Nghiên cứu Việt Nam cho tới khi trái tim ngừng đập

Nghiên cứu Việt Nam cho tới khi trái tim ngừng đập
TP - Bước xuống từ diễn đàn Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, GS Yumio Sakurai vẫn giữ nguyên niềm tự hào khi nhắc ngôi làng Việt cổ Bách Cốc, công trình nghiên cứu của Nhật Bản đã làm nức lòng giới Việt Nam học trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu Việt Nam cho tới khi trái tim ngừng đập ảnh 1
V.Antoshchenko tại hội thảo Việt Nam học

Ông cười: “Chừng nào trái tim ngừng đập, tôi mới ngừng nghiên cứu về Việt Nam”.

Vị giáo sư Nhật và ngôi làng Việt cổ

Làng Bách Cốc (Vụ Bản, Nam Định) sẽ chẳng được người dân cả nước cũng như thế giới biết đến nếu không có công khai phá của các chuyên gia Nhật Bản.

Kể từ năm 1998 đến nay, hơn 300 nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nghiên cứu về ngôi làng Việt cổ tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Hồng này và phát hiện ra nhiều tài liệu, di vật của người Việt cổ như lăng mộ, văn bia, trống đồng, đồ đá...

GS Yumio Sakurai - Hội trưởng Hội nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản là một trong số những người tham gia dự án nghiên cứu từ ngày đầu. Khi được hỏi vì sao lại chọn làng Bách Cốc, GS Sakurai hồ hởi khoe: “Việc chọn làng Bách Cốc là cả một câu chuyện thú vị. Năm 1993, lần đầu tiên tôi tới Việt Nam nghiên cứu về các khu vực ở đồng bằng sông Hồng.

Tôi đã đi nhiều làng quê ở miền Bắc nhưng khi tới làng Bách Cốc thì tôi thực sự bị lôi cuốn. Năm 1994, tôi yêu cầu Chính phủ Việt Nam giúp đỡ để tôi được “điều tra” về làng Bách Cốc”.

Những ngày tháng nghiên cứu, GS Sakurai cảm thấy rất cảm động khi một nếp làng cổ vẫn còn được duy trì. Qua hơn 10 năm, GS Sakurai lại càng khám phá ra nhiều điều thú vị về người dân nơi đây bên cạnh những nghiên cứu mang tính chất học thuật.

Hơn 10 năm điều tra - từ của Sakurai - ông đã phát hiện ra điều lý thú rằng tính cách của người nông dân Bắc bộ rất hiền: “Nói chung, khi gặp họ lần đầu tiên thì họ rất dè chừng nhưng khi đã quen rồi thì rất thoải mái”.

GS Sakurai khẳng định: “Bây giờ làng Bách Cốc đã trở thành “đứa con thứ hai” của tôi. Chừng nào trái tim tôi ngừng đập, tôi mới ngừng nghiên cứu về Việt Nam. Sau Bách Cốc, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu nhiều nơi khác ở Việt Nam. Tôi đặt niềm hy vọng vào các sinh viên trẻ ở Nhật Bản cũng như nhiều du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản”.

GS Yumio Sakurai đã bảo vệ luận án tiến sĩ sử học tại Đại học Quốc gia Tokyo năm 1987 với đề tài “Tìm hiểu sự thành lập làng xã Việt Nam”. Đó là toàn bộ kết quả của quá trình nghiên cứu Việt Nam học.

Nghiên cứu Việt Nam cho tới khi trái tim ngừng đập ảnh 2
GS Yumio Sakurai

Năm 1992, ông cũng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học Nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Tokyo với đề tài “Lịch sử khai thác thủy lợi trên đồng bằng sông Hồng”. Đó là thử nghiệm đầu tiên của việc kết hợp giữa Việt Nam học với khoa học tự nhiên, tiền đề cho nghiên cứu Việt Nam học ngày nay.

Dự án Bách Cốc là dự án khu vực học đầu tiên được triển khai ở Việt Nam dưới sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa kéo dài liên tục 14 năm qua. Tổng số các chuyên gia, sinh viên, nghiên cứu sinh Nhật Bản tham gia vào chương trình này khoảng hơn 300 người.

Các kết quả nghiên cứu này đã được xuất bản trong 16 cuốn kỷ yếu “Thông tin Bách Cốc” gồm cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Ngoài ra, ba hội thảo chuyên đề về nghiên cứu Bách Cốc đã được tổ chức ở Nam Định năm 1997 và ở Hà Nội năm 2003, ở Hà Lan năm 2002 và ở Nhật năm 2007.

Quê hương thứ hai

Với gần 30 năm nghiên cứu về Việt Nam học, Phó Giáo sư, tiến sĩ lịch sử Việt Nam Vladimir I. Antoshchenko (Đại học quốc gia Matxcơva) có nhiều nghiên cứu khá lý thú về Việt Nam.

Anh tâm sự: “Lịch sử Việt Nam có nhiều điều thú vị, càng đi sâu càng bất ngờ. Tại hội thảo này, tôi có báo cáo về lịch sử thời Hậu Lê với nghiên cứu bằng phương pháp định lượng về toàn bộ biên niên sử từ thế kỷ 15-18. Tôi đã rút ra nhiều kết luận rất bất ngờ mà trước đây giới sử học Việt Nam chưa làm”.

Antoshchenko nói tiếng Việt chẳng khác người Việt, từ cách dùng từ đến ngữ điệu. Anh cười nói: “Từ gần 30 năm nay, tôi nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Nhiều lúc tôi cũng không nhớ tiếng Việt hay tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của tôi. Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi rồi”.

Nguyên do chọn ngành Việt Nam học của Antoshchenko cũng khá đơn giản. Đó là khi anh nghiên cứu về Đông phương học tại Đại học Tổng hợp Matxcơva và được phân công nghiên cứu về Việt Nam. Anh nói: “Tôi rất thích nghiên cứu về lịch sử, tôn giáo Việt Nam, đó là hai lĩnh vực mà tôi coi là trọng tâm nghiên cứu về văn hóa Việt”.

Trước xu thế hội nhập của Việt Nam hiện nay, Antoshchenko tin rằng người Việt Nam sẽ thích ứng rất nhanh vì tính cách của người Việt Nam vốn là học hỏi rất nhanh và biết giữ bản sắc văn hóa truyền thống của mình. Đó là một sức mạnh của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Antoshchenko tạm ngừng công tác giảng dạy tại Đại học quốc gia Matxcơva để làm việc cho Cty liên doanh Nga-Việt tại Vũng Tàu. Nhưng anh tin rằng với truyền thống hơn 50 năm của ngành Việt Nam học tại Nga, sẽ còn có những lứa sinh viên Nga đến với ngành học này và đam mê Việt Nam như các bậc đàn anh đi trước.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.