Một 'cuộc chiến' về văn hóa ngay trong nội bộ vùng Quan họ

Một 'cuộc chiến' về văn hóa ngay trong nội bộ vùng Quan họ
TP - Sau sự kiện quan họ được UNESCO công nhận là di sản nhân loại, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu dân gian, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), Ths.Trần Minh Chính về thực trạng quan họ và những điều băn khoăn lớn hiện nay.

Anh là người dành nhiều năm tâm huyết cho nghiên cứu Quan họ, từng đoạt giải thưởng văn nghệ dân gian năm 1999 về đề tài này.

Quan họ giữa “đôi dòng nước”

Thưa anh, Quan họ hôm nay đang chịu nhiều sức ép của kinh tế thị trường tác động. So với Quan họ trước đây (ít nhất là trước đổi mới), diện mạo Quan họ hôm nay theo cách nhìn của anh, đang ở ngưỡng nào?

- Con người Quan họ hồi đầu thế kỷ 20 (khoảng những năm 1900-1945, đặc biệt là những năm 1930) luôn gắn chặt với văn hóa lúa nước, gắn chặt với đồng áng và hội hè, lễ tết cổ truyền nên thực trạng văn hóa quan họ còn diễn ra trong sự điềm tĩnh và nguyên khai của nó, từ sinh hoạt đến ca hát, từ ăn mặc đến giao lưu…

Nhưng đến con người quan họ những năm tháng gối sang nửa cuối thế kỷ 20 (khoảng từ 1945-1980) lại luôn gắn liền với chiến tranh và cách mạng XHCN cùng những biến động dữ dội, phức tạp của việc định lại những giá trị cổ truyền, giá trị văn hóa truyền thống, nên văn hóa quan họ cũng thăng trầm, khi chìm đắm, bị quên lãng, khi được quan tâm phiến diện rồi phục hưng trở lại với không ít những thay đổi bên cạnh cái cổ truyền vốn có.

Còn con người quan họ hôm nay (khoảng từ 1986 trở đi) gắn liền với những bước đi thần tốc của thời kỳ đổi mới, của cơ chế thị trường, đồng thời có sự khuyến khích bảo tồn, phát huy truyền thống của Nhà nước nên văn hóa quan họ vẫn giữ được nhịp độ của sự phục hưng thời kỳ trước, nhưng cũng bắt đầu lúng túng trong việc tìm đường phát triển  trước sức ép của nhịp sống hiện đại, ào ạt và khó tiên lượng…

Sự lúng túng này là như thế nào thưa anh?

Người xưa có câu: “phú quý sinh lễ nghĩa”, mọi thiết chế văn hóa cổ truyền và những giá trị truyền thống có dịp “trổ tài”, phát huy hết công năng, từ việc trùng tu, tôn tạo, xây mới đình chùa, đền, miếu đến việc khôi phục nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng như lễ tết, hội hè…đều là môi trường truyền thống của sinh hoạt quan họ.

Như vậy, tưởng như quan họ truyền thống chỉ còn mỗi việc là gặt hái. Nhưng vào cuộc đổi mới, Việt Nam đón nhận một thế giới muôn màu từ kinh tế, khoa học, công nghệ tiên tiến đến văn hóa nghệ thuật thông qua sự hội nhập, mở cửa. Người Việt Nam đã bắt đầu nghĩ đến việc “đi tắt, đón đầu” để tiến kịp thế giới, để tăng trưởng và phát triển. Lợi ích càng nhiều thì thách thức càng lớn, đặc biệt là thách thức về văn hóa. Con người quan họ, nhất là lớp trẻ, bắt đầu lúng túng với tình cảnh “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước…”.

Một 'cuộc chiến' về văn hóa ngay trong nội bộ vùng Quan họ ảnh 1

ThS. Trần Minh Chính - Ảnh: Minh Quân

Một mặt, họ vẫn muốn cái của riêng mình, là Việt Nam mình, đó là bản sắc; một mặt, họ lại muốn có một cái gì đó thật mới, thật hợp với họ và như vậy họ mơ hồ cảm thấy nguy cơ là sẽ giống người khác, sẽ đánh mất mình!

Họ thực sự lúng túng, và văn hóa quan họ cũng là một thực thể đang trong “tâm trạng” như vậy, Quan họ không nhạc cụ, quan họ của mớ ba mớ bảy, áo the khăn xếp, quan họ của những bài Hừ la thâu đêm suốt sáng, quan họ của những lời nguyền nghiệt ngã: “anh Hai, chị Hai không lấy nhau” liệu có còn hấp dẫn con người đương đại(?), nhưng nó lại là truyền thống.

Còn quan họ đã trở thành ca nhạc (thậm chí là ca-múa-nhạc) với không chỉ dàn nhạc dân tộc mà còn cả nhạc Tây và những trang phục rất “model” trên sân khấu; rồi chỉ còn khoảng 5% các làn điệu dân ca được lưu hành rộng rãi, số còn lại rất lớn đang thiếu diễn đàn để phát huy, chỉ vì tiết tấu quá chậm và lời ca cổ…

Vậy là, vấn đề bảo tồn, cách tân cho quan họ được đặt ra ngày càng cấp bách. Nhưng, bảo tồn thế nào, cách tân như thế nào?

Sự thay đổi của môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa do xu thế đô thị hóa đem lại. Những giá trị cổ truyền, truyền thống của môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa nói chung và văn hóa quan họ nói riêng - môi trường sống quen thuộc của quan họ đã và đang bị “xâm lấn” trước gót giầy của văn hóa đô thị, văn hóa Tây nhập khi mà bản đồ vùng quan họ đang bị kẹp chặt từ hai đầu bởi một thành phố đang lớn nhanh như Phù Đổng (Bắc Ninh) và một thị xã mới được nâng cấp (thị trấn Từ Sơn).

Hơn nữa, ở khoảng trống còn lại là những khu công nghiệp công nghệ cao đang phình ra nhanh chóng như một xu hướng không thể đảo ngược. Như vậy, rõ ràng một cuộc chiến về văn hóa ngay trong nội bộ vùng quan họ đang và sẽ diễn ra. Liệu sự tăng trưởng về kinh tế và sự thay đổi tất yếu về lối sống, nếp sống có đem lại sự trường tồn của quan họ? Đây là một bài toán rất khó giải nhưng lại không thể không có đáp số nếu chúng ta muốn quan họ tồn tại và tiếp tục phát triển.

Một vấn đề không thể không tính đến đó là xu thế “thương mại hóa” các hoạt động quan họ. Thực tế hiện nay chỉ ra rằng không phải chỉ có ca hát quan họ mới trở thành hàng hóa mà cả văn hóa quan họ cũng đã trở thành hàng hóa. Chúng ta hãy đến những lễ hội về quan họ hôm nay, chúng ta hãy đến những sân khấu ca nhạc (cả trong nhà hát và quầy bar nhà hàng) để nghe quan họ… tất cả đều thương mại! Vậy thương mại có gì xấu ở đây khi mà thương mại đang nuôi sống quan họ và còn cả truyền bá quan họ nữa? Đó cũng là một vấn đề cần giải quyết, cần làm rõ.

Tôn vinh các “báu vật sống”

Người ta đang nói nhiều đến bảo tồn các báu vật nhân văn sống...

Cần phải làm tất cả những gì có thể để tôn vinh các nghệ nhân Quan họ, vì 3 lẽ:

Một là, không phải chỉ chúng ta mà UNESCO và cả nhân loại đã đồng thanh coi các nghệ nhân dân gian là “Báu vật sống” cần phải được tôn trọng, gìn giữ, phát huy. Họ là bảo tàng sống về vốn liếng những di sản văn hóa mỗi vùng quê, mỗi dân tộc. Nhưng họ là những con người chứ không phải là các “di tích”, nên họ có thể ra đi rất nhanh, rất chóng vánh và mang theo tất cả…

Trong một bài viết cách đây mấy năm, tôi đề xuất với thủ đô Hà Nội là để tôn vinh các nghệ nhân có một cách rất thiết thực và sẽ hợp lòng dân là lấy tên các nghệ nhân dân gian tiêu biểu của đất nước để đặt tên các đường phố Hà Nội. Chẳng hạn, có những đường phố mang tên Quách Thị Hồ, Hà Thị Cầu nào đó. Đây là cách tôn vinh khả thi, không tốn kém mà thể hiện rõ tinh thần ngàn năm văn hiến, động viên con cháu quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc.

Hai là, chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua Khen thưởng, trong đó quy định rõ là Nhà nước khuyến khích và có chính sách tôn vinh các nghệ nhân dân gian, cụ thể hơn còn đặt ra các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Chỉ tiếc là đến nay chúng ta còn triển khai chậm.

- Ba là, cần phải có kế hoạch làm thường xuyên, lâu dài việc thu thập một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nguồn tư liệu vô giá từ các nghệ nhân để qua đó “dựng lại”, chí ít là diện mạo của đời sống văn hóa quan họ Kinh Bắc một thế kỷ qua.

Nguồn tư liệu và diện mạo ấy sẽ là căn cứ quan trọng để con cháu chúng ta bảo tồn và phát huy di sản quan họ. Giới nghiên cứu chúng ta đã có một bài học lịch sử rất lớn là suốt cả thế kỷ 19, thế hệ trước đã không để lại cho đời sau một tư liệu thành văn nào về sinh hoạt quan họ đương thời(!). Và khiếm khuyết đó đã làm cho việc nghiên cứu lịch sử quan họ của chúng ta bị đứt đoạn.

Chiến lược bảo tồn

Không hề to tát khi chúng ta bàn đến một chiến lược bảo tồn, phát huy văn hóa quan họ…

Về mặt tư duy, để xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy văn hóa quan họ lâu dài, cần phải  tiếp tục kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn văn hóa quan họ truyền thống với việc kế thừa phát triển văn hóa quan họ để phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của con người đương đại.

Tưởng như đã nhắc lại những phương châm mòn cũ nhưng không phải, bởi thật đơn giản là văn hóa nghệ thuật bất kể ở thời đại nào được sáng tạo ra đều phải phục vụ cho con người của thời đại ấy, tức là phải phù hợp.

Sự thật là như thế và có thể nêu ví dụ: quan họ của thế kỷ 19 phải được sáng tạo sao đó để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của con người thế kỷ 19; và tương tự, quan họ thế kỷ 20 cũng vậy. Nghĩa là có một diễn biến khách quan của lịch sử: quan họ thế kỷ 20 không thể còn nguyên vẹn như trước đấy một thế kỷ.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta cần nhất trí trong nhận thức và tư duy việc chấp nhận sự biến đổi của quan họ với tư cách là một sự thật khách quan, miễn là tên gọi “quan họ” cho loại hình dân ca đấy không thay đổi (tất nhiên là cái hình thức tên gọi ấy phải có lý khi chuyển tải nội dung của loại hình dân ca ấy). Sự thật của ngày hôm nay là chúng ta không thể phủ nhận rằng bài hát “Ngồi tựa mạn thuyền” do một chị Hai hay một anh Hai nào đó biểu diễn không phải là quan họ khi có thêm một dàn nhạc đệm (quan họ dân gian vốn hát không nhạc) và được biểu diễn ở nhà hàng?

Nhưng mặt khác, chúng ta cũng sẽ không thể quên một điều: những gì của quan họ ngày hôm qua cần phải được lưu giữ tối đa để thừa nhận nó như một phần của lịch sử và sử dụng nó như là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất, cốt yếu nhất cho việc tạo dựng nền văn hóa quan họ của ngày hôm nay. Đã đến lúc chúng ta phải bình thản và vui vẻ chấp nhận một thực tế có tính quy luật là con người của ngày hôm nay cần sự phục vụ của văn hóa quan họ của ngày hôm nay. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ rất điềm tĩnh và tỉnh táo khi đối mặt với những thách thức của nhiều thay đổi.

Mặt khác, Bộ VH,TT&DL cùng các cơ quan trung ương hữu quan, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng một đề án quy hoạch tổng thể và chi tiết về bảo tồn, phát huy không gian văn hóa quan họ (nằm ở hữu ngạn và tả ngạn sông Cầu), trong đó mỗi một làng quan họ phải được tổ chức khảo sát, nghiên cứu toàn diện (liên ngành từ kinh tế, địa lý, dân tộc học, xã hội học, văn hóa nghệ thuật, lịch sử…) như một tiểu dự án.

Mọi kết quả nghiên cứu phải được văn bản hóa (thành văn) và xuất bản. Theo chúng tôi đây là việc cần làm ngay, nếu không, nhiều làng sẽ biến mất hoặc biến dạng trong tương lai gần khi mà xu thế đô thị hóa đang diễn ra như đã trình bày ở phần thực trạng.

Đồng thời, cần xây dựng và tập hợp một đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu nhưng có khả năng nghiên cứu đa ngành về văn hóa Kinh Bắc cũng như văn hóa Quan họ.

Nếu giả sử Bắc Ninh và Bắc Giang có một suy nghĩ nào đó ỷ lại vào giới nghiên cứu ở Trung ương không thôi để nghiên cứu về quan họ thì đó là sai lầm, bởi mọi nghiên cứu văn hóa dân gian chỉ thật sự thành công khi “bám rễ trên địa bàn”. Những thành công quan trọng của các nhà nghiên cứu địa phương về quan họ như Lê Hồng Dương, Hồng Thao, Trần Linh Quý là những minh chứng xác đáng cho ý kiến này.

Minh Quân (thực hiện)

MỚI - NÓNG