100 mùa cưới

100 mùa cưới
NĐVN - Trong lễ khai mạc trưng bày "100 năm đám cưới Việt Nam" tại Bảo tàng dân tộc học vừa qua, khách tham dự đa phần đều tập trung trong khoang ảnh đám cưới 5 thập kỷ đầu của thế kỷ 20.
100 mùa cưới ảnh 1
 Cô dâu chú rể mặc bộ đồ cưới đặt mua từ Hồng Kông. Thời điểm 1936 ở Hà Nội, cô dâu mặc áo dài cổ tròn, đeo voan dài chấm gót, ôm hoa bó hoa hồng như thế này gần như chưa có.

Những người cao tuổi, người nước ngoài, phóng viên, sinh viên đều cùng chăm chú ngắm nhìn từng chi tiết trong các tấm ảnh tư liệu quý giá. Từ phong tục, đồ lễ cưới hỏi đến trang phục cô dâu chú rể , thậm chí nét mặt của những người trong ảnh cũng đều  rất xa, rất lạ, rất khác với bây giờ.

Trong hình đen trắng người nào trông cũng hay, phù dâu, chú rể và đặc biệt là cô dâu giống như nhân vật của một bức truyện tranh cổ tích.

"Nét mặt họ bình thản và cuộc đời xung quanh dường như rất yên tĩnh, không như các cô dâu chú rể thời hiện đại mặt như nặn sáp, mỉm cười nhưng hơi căng thẳng trong các tấm ảnh viện photoshop"- một phóng viên trẻ đã thì thầm với đồng nghiệp.

Ở miền Bắc, sau ngày hoà bình lập lại có rất nhiều phong tục cưới hỏi đã biến mất vì cuộc sống mới khó khăn, không cho phép những đám cưới tốn kém, hoang phí. Còn ở miền Nam, những gia đình khá giả vẫn lấy đám cưới của con cái mình để khẳng định tiềm lực và vị trí xã hội.

Phong tục cũ nhất có lẽ là công việc của bà mối. Bà mối đảm nhiệm từ bước đầu tiên khi dắt bố mẹ và chàng rể tương lai đến xem mặt cô dâu.

Trong lần đến xem mặt đó, những bà mối cẩn thận sẽ dặn chú rể mua một bó hoa- không phải tặng cô dâu tương lai (như bây giờ) -mà là để thắp hương bàn thờ ông bà.

Trong thời gian đi lại, đôi bạn trẻ có thể được đi xem phim nhưng mỗi nhà cử một người đi kèm. Quan trọng nhất là sự ưng ý của các cụ hai bên chứ không phải là chính cô dâu chú rể.

100 mùa cưới ảnh 2
Cô dâu chú rể mặc đồ truyền thống còn phù dâu phù rể mặc đồ tân thời. Sắc phục chung của 6 phù dâu là: áo dài hồng, đeo kiềng, ví đầm và một đôi găng tay trắng làm dáng.

Trước hôm cưới, cô dâu chú rể có thể được ngồi riêng để thông báo cho nhau rằng mọi việc đã chuẩn bị xong. Cũng như thời bây giờ, các đám cưới thường được tổ chức vào lúc thời tiết chuyển lạnh, gần kề với Tết.

Lễ ăn hỏi được làm trước đám cưới khoảng 1 tháng, với các gia đình giàu có đây  là cơ hội thứ nhất để nhà trai thể hiện "tầm cỡ" của mình, còn nhà gái tăng thêm niềm tự hào về con gái quý.

Dẫn đầu đoàn là 5 gánh xà trướng chất cao bánh chưng bánh dày, choé rượu bọc giấy hồng. Người khiêng xà trướng mặc áo the đen, quần trắng, thắt lưng đỏ. Nối theo là mâm lợn quay phết hoa hiên , mâm cau phủ lụa điều, chè, quả đựng hạt sen.

Trước lễ cưới, nhà gái nỗ lực trang bị cho cô dâu để ngày lên xe hoa con gái họ ít nhất cũng được bằng chị bằng em  hoặc phải lộng lẫy hơn người để làm đẹp mặt cho cả hai bên.

Vải may áo dài cô dâu được chọn mua từ cửa hàng tơ lụa của người Ấn Độ hoặc đặt mua từ Nhật. Lớp áo dài ngoài cùng là gấm màu hồng nhạt hoặc vàng nhạt dệt kim tuyến, thời đó tránh màu trắng vì họ sợ trùng với màu tang, hôn nhân sẽ gặp trắc trở.

100 mùa cưới ảnh 3
Một đám cưới ở Tiền Giang năm 1963. Cô dâu đội nón quai thao có quai buộc bằng dải lụa dài trang trí.

Bộ áo dài 3 lớp và kiềng, xuyến , vòng nhẫn, bông tai bằng vàng (hoặc kim cương) của cô dâu là "của hồi môn" bề nổi vì thế người hai họ nhìn cô dâu là đoán được gia thế.

Đám cưới là cơ hội thứ hai để nhà trai bày tỏ độ "chịu chơi". Nhà giàu dùng từ 12 đến 15 xe ô tô Ford đen để đón dâu. Mẹ cô dâu lánh mặt không ra tiễn con gái, chỉ có bố đứng ra dặn dò con trước khi về nhà chồng, đây là lúc cô gái nào cũng xúc động và hình ảnh "cô dâu khóc trước lúc rời nhà mình" trong nhiều thập kỷ đã trở thành "phong tục" không thể thiếu .

Có một tràng pháo nổ tưng bừng vào lúc tiễn và đón cô dâu. Đến tận thập kỷ 60, ở  Huế, có thể vì là đất gần Vua Chúa cho nên đám cưới con nhà giầu còn có phần cầu kỳ và hoài cổ hơn nhiều đô thị khác.

Họ nhà trai làm một đám rước bộ khiêng hương án rất hoành tráng đến nhà gái. Đi đầu là tốp các bé trai khoảng 12-14 tuổi mặc trang phục như lính cung đình, các em xách đèn lồng và bồng thêm hai con ngỗng (có mặc áo).

Đi sau các em nhỏ là hương án có 6 lọng che, trên hương án có một con heo quay, 1 gà luộc đặt trên mâm xôi vò. Tiếp sau hương án là phái đoàn nhà trai.Cô dâu Huế cũng trung thành với trang phục truyền thống hơn cô dâu Hà Nội và Sài Gòn.

100 mùa cưới ảnh 4
Đến đầu thập kỷ 50, nhiều cô dâu đã chuyển sang mẫu áo dài nhung đỏ, quần trắng, tóc uốn lưỡi trai (không đội khăn vành). Hoa cô dâu thường là lay ơn trắng. Đoàn xe nhà trai đỗ ở cửa, cô dâu bước ra cổng để chú rể trao hoa.

Bộ đồ cưới của họ gồm nhiều gam màu của trang phục cung đình:  Áo dài 3 lớp, lớp ngoài bằng vải gấm vàng, lớp thứ hai bằng voan lưới trắng, lớp trong cùng bằng xoa thêu màu hồng; đầu đội khăn vành bằng vải sa tanh xanh thẫm, chân đi hài màu đỏ huyết dụ thêu cườm.

Văn minh phương Tây từ Người Pháp cũng như  của một số không ít sinh viên du học đã gây ảnh hưởng đến nếp sống của người dân các thành phố lớn.Đến thập kỷ 40, các đám hỏi được Tây hoá dần, có nhiều gia đình theo mốt mới, vẫn giữ đoàn khiêng xà trướng nhưng thay vào bánh chưng bánh dày là hàng chục hộp bánh ga tô kem.

Các chú rể mặc com-lê đen, sơ mi trắng cổ cồn, thắt cà vạt nơ. Tuy không nhiều nhưng ngay từ thập kỷ 30 cũng đã có cô dâu dùng voan trắng, áo dài và quần trắng. Trên tay cô dâu bó hoa lay ơn thay thế chiếc quạt trầm đính hoa ngọc, giày da cao gót thay hài thêu.

Có nhiều cô dâu tân thời, trước khi lên xe hoa vài hôm được bố mẹ cho phép tổ chức bữa tiệc liên hoan chia tay các bạn gái.

Sau 1954, cho đến giữa thập kỷ 70, tại miền Bắc, các đám cưới giản lược nhiều thủ tục. Lễ ăn hỏi chỉ là cuộc gặp hai gia đình với một vài lễ tượng trưng, nhà nào có điều kiện mới dùng đến tráp. Đa số các chú rể đón cô dâu bằng xe đạp, một xe buýt Hải Âu lúc đó được tính là xa xỉ. 

Thiếp cưới tự viết tự kẻ tay, cô dâu chú rể bình thường chỉ mặc sơ mi trắng, đôi nào cầu kỳ mới mặc com lê và áo dài, cài hoa trắng. Tiệc đám cưới cũng chỉ là tiệc ngọt.

Đồ mừng của khách mời là những đồ dùng gia đình như mâm, nồi, cốc chén, sang nữa là chăn, tất cả được bọc trong giấy đỏ đặt ở bàn kê chính giữa phòng cưới.

Bước vào thập kỷ 80, các cô dâu được quyền lựa chọn hơn, họ có áo dài trắng, voan, lác đác váy, nhưng mốt nhất là bộ "hoàng hậu Nam Phương": khăn vành nhũ vàng, áo dài nhung the đỏ bên trong, bên ngoài khoác áo choàng cũng là nhung thêu chỉ vàng hoặc lớp áo lưới trắng dài chấm gót.

Nghề trang điểm cô dâu xuất hiện và các cô dâu đều có một khuôn mặt tiêu chuẩn chung gần giống nhau: tóc búp Ăng-lê, mặt phấn trắng, mắt xanh, môi đỏ. Âm nhạc phục vụ đám cưới là "nhạc chín" hoặc chịu chơi hơn là nhạc sống.

100 mùa cưới ảnh 5

 Đám cưới của con nhà khá giả ở Huế cuối thập kỷ 60.

Đến cuối thập kỷ 90, pháo bị cấm và trong vài năm liền người ta vẫn chưa thể quen nổi với cảnh đón dâu im lìm không tiếng pháo. Kết thúc thế kỷ 20, bước sang 21, cô dâu Việt đã có nhiều điểm gần giống cô dâu của phương Tây. Thời trang cưới, cách bó hoa, kết hoa xe đưa dâu... thay đổi cùng nhịp với Hồng Kông, Pari, New York.

100 mùa cưới đã qua, nhiều phong tục đã biến mất hẳn hoặc chỉ còn ở lại trong những tấm hình đen trắng: Những bộ áo cưới phục cổ; đoàn phù dâu phù rể rầm rộ; cảnh mẹ trao con gái một cái trâm trước lúc về nhà chồng, tục trẻ con chăng dây ngang đường để xin tiền nhà trai; tục theo sau cô dâu có một đoàn gánh chăn gối về nhà chồng;  mẹ chồng cầm bình vôi lánh mặt lúc dâu về hoặc động tác cô dâu bước qua bếp lò khi qua cửa vào nhà chồng- để giữ thuận hoà cho cuộc sống sau này; lễ tơ hồng ngoài trời của cặp vợ chồng trẻ....

Tục xe đón dâu đi và về phải theo một đường để đảm bảo cho hôn nhân suôn sẻ đã bị lãng quên, mà nếu nhớ cũng không thể thực hiện được vì hệ thống phố một chiều ở các đô thị lớn.

Có những phong tục bị mất trong thời đất nước khó khăn nhưng lại phục hồi dần cho đến tận bây giờ. Đời sống càng cao lễ ăn hỏi càng to. Đoàn xích lô lọng vàng hoặc xe hơi chở các thiếu nữ bưng tráp ngồi bên các cụ áo dài nhung đã thành hình ảnh quen thuộc trên phố phường mùa cưới thời hiện đại.

Trước ngày cưới hỏi, hai nhà xem ngày giờ rất kỹ, cầu mong an lành cho cuộc hôn nhân.  Để tránh "hai lần đò", các cô dâu tuổi Đinh, Giáp ,Quý được bố trí tặng hoa cưới hai lần (một lần giả trước, lần sau mới là chú rể tặng).

Phong tục vái lạy trước bàn thờ tổ tiên, ông bà nhạc trao quà tặng, tiền, vàng làm hồi môn trước lúc con gái rời khỏi nhà, nhị hỷ- con gái và con rể về nhà vợ ăn cơm gặp mặt vào hôm sau, vợ chồng mới đến nhà các bậc cha chú để chào ra mắt...

Tất cả được coi như thể lệ và trong bất cứ gia đình nào cũng đều có những người lớn tuổi chuyên việc nhắc nhở, hai họ cùng các cô dâu chú rể thế hệ @ cứ thế mà làm theo đúng trình tự.

Các cụ thấy hài lòng vì một số phong tục quan trọng nhất vẫn được bảo tồn, chỉ còn mỗi một thứ nếu có thì trọn vẹn viên mãn hơn, đó là một tràng pháo giòn giã lúc đưa và đón cô dâu.

MỚI - NÓNG