11 quốc gia đấu với Tễu

11 quốc gia đấu với Tễu
TP - Liên hoan Múa rối quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ khai màn tối nay,  16/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tham gia Liên hoan có 17 đoàn của 11 quốc gia  với 20 tiết mục.
11 quốc gia đấu với Tễu ảnh 1
Một cảnh trong vở Trấn cổ Loa thành

Những “quả bom tấn” của rối nội

Cả hai “anh lớn” của múa rối xứ Bắc là Nhà hát Múa rối T.Ư và Nhà hát Múa rối Thăng Long đều chơi tới 4 vở lớn trong Liên hoan này. Sau vở Hồn quê đầy tai tiếng do những tranh chấp tác quyền với vở Những giấc mơ của chú Tễu của đạo diễn Lê Quý Dương tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2006, Nhà hát Múa rối T.Ư dựng tiếp Chuyện tò he (tác giả và đạo diễn: Vương Duy Biên).

Chuyện tò he kết hợp múa rối hiện đại, người diễn và nghệ thuật sắp đặt, tôn vinh trò chơi dân gian, nghề thủ công, trong đó có nghề nặn tò he trong bối cảnh đồ chơi trẻ em tràn ngập súng ống, xe tăng, siêu nhân...

Nếu Rối T.Ư mở rộng sân khấu trong Chuyện tò he, thì Rối Thăng Long cũng biến sân khấu trở nên nhiều lớp nhiều tầng khác nhau trong Trấn Cổ Loa thành và Huyền thoại Tiên - Rồng.

Trấn cổ Loa thành do NSƯT Anh Tú - người của sân khấu kịch nói, dàn dựng. Lần đầu tiên, nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long biết diễn kịch với đài từ rất tốt, và cũng lần đầu tiên họ diễn rối tay ngang- một loại hình phổ biến trên thế giới.

Huyền thoại Tiên- Rồng tiếp nối mạch khám phá này, Lạc Long Quân và Âu Cơ thoắt là người trên sân khấu kịch, thoắt lại là Rồng là Tiên của sân khấu rối cạn, giây lát sau đã là nhân vật của rối nước.

Không chỉ có đồng bằng châu thổ mạnh về rối, mà từ Tây Nguyên, đoàn rối Đắk Lắk cũng sắm sửa hành trang du đấu đầu xuân. Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT), đây là một bộ phận thuộc Trung tâm VHTT tỉnh nhưng rất mạnh, “oanh tạc” cả miền Trung- Tây Nguyên. Và rối Đắk Lắk là chú Tễu duy nhất trong cả khu vực này.

Rối nước - thấp thoáng

Điều đặc biệt là “đặc sản” rối nước của Việt Nam chỉ thấp thoáng trong những vở Chuyện tò he, Hồn quê, Huyền thoại Tiên rồng. Không vở nào thuần rối nước, tại sao?

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT), Trưởng BTC Liên hoan, nói: Đây là ngày hội đua tài của các nước có nghệ thuật múa rối. Ai có thế mạnh nào thì tung ra. Việt Nam có đặc sản rối nước, nhưng hầu hết tiết mục của đoàn trong nước đều dùng rối tổng hợp, trong đó có rối cạn và rối nước, để xây dựng nên một vở hoành tráng.

Múa rối nước là độc đáo nhưng không phải chỉ có rối nước là hay nhất, vì thế điều cuối cùng là một tác phẩm tổng thể có chiều sâu tư tưởng, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao với nhiều hình thức múa rối.

Trong số những người cầm cân nảy mực, có tới 3 vị giám khảo nước ngoài, nước chủ nhà chỉ có 2 người. Theo ông Khánh, dù không phải là cuộc thi nhưng nếu không trao giải thì hoà cả làng, “ngay cả Liên hoan Múa rối quốc tế tại Tolosa- Tây Ban Nha cuối năm ngoái, họ cũng trao giải”. Ban tổ chức chưa tiết lộ giá trị giải thưởng, nhưng “phải đảm bảo tiêu chuẩn giải của quốc tế”, ông Khánh nói.

T.Ư Đoàn, báo Thiếu niên tiền phong và Quỹ văn hoá Thuỵ Điển cũng sẽ trao một số giải trong Liên hoan. Cuộc vui này kéo dài trong một tuần.  

MỚI - NÓNG