Bí mật trong bài hát: "Gửi em chiếc nón bài thơ"

Bí mật trong bài hát: "Gửi em chiếc nón bài thơ"
TP - Ít người biết, bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ được sáng tác sau ngày giải phóng Sài Gòn lại từ một bài thơ trước đó 20 năm.
Bí mật trong bài hát: "Gửi em chiếc nón bài thơ" ảnh 1

Nhà văn Sơn Tùng

Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là "nguồn cảm hứng" sáng tạo phong phú, mãnh liệt cho các văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ. Có thể kể các bài hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên); Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà); Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách - Đăng Trung)...

Muộn hơn một chút là các bài: Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa - Sơn Tùng)... v.v... Trong những bài hát thời ấy tôi thích bài Gửi em chiếc nón bài thơ, đơn giản vì bài đó hay và dễ thuộc, dễ nhớ. Tôi cũng có đôi chút "Cảm tình riêng" vì bài hát phỏng thơ của nhà văn Sơn Tùng - Một nhà "văn xuôi", có nhiều tác phẩm thành công viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, "đột xuất" có một bài thơ hay!

Tôi có dịp nói chuyện dài dài với nhà văn Sơn Tùng. Ông cười sảng khoái: "Hoàng Quảng Uyên chỉ mới đọc, thích phần lời trong bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ, sáng tác sau năm 1975. Thế là đã nhiều, đã quý rồi nhưng Uyên ơi, bài đó mình làm từ năm 1955, tức là trước năm 1975 hai mươi năm!". Tôi quá bất ngờ, "vặn lại": "năm 1955, làm gì đã có hiện thực như trong thơ: "Em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới/ Nước non ta nay một dải/ Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ..." - Tất cả đều bị lừa!"

Nhà văn Sơn Tùng lại cười: "Đó là sự tưởng tượng lúc bấy giờ, hoàn toàn tưởng tượng Uyên ạ! Một sự tưởng tượng có căn cứ, có niềm tin. Khi ấy, chỉ mấy tháng nữa là sang năm 1956 sẽ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước (theo hiệp định Giơ ne vơ). Gần lắm, chắc lắm nên mình mới dám hạ bút "mơ" như thế. Vậy mà ngờ đâu niềm mơ ước đó kéo dài 20 năm mới thành hiện thực".

Bí mật trong bài hát: "Gửi em chiếc nón bài thơ" ảnh 2

Nhà văn Sơn Tùng kể cho tôi về "hoàn cảnh sáng tác" bài Gửi em chiếc nón bài thơ: "Năm 1955, mình là đại biểu thanh niên sinh viên Việt Nam dự đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới lần thứ V tại Vacsava - Ba Lan. Trên đường đi có dừng lại ở Mátxcơva (Nga), mình đi chơi phố bất chợt nhìn thấy một cô gái Nga đội chiếc nón lá Việt Nam (nón bài thơ) đi giữa đường phố thủ đô Nga mình xúc động quá, chợt nhớ những người thân yêu ở quê nhà. Cảm xúc trào dâng thành thơ. Về nước, mình đem nộp bài thơ để báo cáo, được in trong nội san sinh viên năm 1955, sau in báo Thống nhất (1960), sau 30/4/1975, nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc".

Nửa tháng sau cuộc điện thoại, nhà văn Sơn Tùng gửi cho tôi nguyên bản bài thơ: Gửi em chiếc nón bài thơ. Tôi lại một lần nữa bất ngờ: bài thơ dài 43 câu mà nhạc sĩ Lê Việt Hòa chỉ lấy 12 câu để làm thành bài hát (nên mới ghi là phỏng thơ). Vẫn biết là phổ nhạc không thể cứ y nguyên thơ mà phổ nhưng tôi vẫn "lấn cấn": Sao nhạc sĩ lại "cắt" nhiều thơ thế!

Bài thơ của Sơn Tùng viết theo lối "kể" của một nhà văn hơi dài dòng, nhưng nhờ có những câu thơ "lấp lánh" nên đọc không mệt!: "Anh gửi tặng nón bài thơ quê mẹ/ Gửi cho em cả dòng sông cửa bể/ Cả vầng trăng và cả trời xanh". Và "Nước dưới sông khi đầy, khi cạn/ Trăng trên trời khi tỏ khi mờ/ Tình hai ta từ bấy đến giờ/ Vẫn tròn vẹn như nón bài thơ em đội đầu". Đọc thơ Sơn Tùng (ông có hơn một trăm bài thơ, cả đã in và chưa in), tôi chợt hiểu rằng, một phần làm nên giá trị tiểu thuyết Búp sen xanh là chất thơ thấm trong nhiều trang viết.

Ở đây, phải công nhận nhạc sĩ Lê Việt Hòa rất "điệu nghệ" trong việc sử dụng những câu thơ hay trong bài thơ của Sơn Tùng, sắp xếp, "biên tập" lại thành "bài thơ" 12 câu dễ nhớ, dễ thuộc, mà vẫn giữ được "chất" của bài thơ. Tất nhiên, phổ nhạc cho thơ có những mẹo mực riêng, nhưng phải tự tin, yêu và trân trọng nhà thơ lắm, nhạc sĩ mới dám "cắt" và biên tập như thế. Cái "điệu nghệ" đáng kể nữa của Lê Việt Hòa còn ở chỗ là làm cho người nghe nghĩ rằng bài thơ của Sơn Tùng là mới sáng tác tức là Lê Việt Hòa đã "làm mới" thơ Sơn Tùng. Dù vô tình hay là cố ý thì trong trường hợp này người nghe biết đến và nhớ bài thơ Gửi em chiếc nón bài thơ một phần lớn nhờ nhạc sĩ Lê Việt Hòa.

Ở tuổi 82 nhà văn Sơn Tùng vẫn viết với tất cả niềm say mê và nhiều nghị lực: "Năm 1972 tôi bị thương nặng tại miền Đông Nam Bộ, thương binh  hạng 1/4. Từ bấy đến nay tự khổ luyện để tàn mà không phế và viết" (Nhà văn hiện đại- Nhà xuất bản Hội nhà văn - 2007). Ông cũng vừa gửi cho tôi bức ảnh đen trắng chụp Bác Hồ đang ngồi thiền trong hang (ảnh chụp người thật chứ không phải chụp lại tranh vẽ). Ông bảo, ông còn sở hữu một số bức ảnh quý chụp Bác Hồ. "Sẽ gửi cho Uyên". Tôi cám ơn ông và chờ đợi.

Hoàng Quảng Uyên

MỚI - NÓNG