Người phục hồi Chèo cạn Tùng Luật

Người phục hồi Chèo cạn Tùng Luật
TP- Có một làng dân ca, làng nghệ sĩ nơi cuối dòng Bến Hải. Nơi mà tiếng hát đã trở thành vũ khí trong cuộc trường chinh vệ quốc, làm nên thương hiệu của làng. Đó là Tùng Luật-Làng Văn hóa cấp quốc gia được công nhận đầu tiên ở Quảng Trị.

Nhưng 15 năm trước làng Chèo cạn có nguy cơ bị thất truyền. Không để Chèo cạn làng Tùng Luật nức tiếng một thời một thuở bị lãng quên, ông Nguyễn Ái Chủng đã đứng ra xin làng thành lập lại đội Chèo cạn...

Người phục hồi Chèo cạn Tùng Luật ảnh 1
 Ông Chủng đang diễn tả động tác hò Chèo cạn Ảnh: H.T

Nối nghiệp ông cha

Vừa đến ngõ của ngôi nhà nhỏ nép dưới tán lá xanh mướt cây trái giữa làng văn hóa Tùng Luật (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) đã nghe tiếng hát trầm ấm vẳng ra... Hai mươi năm trời qua cơn dâu bể/ Lòng không thể vá lại vết thương lòng/ Thương nhau chi cho khổ, chừ nghĩ lại thôi chớ đừng thương...

Thấy khách, nghệ sĩ Ái Chủng bỏ lửng câu hát rồi bảo rằng lâu ngày sợ trí nhớ không minh mẫn như xưa nên hát lại cho khỏi quên một đoạn trong điệu khách (dân ca Bình-Trị-Thiên).

Ông kể: Truyền thống đàn và hát dân ca Bình-Trị-Thiên của gia đình ông xuất phát từ cụ nội ông là Nguyễn Hữu Như Bá. Cụ Bá là thầy thuốc Bắc giỏi nức tiếng trong vùng. Năm 1870, trong một lần vào Nam bốc thuốc chữa bệnh, với chất nghệ sĩ cùng niềm đam mê ca hát, cụ ghé lại xứ dừa Bình Định tìm thầy học hát bội.

Sau đó cụ ra Huế theo thầy học nhuần nhuyễn thêm 5 loại nhạc cụ với nhiều làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên như điệu lý giao duyên, lý ngựa ô, lý đoản xuân, lý quỳnh tương, lý con sáo sang sông; điệu khách gồm kim tiền lưu thủy, phú lục chậm, phú lục nhanh, cổ bản thường, cổ bản dựng, tứ đại cảnh (nam ai, nam bằng, nam xuân...); điệu hò Quảng Trị như hò mái nhì, hò mái đẩy, hò hụi, hò mái xắp, hò đưa linh...

Về làng, cụ tập hợp nam thanh nữ tú như Trần Giỏ-thân phụ ông Nguyễn Như Giản, Nguyễn Thị Hạnh (thân mẫu NSND Lệ Thi), Nguyễn Thị Hòa, Bùi Văn Mè (thân sinh của nghệ sĩ Châu Loan, người có giọng ngâm thơ “hút hồn” một thuở trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam)...  ngày đêm tập luyện đàn hát dân ca Bình-Trị-Thiên, hát bội.

Ít lâu sau gánh hát Ông Bộ Uyễn ra đời và đi vào lòng công chúng với những vở diễn như Giang Tả cầu hôn, Cô Cơ giả dại qua đèo, Hồ Xuân Hương, Tam Xuân loạn trào... nức tiếng xứ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ ở Quảng Trị rồi lan tận Lệ Thủy (Quảng Bình), An Lỗ (Huế).

Tiếc rằng, khoảng năm 1930-1945, khi dòng nhạc tiền chiến lên ngôi thì không còn ai muốn xem gánh hát biễu diễn nữa, thế là... tan luôn. Diễn viên của gánh hát trong đó có thân phụ ông Chủng giã từ sân đình rộn vang tiếng trống đàn sáo phách với những vai diễn anh hùng lẫn mỹ nhân để quay về làm anh chân đất nơi làng quê.

Cha ông sợ nghiệp đàn, hát dân ca không có ai nối nghiệp nên đã cố công ngày đêm luyện tập, truyền dạy hết các ngón nghề với mong ước sau này ông lớn lên sẽ theo nghiệp đàn hát của cụ. 

Người phục hồi Chèo cạn Tùng Luật ảnh 2
 Đường vào làng Tùng Luật

Phục hồi vốn cổ

Năm 1993, làng chài Tùng Luật quyên góp tiền của công sức dựng Linh Lăng thờ ngài khai canh Hoàng Quý Công và ngài hậu khai canh Lê Quý Công. Nhiều lần ra thăm nơi xây lăng, ông Chủng ngồi chuyện trò với các cụ cao niên mới hay Tùng Luật từng có đội Chèo cạn phục vụ lễ cầu ngư, đám tang trong làng nay đã thất truyền.

Thế là nung nấu trong ông việc lập lại đội chèo cạn làng Tùng Luật. Áp ngày khánh thành Linh Lăng, ông đề xuất với làng xin được thành lập đội chèo cạn. Nghe ông đề xuất, nhiều cụ hoài nghi, nhưng ông chắc chắn như định đóng cột, rằng ông sẽ làm được bởi trước đó qua tìm hiểu ông biết được trong làng vẫn còn một số cụ trong đội chèo cạn xưa còn sống như cụ Trần Sẽ, Nguyễn Uy, Phan Nhượng, Trần Nguyện...

Được làng đồng ý, ông tìm đến các cụ học hỏi, cẩn thận ghi chép lại từng điệu hò, điệu khách (được sử dụng trong Chèo cạn), động tác của ba trạo tức thủy thủ, động tác múa hoa đăng. Thu thập ghi chép xong, ông bỏ ra hàng tháng trời viết kịch bản rồi xin làng cho 20 nam thanh niên khỏe mạnh tập trung tại nhà ông để tập luyện.

Trước ngày về hưu (1988), ông Nguyễn Ái Chủng từng công tác tại Đoàn văn nghệ điện ảnh Bộ Chỉ huy Quân sự Bình-Trị-Thiên.

Năm 2005 nghệ sĩ Ái Chủng đạt giải nhất của Liên hoan tiếng hát dân ca khu vực Bắc miền Trung.”Bày tui mần nghề sông nước biển khơi nguy hiểm, phải gồng mình lên chống lại nắng gió và bão táp nên văn nghệ là cái thú vui của cuộc sống” - Lão nghệ sĩ cả đời gắn bó với sông nước biển khơi và dân ca đã ở tuổi 78 nhưng vẫn còn cường tráng, da dẻ hồng hào bất giác cười vang tận bến sông quê.

Được một thời gian, do các nam thanh niên thường xuyên đảm nhận công việc đồng áng, thuyền lưới mệt nhọc nên người đến tập, người không làm cho việc thành lập  đội Chèo cạn khó thành.

Một lần nữa, ông lại xin làng cho 20 nữ thanh niên đến tập luyện và kết quả bất ngờ là các nữ thanh niên không những luyện tập chăm chỉ mà còn thực hiện các động tác nhuần nhuyễn, nhịp nhàng đẹp mắt hơn các chàng trai kia.

Ấy là lý do đội Chèo cạn Tùng Luật chỉ có nữ mà vắng mặt nam. Sau thời gian miệt mài tập luyện, trước khánh thành Linh Lăng một ngày, ông cho đội biễu diễn thử để các cụ cao niên được mời đến góp ý cho đội Chèo cạn. Xem xong, nhiều cụ cảm động ôm chầm lấy ông: “Giỏi lắm ông Chủng ơi! Ông làm “sống lại” chèo cạn Tùng Luật miềng rồi...”.

Đất Vĩnh Linh xông lên làn khí đẹp/ Non Tùng một dải đẹp màu xanh. Câu hò kèm động tác khua mái chèo minh họa của lão nghệ sĩ Ái Chủng lúc chia tay khiến chúng tôi nghĩ tới tiếng trống đại giữ nhịp vang xa như tâm nguyện của ông cùng đội Chèo cạn làng Tùng Luật cầu mưa thuận gió hòa cho biển lặng sóng êm để mỗi sớm mai thuyền về đầy ắp cá tươi...

  Làng Tùng Luật đã luyện ra nhiều nghệ sĩ tài năng, cung cấp cho các đoàn nghệ thuật trung ương không dưới 60 diễn viên ca Huế và dân ca Bình-Trị- Thiên. Nhiều người được nhận giải thưởng cao quý về nghệ thuật như NSND Lê Thi, hai chị em nghệ sĩ Châu Loan, Châu Dinh, chị em NSƯT Kim Quý, Kim Phú...

Ấy là chưa kể nhiều con rể tài danh của làng như NSND Xuân Đàm, NSƯT Sĩ Cừ... Còn nghệ sĩ Minh Tiến, con trai nghệ sĩ Ái Chủng, chắt của cụ Nguyễn Hữu Như Bá hiện là chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca kịch Huế.

MỚI - NÓNG