Thẻ hành nghề cho nghệ sĩ: Lập lại công bằng cho nghệ sĩ

Thẻ hành nghề cho nghệ sĩ: Lập lại công bằng cho nghệ sĩ
TP - Sau gần 8 năm bị bãi bỏ, thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn lại được nhắc đến như một giải pháp quản lý đối với các hoạt động biểu diễn lộn xộn hiện nay.
Ca sĩ Lam Trường đã theo học các khóa học thanh nhạc để được cấp thẻ hành nghề
Ca sĩ Lam Trường đã theo học các khóa học thanh nhạc để được cấp thẻ hành nghề . Ảnh: Từ website của ca sĩ

Tuy nhiên, quan điểm này đang gây ra không ít tranh cãi. Không chỉ khiến các nghệ sĩ băn khoăn mà ngay trong nội bộ các nhà quản lý văn hóa cũng có không ít những ý kiến trái ngược về tấm thẻ này.

Trên thực tế, hơn 3.000 tấm thẻ hành nghề từng được Bộ VHTT (trước đây) cấp cho các nghệ sĩ biểu diễn từ năm 1999 chỉ tồn tại vẻn vẹn 3 năm. Thẻ bị bãi bỏ vào năm 2002 vì bị coi như một loại giấy phép con.

“Thẻ hành nghề ít nhất cũng làm cho các nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp. Trước đây, một số ca sĩ thị trường như Lam Trường cũng đến trường nghệ thuật theo một số khóa học thanh nhạc để được cấp thẻ. Khi thẻ bị bãi bỏ thì họ không đến học nữa”- nhạc sĩ Lê Nam, nguyên Trưởng phòng Quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu (Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT&DL) cho biết.

Ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề, NSND Quang Thọ nói: “Đó là việc nên làm. Đời sống biểu diễn hiện nay lộn xộn là vì ai cũng có thể đứng trên sân khấu. Cần phải có thẻ. Nghệ sĩ muốn được cấp thẻ phải đáp ứng được những tiêu chí nhất định. Như thế mới ổn được!”

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ T.Ư nói: “Sự lộn xộn của hoạt động biểu diễn hiện nay có thể được coi là hậu quả của việc bãi bỏ thẻ hành nghề. Tôi chưa bao giờ thấy việc bước lên sân khấu lại dễ như bây giờ.

Cấp thẻ hành nghề là một cách để chọn lọc những người có thể bước lên sân khấu. Thật là không công bằng khi các nghệ sĩ của các đoàn công lập muốn bước lên sân khấu thì phải qua nhiều cửa ải tuyển chọn trong khi nghệ sĩ tự do lại có thể thoải mái bước lên sân khấu bất cứ lúc nào”.

Nhưng NSƯT Vương Duy Biên, Cục phó Cục NTBD lại tỏ ra băn khoăn: “Khi còn là giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương, tôi và các nghệ sĩ nhà hát đều được cấp thẻ hành nghề nhưng chúng tôi chẳng bao giờ dùng đến nó.

Chúng ta cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ biểu diễn, vậy các bộ môn nghệ thuật khác thì sao? Liệu nó có trở thành một sự phiền phức cho nghệ sĩ không? Đại đa số họ đều được đào tạo bài bản thì việc được hành nghề có thể xem là đương nhiên”.

Thực chất, đối tượng chính mà các nhà quản lý muốn nhắm đến khi đề cập đến thẻ hành nghề chính là các nghệ sĩ tự do. Thẻ hành nghề với những tiêu chuẩn kèm theo của nó sẽ góp phần loại bớt những con sâu làm rầu nồi canh. Vấn đề đặt ra là các nhà quản lý sẽ xây dựng cánh cửa đó như thế nào.

Việc đầu tiên các cơ quan quản lý phải làm nếu muốn cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ là thành lập các hội đồng xét duyệt có khả năng thẩm định ở tất cả các bộ môn nghệ thuật biểu diễn ở các địa phương. Đây có vẻ sẽ là một nhiệm vụ hơi quá sức với đội ngũ quản lý văn hóa ở nhiều tỉnh thành. Bởi vì, nếu như họ đủ năng lực để thẩm định thì đã không để lọt lưới hàng loạt sai phạm trong các chương trình biểu diễn tại địa phương như nhiều năm qua.

Sự đa năng, tham gia vào nhiều ngành nghệ thuật khác nhau của các nghệ sĩ cũng là vấn đề khiến các nhà quản lý bối rối khi cấp thẻ.

Băn khoăn cuối cùng vẫn là nguy cơ “hòa cả làng” khi cấp thẻ và ban hành quy chế mà khâu hậu kiểm và các chế tài xử phạt đều bị bỏ ngỏ đang diễn ra với rất nhiều quy chế của ngành văn hóa.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.