18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội

Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ
TPO - Lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày có hệ thống 18 bảo vật quốc gia gồm các hiện vật quý hiếm như Trống đồng Ngọc Lũ, Thạp đồng Đào Thịnh, Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo...

Trưng bày "Bảo vật quốc gia Việt Nam" giới thiệu khái quát những bảo vật từ thời Đông Sơn cách nay 2.000 năm, cho tới các triều đại phong kiến. Mỗi bảo vật có câu chuyện, thông tin về lịch sử, văn hóa riêng. 

Danh sách bảo vật giới thiệu lần này: Trống đồng Ngọc Lũ, Trống đồng Hoàng Hạ, Thạp Đào Thịnh, Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn, Cây đèn hình người quỳ, Mộ thuyền Việt Khê, Bia Võ Cảnh, Chuông chùa Vân Bản, Ấn đồng Môn hạ sảnh ấn, Bình vẽ thiên nga, Bia điện Nam Giao, Trống Cảnh Thịnh, Ấn Sắc mệnh chi bảo, Nhật ký trong tù, sách Đường Kách Mệnh, Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo", Thống gốm hoa nâu.

Một số hình ảnh bảo vật trong bộ sưu tập 18 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng:

18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội ảnh 1

Là chiếc bình có kích thước lớn nhất, nguyên vẹn nhật trong sưu tập hiện vật độc bản khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm, thành phố Hội An. Bình có dáng cao, vai phình, thân thuôn nhỏ về đáy tạo nên sự thon thả, thanh thoát.  Hoa văn trang trí chia thành 7 băng phủ kín thân từ miệng xuống đáy. Băng hoa văn chủ đạo chiếm không gian lớn nhất ở giữa thân bình vẽ phong cảnh với 4 con thiên nga theo tích “Phi, Minh, Túc, Thực”: một con đang dang cánh bay, một con đang nghển cổ kêu, một con đang rúc đầu vào cánh ngủ và con còn lại đang kiếm ăn. Đây là cách chơi chữ và mượn hình biểu ý của người xưa nhằm gửi gắm ước nguyện được thăng tiến, tiền đồ sáng lạn, giàu có, no đủ. Ảnh: T.TOAN

18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội ảnh 2

Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Ảnh: T.TOAN

18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội ảnh 3

Trống đồng Ngọc Lũ được phát hiện tại xã Như Trác, huyện Lý Nhân, sau được chuyển về thờ tại đình làng Ngọc Lũ, Hà Nam. Năm 1902, trống được trường Viễn đông Bác Cổ sưu tầm. Ảnh: T.TOAN

18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội ảnh 4

Thạp Đào Thịnh là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, hoa văn trang trí phong  phú, chặt chẽ, tinh mỹ và độc đáo nhất. Đặc biệt trên nắp thạp có gắn đối xứng tâm 4 khối tượng nam nữ đang giao hoan, loại tượng mới gặp duy nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. Bộ phận sinh dục của người đàn ông được nhấn mạnh bằng cách phóng đại so với tỷ lệ cơ thể, phản ảnh tín ngưỡng phồn thực với khát vọng vạn vật sinh sôi nẩy nở của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Ảnh: T.TOAN

18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội ảnh 5

Trống đồng Hoàng Hạ được phát hiện tại xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội). Trống đồng Hoàng Hạ là loại trống H1 điển hình, kiểu dáng, đề tài hoa văn trang trí độc đáo còn khá nguyên vẹn. Trống đồng Hoàng Hạ có kích thước lớn là một tiêu bản đặc biệt được xếp vào cùng nhóm trống đồng Ngọc Lũ, nhóm trống đặc trưng tiêu biểu nhất. Ảnh: T.TOAN

18 Bảo vật quốc gia lần đầu được trưng bày tại Hà Nội ảnh 6

Ấn đồng "Môn hạ sảnh ấn" thời Trần phát hiện năm 1962 tại Hà Tĩnh. “Môn hạ sảnh ấn” là chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần. Trong đó, Sảnh Môn hạ là một trong những cơ quan hành chính trung ương cao nhất thời Trần, do vua Trần Minh Tông (trị vì: 1314 - 1329) đặt ra năm Khai Thái 2 (1325) thay cho Hành khiển ty ở cung Quan triều thuộc Nội mật viện. Đây là cơ quan thân cận của nhà vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, truyền lệnh của vua tới các quan, nhận lời tấu lên vua và các công việc lễ nghi trong cung. Ảnh: T.TOAN

MỚI - NÓNG