1 triệu USD cho túp lều thật của “bác Tôm”

1 triệu USD cho túp lều thật của “bác Tôm”
TPCN - Mới đây, chính quyền hạt Montgomery bang Maryland đã bỏ ra một triệu dollars để mua lại ngôi nhà một tầng có gian nhà phụ bằng gỗ tấm. Đó chính là túp lều nổi tiếng của bác Tôm
1 triệu USD cho túp lều thật của “bác Tôm” ảnh 1
Johan Hanson, nguyên mẫu nhân vật chính trong cuốn “Túp lều bác Tôm”

Theo lời khẳng định của các nhà sử học thì gian nhà phụ này chính là túp lều nổi tiếng của bác Tôm.

Nó đã được nhắc đến trong hồi ký của Johan Henson, người đã trở thành nguyên mẫu nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Túp lều bác Tôm” của nữ văn sĩ Harriet Elizabeth Beecher-Stowe (1811 – 1896).

Trong hai thế kỷ XVIII và XIX, ngôi nhà nói trên là một phần khu nhà trung tâm của một đồn điền thuốc lá rộng lớn, còn gian phụ của nó được dùng làm nhà bếp. Đó cũng là nơi ngủ dành riêng cho những người nô lệ làm việc trong nhà.

Johan Hanson (1789 – 1883) ngay từ nhỏ đã phải sống xa gia đình và bị bán đi bán lại tới 3 lần cho đến năm 1800, khi ông trở thành nô lệ của đồn điền thuốc lá. Ông làm việc nhiều năm tại đây và cuối cùng được cất nhắc lên chức quản lý.

Trong hồi ký của mình, ông kể lại là sau chuyến đi cùng người chủ đến những bang miền nam đã bãi bỏ chế độ nô lệ, ông trở về chiếc lều chật ních người với “nền đất, rác bẩn và hôi hám” và từ khi đó, ông nhìn xung quanh với “cảm giác ghê tởm” và tìm cách chuộc mình khỏi thân phận nô lệ.

Ông tích lũy được số tiền cần thiết là 350 dollars và đưa cho người chủ. Người chủ nhận tiền nhưng lại tráo trở tuyên bố rằng mức tiền chuộc đã tăng lên 1.000 dollars.

Năm 1830, Johan Hanson cùng gia đình chạy trốn sang Canada sau khi được tin là mình có thể bị đem bán cho chủ khác. Tại Canada, ông thành lập chỗ cư trú và trường học dành cho những người nô lệ chạy trốn sang đây.

Nữ văn sĩ Harriet Beecher-Stowe gặp gỡ Johan Hanson vào quãng thời gian Hanson đang đi chu du khắp các bang đông bắc nước Mỹ để tố cáo chế độ nô lệ.

Những câu chuyện của ông cũng như bản thân ông đã gây ấn tượng sâu sắc cho nhà văn. Vào năm 1852, cuốn tiểu thuyết “Túp lều bác Tôm” với chủ đề lên án chế độ nô lệ được nữ văn sĩ cho ra mắt bạn đọc. 5.000 bản bán hết sạch chỉ trong vòng một tuần lễ.

Năm sau, lại thêm 300 nghìn bản nữa được bán hết mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm tại các bang miền nam nước Mỹ.

Ảnh hưởng của cuốn “Túp lều bác Tôm” đối với những người đương thời mạnh đến nỗi nó được coi là nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến ở Mỹ kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865 giữa các bang tư sản miền bắc và các bang chiếm hữu nô lệ miền nam với chiến thắng chung cuộc thuộc về các bang miền bắc.

Vào năm 1862, nữ văn sĩ Harriet Beecher - Stowe được giới thiệu với Tổng thống Mỹ hồi đó là Abraham Lincoln và Abraham Lincoln đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.

Chính quyền hạt Montgomery dự định sẽ thành lập nhà bảo tàng “Túp lều bác Tôm” và sau 5 năm nữa sẽ mở cửa cho khách đến thăm. Tin tức về việc túp lều của bác Tôm nằm ở mạn bắc thủ đô Washington chắc chắn sẽ làm đảo lộn những quan niệm sai lệch về chế độ nô lệ đã từng tồn tại ở đây.

Bởi lẽ, nhiều người Mỹ cho tới nay vẫn cho rằng nguyên mẫu nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là xuất thân từ các bang miền nam nước Mỹ, nơi chế độ nô lệ hoành hành dữ dội nhất thời kỳ đó.  

Vũ Việt
Theo Tin tức

MỚI - NÓNG