4 tháng nữa mới kết luận có phải là lúa cổ

4 tháng nữa mới kết luận có phải là lúa cổ
TP - 10 cây lúa, nảy mầm từ những hạt thóc được cho là có niên đại khoảng 3.000 năm tuổi (khai quật được từ di chỉ Thành Dền, Mê Linh, Hà Nội), đang được nuôi dưỡng, nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp VN.

Viện trưởng viện này, PGS - TS Lê Huy Hàm cho biết: Phải 3-4 tháng nữa mới có thể kết luận có phải lúa cổ hay không. Nếu đúng là lúa cổ thì đây là đề tài quan tâm của cả cộng đồng khoa học thế giới.

Các cây lúa cổ đang phát triển bình thường
Các cây lúa cổ đang phát triển bình thường . Ảnh: Phạm Anh


Thưa ông, ông nghĩ sao về hạt thóc sau 3.000 năm vẫn nảy mầm?

Nếu chúng ta tìm được hạt thóc, hay bất kỳ giống cây trồng nào có niên đại hàng nghìn năm về trước thì thực sự là điều bất ngờ rất lớn với giới khoa học hiện đại. Vì về mặt lý thuyết và thực tế, vật liệu sinh học trong quá trình lưu giữ hàng chục, hàng trăm năm sẽ bị phân hủy hết.

Tôi đã tìm tài liệu, hỏi ý kiến các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà khảo cổ, chưa từng thấy hạt lúa có niên đại trăm năm trở lên, chứ nói gì ngàn năm tuổi. Cũng vì thế, những hạt giống cổ xưa đã không đến được tay chúng ta ngày hôm nay.

Thông thường, chúng ta giữ giống lúa trong kho lạnh nhiệt độ 4 độ C, định kỳ 3 năm hoặc 5 năm. Sau đó, lấy ra gieo lại, lấy hạt cất vào kho lạnh. Tuy nhiên, trong thế giới sinh học, có nhiều thứ mà con người chưa hiểu hết được như mộ kết, xác ướp...

PGS - TS Lê Huy Hàm
PGS - TS Lê Huy Hàm.

Đối với những hạt thóc khai quật được, có thể trong điều kiện đặc biệt, có loại hóa chất nào đó bao phủ hạt thóc này. Vì thế, các nhà khảo cổ đang đưa phương án khoanh vùng toàn bộ điểm khai quật, cất các mẫu tìm được để nghiên cứu. Nếu kết luận được đây là lúa cổ, thì việc nghiên cứu, tìm ra môi trường giúp hạt thóc tồn tại lâu dài là một khám phá lớn.

Mặt khác, về nguyên lý sinh học, tất cả giống cây trồng, vật nuôi có hôm nay phải trải qua quá trình biến đổi gen từng bước một, và đến nay thì giống cây trồng, vật nuôi hoàn hảo. Tìm được vật liệu sống, tái sinh được sau 3.000 năm sẽ cấp cho chúng ta nhiều thông tin về giá trị di truyền như: Bộ gen cây lúa thời đó khác hôm nay thế nào, có những gen gì quý, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh ra sao, có giá trị thực tiễn trong việc chọn, tạo giống.

Và nếu đây là lúa cổ thì phải có một chương trình nghiên cứu lớn mới mở hết được những bí mật của nó, là đề tài quan tâm của cả cộng đồng khoa học thế giới.

Ông có nghi ngờ về kết quả khai quật?

Bản thân tôi đã đến tận điểm khảo cổ này nhiều lần và thấy rằng, các đồng nghiệp, cộng sự của PGS - TS Lâm Thị Mỹ Dung, người phụ trách điểm khảo cổ đã thực hiện các bước khảo cổ với trình độ khoa học cao.

Yếu tố quan trọng nhất của khảo cổ là phân biệt được cái gì là cổ, cái gì là lẫn lộn, và tôi tin tưởng mọi quy tắc khảo cổ đã được thực hiện hết sức nghiêm ngặt.

Họ đã chứng minh đây là những hạt lúa rất lạ ở khía cạnh xuất xứ, không phải xáo trộn nhân tạo hay yếu tố gió, chim, chuột mà nó nằm tự nhiên dưới khu vực khảo cổ, ở tầng văn hóa đã xác định niên đại hơn 3.000 năm về trước. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục.Nhiệm vụ của các nhà khoa học là xác định, liệu có đúng hay không và nếu đúng, bằng cách nào mà những hạt thóc kia tồn tại lâu như vậy?

Hiện những hạt thóc nảy nầm thành cây lúa được chăm sóc ra sao, thưa ông?

Viện nhận được 10 hạt nẩy mầm, lớn thành cây từ nhóm khảo cổ (đợt 1 ngày 12-5 có 8 cây; đợt 2 này 16-5 có 2 cây), trong đó có một cây hơi yếu. Cây cao nhất hơn 10 cm. Hiện chúng tôi chăm sóc trong điều kiện tự nhiên hoàn toàn. Để tránh chim, chuột, chúng tôi bỏ trong lồng lưới.

Làm thế nào để biết được những cây lúa này thuộc giống cổ, thưa ông?

Để xác định được có phải giống cổ hay không, phải chờ cây lúa lên để quan sát hình thái, đây là phương pháp cho thông tin nhiều nhất. Khoảng 3 đến 4 tháng nữa, sẽ có kết quả. Chúng tôi đang theo dõi, chụp ảnh, ghi chép biểu hiện nông, sinh học thường xuyên: thời điểm đẻ nhánh, trổ bông...

Đồng thời, chúng tôi gieo thêm giống lúa Khang dân, Q5 (giống đang trồng phổ biến ở Mê Linh) và một số giống lúa ngoại làm đối chứng. Lúa hiện nay khoảng 3 - 3,5 tháng là trổ bông, nhưng lúa cổ thường dài ngày hơn, phải 5 - 6 tháng. Cây lúa cổ thường cao hơn, vì 40-50 năm trở lại đây, nước ta sử dụng giống lúa có gen quy định đặc tính thân cây lùn, năng suất cao hơn.

Nếu những cây lúa được xem là cổ có sự khác biệt với những giống lúa hiện đại, chúng tôi sẽ làm tiếp bước nữa là xác định tuổi qua vỏ trấu của từng cây lúa. Hiện vỏ trấu của 10 cây lúa đã được tách ra và lưu giữ riêng.

Hiện phương pháp xác định tuổi phổ biến ở nước ta là sử dụng đồng vị phóng xạ cacbon 14, đòi hỏi mẫu tương đối lớn. Còn phương pháp nữa là AMS, cần mẫu ít hơn, nhưng rất tốn kém.

Viện Khảo cổ học đang liên hệ với các đồng nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc, để nhờ họ giúp. Nếu xác định được tuổi của từng vỏ trấu thì có thể xác định được niên đại của hạt thóc.

Phạm Anh

* Những hạt thóc đó chúng tôi lấy được từ tầng văn hóa ở di chỉ Thành Dền, thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu (cách nay khoảng 3.000 năm). Chúng tôi đang phối, kết hợp nhiều nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là các giới địa chất, sinh học, để đưa ra kết luận sớm nhất về những hạt thóc này. - PGS - TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

* Theo một giáo sư hoá lý-hoá keo, nguyên viện trưởng một viện của Bộ NN&PTNT, thì đây là một trường hợp chưa có tiền lệ, khả năng bảo quản được lâu dài như thế có thể ở một môi trường yếm khí, với những chất bảo quản đặc biệt. Tuy nhiên, ở giai đoạn lịch sử ấy thì vô cùng ít có khả năng con người dùng hoá chất bảo quản hạt lúa. Bên cạnh đó, về nguyên lý của sự sống thì với 3.000 năm, sẽ chẳng có loài giống lúa nào có thể duy trì được sự sống. 
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.