300.000 đồng là cao hay thấp?

300.000 đồng là cao hay thấp?
TP - Con số 300.000 đồng/bài hát của Trịnh Công Sơn mà gia đình nêu ra để đòi tác quyền (tính từ 1/7/2006) đang gây ra những luồng phản ứng trái ngược trong giới tổ chức biểu diễn.

Ở Hà Nội tháng 3 này cũng vừa diễn ra hai chương trình lớn sử dụng ca khúc của Trịnh Công Sơn mà việc đàm phán tác quyền đã thành công một và thất bại một.

Chương trình Này em có nhớ chưa trả tiền tác quyền Trịnh Công Sơn, vì giá quá cao!

NSND Trần Bình- Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ T.Ư là người tổ chức chương trình Này em có nhớ đầu tháng 3 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tập hợp 9 ca khúc của Phú Quang, 6 ca khúc Ngô Thụy Miên, 6 ca khúc Trịnh Công Sơn.

Ông bầu Trần Bình nhận được tin nhắn qua điện thoại của chị Trịnh Vĩnh Trinh- em gái Trịnh Công Sơn, yêu cầu trả tiền tác quyền Trịnh Công Sơn 1 triệu đồng/ca khúc/đêm. Tin nhắn cũng yêu cầu nhà tổ chức trả qua người đại diện của gia đình tại Hà Nội chứ không trả qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.

Với 3 đêm diễn, tổng số tiền tác quyền Trịnh Công Sơn mà nhà tổ chức phải trả là 18 triệu đồng.

Theo NSND Trần Bình, đúng Luật Bản quyền, ông đã trả 72.000 đồng/ca khúc/đêm cho Trung tâm tác quyền âm nhạc để trung tâm chuyển cho gia đình Trịnh Công Sơn, trả cho gia đình Ngô Thụy Miên và Phú Quang cũng như vậy.

“Trịnh Vĩnh Trinh vẫn đòi chúng tôi trả đúng 1 triệu đồng/ca khúc mà không nhận 72.000đồng/bài như người khác. Vừa rồi tôi nhắn lại rằng gia đình ủy quyền cho ai thì để người đó đến Nhà hát làm việc chứ sao lại làm việc qua tin nhắn. Hai bên có thỏa thuận nhưng thỏa thuận phải dựa trên khung giá mà Nhà nước ban hành. Tác phẩm sử dụng càng lâu thì giá càng thấp xuống.

Nếu người ta không hát nhạc Trịnh nữa, đấy là thiệt thòi cho anh Sơn và cả công chúng. Đất nước có nhiều nhạc sỹ, trong đó có cả những đàn anh của Trịnh Công Sơn, họ đều vui vẻ nhận tiền qua Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc. Trịnh Công Sơn không thể vượt luật!”.

Với những tuyên bố chung gần đây của bà Trịnh Vĩnh Trinh về tác quyền Trịnh Công Sơn, vụ việc này đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Cũng đầu tháng 3, tại Cung Văn hoá Hữu Nghị Hà Nội diễn ra 2 đêm Ru mãi ngàn năm, tất cả là ca khúc Trịnh Công Sơn với diễn xuất của Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Tấn Minh... Ông Nguyễn Thùy Dương - “bầu” của chương trình này cho biết đã trả cho gia đình Trịnh Công Sơn gần 20 triệu đồng.

Ông Dương nói:

“Tôi luôn thỏa thuận trước. Chúng tôi đã làm việc với nhau từ lâu rồi. Nếu chị Trinh dựa vào phân tích rằng nhạc Trịnh Công Sơn rất phổ biến để thu tiền tác quyền với giá 300.000 đồng/bài thì rất khó.

Yêu cầu đó chỉ phù hợp những chương trình nhất định thôi, không phải là tất cả. Có những sô chỉ đạt doanh thu 2 triệu đồng/đêm, hoặc thiên về mục đích xã hội, thì phải khác chứ!”.

Theo ông Dương, tháng 3 năm ngoái,  chương trình Ru tình cũng do ông tổ chức đã thành công về mặt đàm phán với gia đình nhạc sĩ (10 triệu đồng tác quyền).

Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam: 300 ngàn đồng là  không cao, không thấp!

300.000 đồng là cao hay thấp? ảnh 1

Nhạc sĩ, “ông bản quyền” Phó Đức Phương: “300.000 đồng/bài là không cao không thấp!”

Ông có ý kiến gì về mức giá 300.000 đồng/ca khúc mà Trịnh Vĩnh Trinh đưa ra cho tác quyền Trịnh Công Sơn?

Nhạc sỹ Phó Đức Phương: Trong nhận thức và tình cảm, tôi chia sẻ với chủ sở hữu tác quyền là Trịnh Vĩnh Trinh.

Bởi từ hàng trăm hàng nghìn bức xúc như thế này mà trở thành động lực để chúng tôi thành lập Trung tâm, lăn lộn vật vã suốt gần 8 năm qua. Giá 300.000 đồng, có thể là cao và có thể vẫn thấp. Con số đó tùy thuộc doanh thu, số ghế... của phòng trà, sô diễn.

Điều ấy chứng tỏ chủ sở hữu quyền chưa tìm hiểu kỹ, chưa sâu. Chủ sở hữu quyền có quyền đưa ra những vấn đề như vậy, vì cái gốc của tác quyền là sự thỏa thuận, và sự thỏa thuận bắt đầu từ yêu cầu của chủ sở hữu quyền. Chị Trinh đang trong tiến trình của sự thỏa thuận.

Việc chị Trinh đưa ra là đúng luật pháp. Còn tiếp theo, bên kia có đồng ý hay không, có mua hay không, đồng ý thì mặc cả thế nào..., đó là tiến trình dài. Nhưng tôi vẫn lo lắng cho chị Trinh là lộ trình là thế nào để thu được tiền, sẽ rất vất vả.

Có thể Trịnh Vĩnh Trinh chưa hình dung được những trắc trở của việc thỏa thuận này. Các cá nhân khó có thể bảo vệ được tác quyền của mình, bởi không chỉ ở TPHCM mà cả nước và ở nước ngoài nữa- mặt khác còn tốn kém thời gian, tâm sức, tiền bạc.

Trung tâm có nhận tiền từ nhà tổ chức chương trình Này em có nhớ để giao lại gia đình Trịnh Công Sơn?

Không. Chúng tôi không nhận, vì gia đình anh Sơn, cho đến giờ này, vẫn chưa ký hợp đồng ủy quyền cho chúng tôi. Cách đây vài năm, chúng tôi đã giải thích cho gia đình qua một bức thư dài 4-5 trang, rằng “tôi là bạn anh Sơn và tôi đoán rằng nếu anh Sơn còn sống thì anh ấy đồng ý ký với chúng tôi”.

Nhưng họ không nghe. Có lẽ họ cho rằng chúng tôi đòi tiền cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở mức thấp quá.

Mức cao nhất mà các ông thu hộ các nhạc sỹ cho một ca khúc là bao nhiêu?

Chúng tôi từng thu đến hơn 10 triệu đồng/bài. Chẳng hạn Trung tâm thu 15 triệu đồng cho một ca khúc dùng trong phim, hoặc vài triệu đồng cho một bài trong chương trình ở nước ngoài. Nhưng cũng có những trường hợp chỉ vài chục ngàn đồng/ca khúc thôi.

Nhạc sĩ Phú Quang: Nhạc sĩ nào cũng đòi một triệu với mấy trăm thì còn ai dám hát hò gì nữa

Qua báo chí, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh có đề cập những chương trình gần đây “ở Nhà hát Lớn Hà Nội mà nhà tổ chức là người nổi tiếng kể cả nhạc sĩ, lại không đoái hoài việc thi hành nghĩa vụ tác quyền”- có phải nhạc sĩ đó là anh không?

Trong chương trình Này em có nhớ, tôi chỉ làm thuê còn anh Trần Bình mới là nhà tổ chức. 3 đêm diễn đó tôi cũng có 9 bài, Ngô Thuỵ Miên 6 bài, Trịnh Công Sơn 6 bài, giả sử tôi và gia đình ông Ngô Thụy Miên cũng đòi 1 triệu/bài, tổng cộng mỗi đêm 21 triệu, cả thảy 63 triệu/3 đêm- riêng tác quyền thì ai dám tổ chức, có mà ăn đất.

Tôi luôn ủng hộ việc sòng phẳng tác quyền, cả lần này với tác quyền Trịnh Công Sơn. Tác quyền nhạc sĩ được trả càng cao càng tốt bởi trong cái sướng chung của mọi người có cái sướng của tôi nữa. Nhưng tôi nghĩ gia đình nhạc sĩ nên bình tĩnh cân nhắc.

Ví dụ cũng phải nghĩ đến ca sĩ. Như ca sĩ phòng trà Sài Gòn, có người hát chỉ một trăm, người trăm rưởi, người hai trăm một bài, thế thì làm thế nào mà có thể trả hai bài của ông Trịnh Công Sơn sáu trăm được, nền âm nhạc này mà ông tác giả nào cũng đòi 1 triệu với mấy trăm thì còn hát hò gì nữa.

Luật trước nay vẫn qui định mỗi ca khúc được công bố sau 3 tháng là mọi người có thể tùy ý sử dụng miễn là không làm sai lệch nguyên tác, và phải trả tiền theo luật hiện hành là 72.000 đồng/bài. Giả sử tôi mà làm tổ chức biểu diễn tôi sẽ trả đúng 72.000đồng/bài, còn hứng lên có thể trả thêm hoặc tặng thêm món quà...

Có ai qui định một bài báo của nhà báo các bạn phải trả một triệu hai triệu nhuận bút không? Tôi cũng từng được trả 4 triệu, 5 triệu/bài báo (Tết) nhưng không vì thế mà tôi cho rằng cỡ của tôi phải thế trở lên!

Thưa anh, cùng là chương trình Trịnh Công Sơn ở Hà Nội diễn ra liền nhau nhưng Ru mãi ngàn năm đạt được thỏa thuận đó thôi, còn chương trình anh và anh Bình làm thì không?

Tôi không biết anh Dương (ông bầu Thùy Dương – người làm chương trình Ru mãi ngàn năm) thỏa thuận thế nào nhưng tôi nghĩ làm gì cũng phải suy xét trước sau.

Ca sĩ mang bài của tôi đi hát khắp nơi nhưng có ai trả tiền đâu. Tình cờ mở ti vi hoặc đài  tôi có thể thấy người ta phát 4, 5 bài của mình trong 1 ngày, nhưng thỉnh thoảng được trả thì chỉ trả cho một bài,  lúc nào cũng là Em ơi Hà Nội phố mà thực ra bài này bây giờ cũng ít hát rồi.

Nếu cứ đòi cao quá thì còn ai dám hát Trịnh Công Sơn nữa, âm nhạc nước này cũng không chỉ có Trịnh Công Sơn, vậy lợi hay thiệt cho ông ấy? Giả dụ vẫn có người hát và gia đình thu được một tháng rất nhiều trăm triệu, tỉ đồng..., tốt quá, chỉ sợ lại phải lo chuyện đóng thuế thôi.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.