Nhà văn Tô Hoài: 90 tuổi vẫn đang... xoan

Nhà văn Tô Hoài: 90 tuổi vẫn đang... xoan
Bước sang tuổi 90, đôi chân đi không còn được nhanh nhưng đôi mắt vẫn sáng, giọng nói vẫn còn trong, nhà văn Tô Hoài đã chia sẻ về nghề viết cũng như những dự định mới của ông trong buổi chúc thọ do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức sáng 18-5.

"Năm 1941, tác phẩm đầu tiên của nhà văn Tô Hoài mang tên Dế mèn phiêu lưu ký đã trở thành người bạn của trẻ em trên thế giới. Và đến nay, ở Việt Nam cũng chưa từng có tác phẩm nào có sức ảnh hưởng rộng lớn và có ý nghĩa đến thế đối với thiếu nhi trong nước và thế giới". Ðó là ý kiến của nhà thơ Bằng Việt nói trong buổi chúc thọ nhà văn.

Nhà văn có nhiều cái nhất

Từ tác phẩm đầu tiên đến nay, giữ nhiều cương vị khác nhau, từ chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên đến chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Tô Hoài vẫn không ngừng sáng tác. Số lượng tác phẩm của nhà văn Tô Hoài hiện cũng chưa có một thống kê chính xác, mà chỉ áng chừng 140-150 tác phẩm.

Không chỉ có lượng tác phẩm dồi dào, Tô Hoài còn là nhà văn có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành rộng rãi trên thế giới nhất của nền văn học Việt Nam (tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký được dịch ra hơn 30 thứ tiếng khác nhau).

Trong buổi mừng thọ, nhiều kỷ niệm của những người từng làm việc, từng sống bên cạnh nhà văn Tô Hoài đã được nhắc đến, có cả những câu chuyện trở thành giai thoại thú vị có tính tổng kết: Tô Hoài là nhà văn đọc nhiều nhất, đọc tất cả những gì mình có, sáng tác bất kể nơi đâu, bất kể thời điểm nào.

Nhận chúc mừng và hoa của mọi người, ông Tô Hoài 90 tuổi hóm hỉnh chia sẻ một niềm vui bất ngờ: cuốn sách Lăng Bác Hồ (NXB Kim Ðồng) của ông vừa được nhận giải thưởng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm ấy, nhà văn đã viết khi Bác Hồ mới mất và đến nay đã tái bản 80 lần. Giải thưởng này do Ban Tuyên giáo trung ương trao tặng ông cách đây vài hôm.

Tài sản của Hà Nội

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ: "Giới văn học lần lượt chia tay các nhà văn lớn tuổi, gần đây nhất là nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Hoàng Công Khanh... Thế nên trong thâm tâm, tôi rất quý trọng những giây phút được sống và làm việc cùng các bậc đàn anh".

Nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn câu nói của nhà thơ Trần Dần đại ý: "Tôi không tin vào các thần đồng, tôi chỉ tin vào những người mẫu mực và kiên nhẫn", và bản thân nhà văn Tô Hoài vừa mang tố chất thần đồng lại vừa kiên nhẫn không mệt mỏi.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng kết luận: "Ảnh hưởng của nhà văn Tô Hoài rất lớn đến hàng triệu con người, không bằng khen, không vinh dự nào lớn hơn sự tin cậy của giới nhà văn đối với anh. Và nhà văn Tô Hoài chính là một vinh dự cho Hà Nội, là một tài sản của Hà Nội".

 Sẽ có tác phẩm về thời bao cấp

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - cho biết khi Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức mừng thọ tại nhà cụ Tô Hoài thì được nhà văn già “bật mí” ông đang viết cuốn sách về thời bao cấp. Đó sẽ là những câu chuyện rất thực về một thời khó khăn được kể lại tỉ mỉ và tự nhiên, nếu trời cho sức khỏe...

Theo Hoàng Điệp
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.