Ái nữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Ái nữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh
TP - Bộ phim tài liệu "Mạn đàm về Người Man di hiện đại" (do con cháu gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) đầu tư thực hiện với sự giúp đỡ của Đạo diễn NSND Trần Văn Thuỷ ra mắt 7/2007) như một lời chiêu tuyết cho cuộc đời của người có công khai sáng chữ quốc ngữ cho người Việt đầu thế kỷ XX.
Ái nữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh ảnh 1

3 người con gái lớn của cụ Nguyễn Văn Vĩnh (từ phải qua trái): Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân.

Trong 4 tập phim thời lượng 215 phút, từng góc chân dung thần đồng tiếng Pháp, nhà báo tiên phong, học giả, người yêu nước, tân Nam tử (người nước Nam mới) và người đàn ông hào hoa có số phận bi tráng Nguyễn Văn Vĩnh được hé mở.

Tự nhận mình là "Người Man di Hiện đại", nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh luôn có cách nhìn mới trong từng vấn đề lớn-nhỏ của đời sống xã hội. Phẩm chất "Tân Nam tử" của cụ Vĩnh gây ảnh hưởng đặc biệt đến những người con, đặc biệt với 5 người con gái.

Cụ Vĩnh có 3 người vợ chính thức với 10 người con trai, 5 người con gái, trong đó có nhiều người nổi tiếng: Nhà thơ Nguyễn Giang, Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp có tên trong Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Phổ - tình báo quân sự, luật sư Nguyễn Phùng – GS. Đại học Luật Montpellier, kỹ sư vô tuyến điện Nguyễn Dực…

Cụ Vĩnh và người vợ cả có tình yêu đặc biệt với con gái, thiên vị con gái hơn con trai - một điều khác thường so với xã hội nước Nam. Cũng vì tình yêu đặc biệt với con gái mà khi sinh người con thứ 3 được là nữ có tên Nguyễn Thị Loan, cụ Vĩnh mở chuyên mục "Nhời đàn bà" trên tờ "Đăng cổ tùng báo", tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ 1907 và lấy bút danh Đào Thị Loan.

Qua chuyên mục này, cụ Vĩnh bày tỏ nhiều quan niệm văn minh về thân phận người phụ nữ nông thôn và thành thị. Sau cô Loan, cụ Vĩnh còn có 3 con gái Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Mười với người vợ cả và một cô con gái út Nguyễn Thị Thu Hương với người vợ Pháp - Suzane.

5 ái nữ của gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh đẹp nổi tiếng nhưng 4 người trong số họ mệnh bạc - đã mất từ khi còn trẻ.

Ký ức tuổi thơ với các chị em gái, về người cha tài hoa trong gia đình đa truân giờ đây còn được lưu giữ bởi người con gái duy nhất còn lại của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ở tuổi 90, bà Nguyễn Thị Mười vẫn tỉnh táo và giữ chất "người nước Nam mới" - có được từ người cha của mình.

Bà nhớ lại…

"Thầy tôi đi vắng suốt nhưng mỗi khi về nhà ông đều thể hiện sự quan tâm chiều chuộng các con. Cách hai ba tuần ông đỗ xe ở cửa nhà và gọi bọn trẻ ra ôm sách báo mới (tiếng Pháp) vào. Hôm đó là ngày hội của từng đứa trẻ lớn, bé. Có đủ báo cho người lớn, thanh niên, trẻ con. Đó là những tờ tạp chí tranh ảnh đẹp, những thông tin trong đó là cả thế giới với bọn tôi. Gần như mười mấy anh em trưa hôm ấy bỏ cơm để ngốn ngấu đọc báo".

"Chúng tôi lớn lên bằng những câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, tiểu thuyết của Molière, Victor Hugo, Balzac, Alexandre Dumas… do cha dịch từ tiếng Pháp. Vì cha tôi dịch La Fontaine thành những câu thơ vần điệu rất dân gian nên hồi nhỏ tôi luôn nghĩ đó là những chuyện xảy ra ở quanh mình. Sau này những triết lý châm biếm cái xấu, cái vô lý của cuộc đời tôi vẫn tìm thấy ở La Fontaine".

"Vì cha tôi ít khi ở nhà nên tụi nhỏ chúng tôi tìm ra một thần tượng riêng để dựa dẫm. Anh Nguyễn Nhược Pháp lớn lên cùng chúng tôi từ năm lên 2 tuổi sau khi mẹ anh tự vẫn (do thầy tôi cưới vợ ba 17 tuổi là người Pháp).

Tụi tôi luôn nghĩ anh Pháp là con ruột của mẹ, yêu quý và bám anh Pháp bất cứ lúc nào có thể. Anh Pháp đẹp trai nhất nhà, thông minh, nhạy cảm và luôn là linh hồn trong mọi cuộc vui gia đình.

Ái nữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh ảnh 2

Nguyễn Thị Vân đang chơi đàn, đứng cạnh hai bên là Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Thị Nội.

Anh nghĩ ra các trò chơi đánh trận giả, làm xiếc cho lứa em nhỏ, viết và dựng kịch diễn trong nhà. Gặp đoạn văn tiếng Pháp khó là cầu cứu anh. Anh được mẹ ưu tiên xếp cho một phòng riêng để làm việc.

Mỗi cô em gái lại thích một bài thơ khác nhau của anh Pháp, có người thích bài “Chùa Hương", riêng tôi thích bài "Sơn tinh Thủy tinh" và còn mong được anh chuyển thể thành phim hoạt hình.

Anh Pháp mất năm 1938, chồng chất thêm một nỗi buồn đau trong chuỗi bi kịch mất 3 người thân của gia đình - chị Nội mất 1932, cha tôi mất năm 1936, chị Vân mất cùng năm 1936".

5 người con gái cụ Vĩnh mỗi người đẹp một vẻ, bà Nguyễn Thị Loan có nét đẹp sắc sảo khuôn mặt xinh nhất trong 5 chị em nhưng bà Nguyễn Thị Vân lại được nhiều người hâm mộ hơn vì là nghệ sỹ dương cầm, mà đúng thời đó kiểu đẹp mơ mộng như thế đang rất được chuộng.

Bà Nguyễn Thị Nội đẹp kiểu "khuôn trăng đầy đặn", bà Nguyễn Thị Mười mang vẻ thanh tú, cô Nguyễn Thị Thu Hương (con bà Suzane) có nét lai, nụ cười tươi và cặp mắt sáng ngời.

"Trong 5 người con gái, chị Nội tôi được thầy mẹ yêu nhất. Chị Nội thông minh, học rất giỏi, tính tình dễ thương. Năm 22 tuổi chị tôi mang bệnh nặng, lúc chị nhắm mắt cha tôi ngồi kế bên vuốt mắt và hôn lên trán. Mẹ tôi thương nhớ chị suốt 3 năm, đêm nào cụ cũng đi xuống vườn đứng dưới những tán cây hoa trắng khóc con gái".

Ái nữ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh ảnh 3
Cả gia đình Nguyễn Văn Vĩnh chụp năm 1930, Nguyễn Thị Mười ngồi hàng đầu mặc áo dài trắng.

"Trong nhà chỉ một mình chị Vân tôi có tài năng âm nhạc, những người khác cũng thử học nhưng không ai theo được. Chị được nhiều người yêu mến nhưng chưa bao giờ thấy ưng ai, trong đó có bạn của anh Nguyễn Nhược Pháp là nhà thơ Đoàn Phú Tứ.

Có lần Toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội để thực hiện ý định muốn qui phục thầy tôi phải thực sự phục vụ cho chính sách của Chính phủ Thuộc địa đã tổ chức bữa tiệc mời cụ Vĩnh với sự sắp đặt để Hoàng tử Vĩnh Thụy vừa từ Pháp về (sau là vua Bảo Đại) có mặt và đề nghị thầy tôi cho chị Vân đến chơi đàn piano, thực chất để Hoàng tử xem mặt. Thầy tôi đã từ chối.

Cả nhà biết chuyện đã trách cứ Thầy tôi, các anh tôi còn nói: “Thầy lạ thật, làm Hoàng hậu còn không muốn thì còn muốn gì nữa?!”, Thầy tôi nói: “Thầy mà gả cái Vân cho Vĩnh Thụy thì khác nào thầy chấp nhận triều đình Huế, một triều đình như vậy làm sao chấp nhận được!”.

Chị Vân lâm bệnh năm 23 tuổi, trước khi chị mất, anh Đoàn Phú Tứ có mong muốn vào thăm chị lần cuối nhưng gia đình không đồng ý…".

"Từ năm 1931 trở đi, Chính phủ Thuộc địa thực sự bất bình với những hoạt động của thầy tôi, o ép thầy tôi bằng mọi cách dẫn đến sự phá sản, buộc thầy tôi phải chọn con đường đi đầy sang Lào với lý do: đi tìm vàng để trả nợ! chỉ sau một tháng ông mất ở tuổi 54 trong con thuyền độc mộc trên dòng sông Sêpôn, một tay vẫn nắm chặt cây bút còn tay kia là tập giấy đang viết dở phóng sự “Một tháng với những người đi tìm vàng”.

Chị Loan, chị gái cả tôi lấy chồng người Pháp, trong giai đoạn gia đình túng quẫn, chị tôi đã giúp đỡ mẹ và các anh em bằng tiền lương y tá Hồng thập tự của chị tại bệnh viện Đồn Thuỷ. 3 năm sau khi cha tôi mất, chị Loan cũng từ giã cõi đời ở tuổi 35.

"Với cô em gái út Thu Hương chúng tôi gần như không gặp vì khi cô ấy được sinh ra (năm 1931) tôi đã đi lấy chồng, lúc cha tôi mất cô Hương mới 5 tuổi. Hương mất năm 17 tuổi”.

“Sau khi cha mất, anh em chúng tôi và gia tộc bước vào đời với bao ấm ức, buồn tủi vì bị người đời coi khinh là con cháu của “tay sai” “bồi bút” thực dân Pháp”.

Hơn 50 năm trong “tranh tối tranh sáng”, câu chuyện cuộc đời và những cống hiến của học giả Nguyễn Văn Vĩnh mới được người đời nhìn nhận khách quan.

* Bài viết dựa theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mười-con gái và ông Nguyễn Lân Bình- cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh

MỚI - NÓNG