lớp với Xuân Quỳnh ở lớp bồi dưỡng nhà văn trẻ khoá I đã kể lại rằng hồi đó “gần như cả lớp mê chị”. Bao lời thơ thổn thức viết về Xuân Quỳnh đã được ghi lại trong sổ tay của nhiều người trong lớp học. Có anh chàng còn đứng trồng cây si trước cửa phòng chị thâu đêm suốt sáng.

Cùng với việc sáng tác, lúc này Xuân Quỳnh đã có thêm những người bạn trong giới văn chương, các mối quan hệ ngày càng được mở rộng. Chị thích thú khi được tham dự vào những sinh hoạt văn chương thời đó, như các cuộc nói chuyện về thơ, giới thiệu một tập sách mới ra đời, bàn luận về một tác giả mới xuất hiện…

Và trong số những bạn thơ ngày ấy, Xuân Quỳnh đặc biệt có cảm tình với một người. Chị tưởng như đã tìm thấy ở đó tất cả những điều mà mình thiếu hụt. Những bài thơ với ngôn từ sang trọng, lấp lánh vẻ cao siêu trí tuệ đã có sức cuốn hút Xuân Quỳnh rất lớn.

Việc học hành và kiến thức sách vở có những hạn chế nhất định, do đó chị dễ bị choáng ngợp bởi những người thông minh, sắc sảo có sự học cao biết rộng.

Từ mối quan hệ đồng nghiệp và sự cảm mến thông thường, giữa hai người đã nảy sinh tình cảm sâu sắc hơn. Phải công bằng mà nói, trong thời gian ấy Xuân Quỳnh đã có những tháng ngày hạnh phúc. Chị đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn và trong công việc sáng tác.

Vốn là người đàn bà có tình cảm mãnh liệt và luôn sống hết mình, chị đã đặt vào đó biết bao tâm tình. Có những lúc chị đã nghĩ đến sự gắn bó với những quan niệm không hề mơ hồ về hạnh phúc: Anh có đi cùng em - Đến những mùa hái quả - Đến những ngày thương yêu - Qua nắng sớm mưa chiều - Qua chặng đường tàn phá - Qua rất nhiều nỗi khổ - Qua rất nhiều niềm vui…

Nhưng hình như ở đây một lần nữa bài học về sự nông nổi, nhẹ dạ, “tưởng nước giếng sâu em nối sợi dây dài - Ai ngờ nước giếng cạn em tiếc hoài sợi dây” đã xuất hiện thật trớ trêu.

Một bi kịch khác lại đến với chị. Tìm được người bạn thơ tâm đầu ý hợp, có tình cảm, có sự chia sẻ nhưng thiếu một tấm lòng thành và sự hết lòng hy sinh cho tình cảm đó.

Có thể người đó cũng yêu chị, nhưng anh không dám đánh đổi sự yên bình sẵn có lấy một thứ hạnh phúc nào ai biết rồi sẽ đi đến đâu? Bằng vào sự khác biệt trong tính cách như vậy, tôi nghĩ rằng, nếu như có tiến xa hơn thì mối quan hệ tình cảm ấy cũng khó mà lâu bền được.

Linh cảm của một người phụ nữ nhạy cảm và tinh tế đã khiến cho Xuân Quỳnh băn khoăn. Chị không giấu nổi sự lo ngại đó: “Đốt lòng em câu hỏi - Yêu em nhiều không anh?”.

Đây là câu hỏi để tự giãi bầy với lòng mình. Làm sao có thể đong đếm được tình yêu? “Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ? - Em thử ngào xem được mấy thưng?” (Nguyễn Bính).

Khi phải thốt ra câu hỏi ấy, là đã bao chứa sự lo âu ngờ vực rồi. Và trong tình cảnh ấy người con trai đã chọn một giải pháp khôn ngoan nhất là né tránh câu trả lời! Hoa ơi sao chẳng nói - Anh ơi sao lặng thinh. Tất nhiên sau này, nhân vật trong bài thơ có thể sẽ không “lặng thinh” mãi, nhưng nào còn có ích gì nữa, khi mọi việc đã đổ vỡ đến như vậy!

Câu chuyện này đã để lại trong lòng chị Xuân Quỳnh một vết thương quá lớn suốt một thời gian dài. Người đàn ông mình từng tin tưởng, ngưỡng mộ đã cư xử không giống như mình nghĩ.

Lúc này chị mới chua chát nhận ra rằng, bên trong vẻ hào nhoáng thi vị của tình yêu, các giá trị thật giả không dễ nhận biết một cách rạch ròi. Ngay cả một người đàn bà sắc sảo nhất cũng vẫn không tránh khỏi sự nhầm lẫn: “Vẫn con đường, vạt cỏ tuổi 15 - Mặt hồ rộng gió đùa qua kẽ lá - Lời tình tự trăm lần trên ghế đá - Biết lời nào giả dối với lời yêu…”.

Hạnh phúc gia đình tan vỡ, người đàn ông mình từng tin yêu và hy vọng đã quay lưng lại, có lúc Xuân Quỳnh đã rơi xuống hố thẳm của sự thất vọng. Chị “gia nhập” hàng ngũ độc thân của những người bạn làm việc trong khối văn nghệ. Ngày ngày đến ăn cơm tập thể tại bếp ăn của cơ quan, khi đó đặt tại 49 Trần Hưng Đạo.

Xuân Quỳnh đau khổ, hoang mang không chỉ vì tình cảm đổ vỡ, mà còn vì mất lòng tin vào sự thành thực, vào tình cảm của người khác giới. Chị tự trách móc và xỉ vả mình một cách thậm tệ.

Đã có lúc chị suy nghĩ và xử sự một cách rất cực đoan. Chị tránh tham dự tất cả các cuộc sinh hoạt, hội họp trong giới văn chương để không phải nhìn thấy người đó.

Những bài thơ của chị có liên quan đến anh ta chị đều chối bỏ, không muốn ai nhắc đến. Có lần chị đã kiên quyết yêu cầu một người bạn thơ làm biên tập ở một nhà xuất bản phải bỏ bài thơ của chị ra khỏi tập sách vì không muốn đứng tên chung với người ấy.

Nhà văn Trần Hoài Dương, khi đó cùng làm việc với Xuân Quỳnh ở báo Văn Nghệ, cũng như một số bạn trong giới văn chương khác, đã chứng kiến và hiểu được phần nào tâm trạng của chị trong thời gian đó.

Xuân Quỳnh đã gửi gắm tâm sự vào một truyện đồng thoại. Nhân một hôm chờ họp tòa soạn, chị đã kể cho anh Trần Hoài Dương nghe câu chuyện đó. Vừa kể mắt chị vừa hoe hoe đỏ:

“Ngày ngày, một anh chàng Bói cá có bộ lông cánh sặc sỡ vẫn đến đậu trên cành tre vươn ra hồ. Anh ta ngồi im lặng, không biết nghĩ ngợi những gì mà có vẻ đăm chiêu, tập trung tư tưởng đến cao độ.

Đôi mắt anh ta chăm chú nhìn xoáy xuống đáy hồ nơi đang vươn lên nàng Ngó Sen xinh xắn mới lớn. Qua làn nước trong vắt, Ngó Sen lặng lẽ chiêm ngưỡng chàng Bói cá.

Thấy chàng đau đáu hàng giờ, nàng nghĩ chắc là chàng đang ngắm mình. Chàng phải yêu mình lắm… Nếu không, sao chàng mê mẩn thế kia? Nàng Ngó Sen đang độ tuổi chớm yêu, bồi hồi, phấp phỏng tưởng tượng ra biết bao mộng đẹp…

Đang mơ màng trong lãng mạn, đột nhiên Ngó Sen giật bắn mình. Nước quanh nàng bắn tung toé. Vừa có một tiếng “tõm!” to khủng khiếp. Ngước nhìn lên, Ngó Sen thấy chàng Bói cá, người tình trong mơ ước của nàng, mỏ đang quắp một con cá loáng bạc bay vút lên. Nàng Ngó Sen khóc như mưa như gió. Thì ra, lâu nay Bói cá chỉ cần con cá chứ đâu chú ý đến tình yêu của nàng.”

Nàng “Ngó Sen” đã khóc như mưa như gió, nhưng Xuân Quỳnh thì không thể thế. Chị đã trải qua nhiều nỗi bất hạnh, đã bao lần nước mắt chảy ngược vào trong. Người ta bảo rằng nỗi đau câm nín thường hành hạ con người kinh khủng hơn.

Xuân Quỳnh đau khổ, nhưng chị cũng đã được nhiều người bạn cảm thông, chia sẻ, mặc dù không tránh khỏi việc có những kẻ đố kỵ, nhỏ nhen nhân dịp này bàn tán, đơm đặt làm khổ chị.

Xuân Quỳnh vốn là người có bản lĩnh. Chị mê trong đắm say nhưng tỉnh táo trong tiềm thức. Chị đã vượt qua tất cả những hệ lụy ở đời để sống, làm việc, yêu thương rồi lại hy vọng và chờ đợi!

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...