Gã "ăn gian"... lục bát

Gã "ăn gian"... lục bát
TP - Mấy hôm nay những người bạn của ông gặp tôi ai cũng “than phiền” bảo Minh Tâm là gã “ăn gian”. Hỏi ăn gian cái gì, thì ai cũng cười mà rằng, ăn gian cái “lục nồi… lục bát”, làm tôi sốt ruột vô cùng. Đến thăm MinhTâm tại nhà riêng, tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết ông chính là gã “ăn gian” đoạt hai giải thơ… lục bát.
Minh Tâm khệ nệ chống nạng ôm hai giải
Minh Tâm khệ nệ chống nạng ôm hai giải.

Không biết, ngày 2 tháng 7 năm 2010 có phải là một ngày đẹp trời với ông hay không? Khi trên tuần báo Văn Nghệ đăng tải danh sách những người đoạt giải thơ, trong cuộc thi thơ lục bát với chủ đề “Ngàn năm thương nhớ”, có một gã đã ẵm cả hai giải đó là Nhà báo Minh Tâm (báo Nông Thôn Ngày Nay).

Tôi rất bất ngờ, bởi Minh Tâm vốn dĩ là một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra, tôi đã đọc bài của ông từ mười, hai mươi năm về trước. Trong ngày ấy ông xách một cái bị cói, tặng bạn bè tập thơ “Lục bát Làng choa”. Cái tựa đề tập thơ nghe đặc “khẩu khí”, thổ ngữ xứ Thanh quê ông.

Nhà thơ Định Hải, đồng hương Làng choa của Minh Tâm - Tác giả của lời bài hát “Trái đất này là của chúng mình”, nói: “Minh Tâm “Làng choa” từ “ăn gian” thành ra “ăn ra” 2 giải.

Tập thơ “Lục bát Làng choa” của Minh Tâm do nhà thơ Trần Đăng Khoa viết lời giới thiệu. Đọc lời giới thiệu của Trần Đăng Khoa về tập thơ “Lục bát Làng Choa” dường như tôi mê lời giới thiệu về tập thơ hơn là mê thơ được giới thiệu.

Tại buổi trao giải, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc tuyên bố người đoạt giải ba là Hoàng Phan Hùng, bút danh của Minh Tâm. Nhưng trong danh sách những người đoạt giải do Ban tổ chức công bố, còn có một Minh Tâm nữa đoạt giải tư với bài “Tự bạch”.

Minh Tâm nói: “Sau khi biết mình đoạt giải đúp Minh Tâm đã điện thoại cho Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (TBT Báo Gia đình & xã hội, Trưởng ban tổ chúc cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ”) để “sám hối”. Lê Cảnh Nhạc “quát”: “Tội ông to lắm!”. Minh Tâm hỏi lại. “Tội to thì kỷ luật gì cho xứng”.

Lê Cảnh Nhạc cười phá lên: “Ngày mai trao giải mình sẽ tuyên bố trước bàn dân thiên hạ về sự “gian dối” của ông. Và bây giờ ông thích nhận giải nào? Minh Tâm nhấm nhẳn trả lời: “Ai chả biết một khi được chọn cái mất, thì hẳn người ta sẽ chọn cái mất ít. Và khi được chọn cái được, thì đương nhiên phải chọn cái được lớn. Mình có phải thằng… dở hơi đâu. Nhưng mà có mắng mỏ nhau một chút, với tư cách là Trưởng ban tổ chức và kiêm nhiệm luôn cả thi sĩ nữa thì “mắng” nhau nhè nhẹ thôi nhá!?”.

Cuối cùng thì Ban tổ chức đã châm chước, vẫn trao cho Minh Tâm hai bằng chứng nhận, ghi tên Minh Tâm và tác giả Hoàng Phan Hùng mà ông “đội danh”. Nhưng giải thưởng chỉ được một suất - giải ba.

Từ ngày nhận giải đến nay, hình như ngày nào Minh Tâm cũng “bay bay”, bởi không những thi hữu, mà tất cả những người hàng xóm ở khu tập thể phụ nữ (39 Pháo Đài Láng - Láng Thượng - Đống Đa - Hà Nội) nơi ông ở cũng rộng lượng mời ông uống rượu. Mặc dầu trước đấy ai cũng khuyên ông bỏ rượu..

Tập thơ “Lục bát Làng choa” Minh Tâm mới xuất bản tháng 6 năm 2010 chỉ có 49 bài. Mặc dầu ông có mấy trăm bài lục bát. Minh Tâm tâm sự: “Mình bị “giời hành” từ năm 49 tuổi, không làm phóng sự điều tra được nữa, thì mới “đốc chứng” làm thơ”.

Trước kia Minh Tâm bệnh nặng lắm, tưởng chừng không còn gượng dậy được nữa đấy chứ. Ông ta nằm liệt gường hơn hai năm, chữa chạy khắp nơi nhưng vẫn chưa lành. Cũng may nhờ cái phúc phật, lộc trời mà từ Tết đến nay Minh Tâm đã tập tễnh chống nạng đi lại được.

Cũng chính vì thế mà cái hôm nhận giải có nhiều người “ái ngại” và nghi ngờ ông ta, một gã “nhà quê” chống nạng tập tễnh trông rất xương xẩu, thiếu… “sức sống”, ấy vậy mà lại đoạt giải đúp!?.

Có lần tôi được ngồi nhâm nhi chén rượu cùng các bậc tiền bối, nhà thơ Văn Thùy bảo: Minh Tâm “nó” máu nghề lắm! Cái chân quen chạy, cái tay quen viết và cái đầu hay nghĩ, giờ phải ngồi một chỗ, cái chân thì tập tễnh, cái tay thì hơi “khèo”, rất may Tâm nó còn cái đầu sáng.

Rơi vào hoàn cảnh đó ai mà chẳng bi quan và Minh Tâm cũng không ngoại lệ. “Nhưng trong những lúc cam go nhất, thì cũng là lúc ông ta làm được cái điều lớn lao nhất của đời người, là biến thời gian bệnh hoạn thành thời gian sáng tạo” (Lời của GĐ Sở VHTT-DL Thanh Hóa Ngô Hoài Chung).

Minh Tâm đã từng thốt lên giữa “Lục bát Làng choa” rằng: “Ta đi khô ba cơn mưa/Ướt bảy cơn nắng thì vừa gặp dông/Ta lội qua chín dòng sông/Trèo mười ngọn núi mà không gặp người/Ngẩng đầu xối xả mưa rơi/Cúi đầu chợt thấy mặt trời dưới chân”.

Có lẽ sẽ không ngoa, nếu nói rằng “Làng choa” đã kéo Minh Tâm rời xa cái vòng quay “sinh, lão, bệnh, tử” hay “Lục bát Làng choa” đã “tiêm” vào ông một liều doping nồng độ cao khiến ông không thể gục ngã, khi thể trạng và sức khỏe của ông đã kiệt quệ.

Tiến sỹ văn chương Hỏa Diệu Thúy, giảng viên trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), sau khi nhận được tập “Lục bát Làng choa” của Minh Tâm ký tặng đã nói: “Làng choa nghe quê lắm, đầy khẩu khí xứ Thanh”. Còn thi sỹ Trần Đăng Khoa thì bảo, thơ “Lão” ngang lắm, nhưng “đọc được”, đọc thích.

Đi vòng qua “Làng choa”, ta bắt gặp rất nhiều cảnh sắc, tâm tình, số phận. Từ mái đình, câu tụng kinh, chợ chiều, rồi gặp cả mẹ ta… Thương mẹ, Minh Tâm viết trong nỗi niềm xót xa, da diết: “… Nồng nàn áo mẹ phù sa/Sực mùi rơm rạ dưa cà thiên dân/Mẹ chống gối, mẹ chõe chân/Nắn cho ta dáng ngay tâm thẳng người…” (Mẹ ta).

Buồn cho mối tình xưa nghĩa cũ của đôi trai gái, “xuống tóc” rồi nhưng vẫn nặng lòng đa mang. “… Nửa đời ta nửa bơ vơ/Lá đa làm gối đêm mơ chùa làng/Câu kinh lỡ phận dở dang/Mủi lòng chuông cũng rẽ ngang nhịp chiều” (Câu kinh cũ). “Lục bát Làng choa” như một thứ “dưa cà” quê mà ai đã quen thì thèm và nhớ vậy!.

Sau 6 tháng phát động, BTC cuộc thi sáng tác thơ lục bát "Ngàn năm thương nhớ" đã nhận được hơn 15.500 tác phẩm dự thi của hơn 1.000 tác giả trên khắp cả nước. Trong số 74 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo do nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn VN) làm Chủ tịch đã quyết định trao: 4 giải nhì, 7 giải ba, 7 giải tư cho 18 nhà thơ (không có giải nhất).

Gã "ăn gian"... lục bát ảnh 2

Bốn tác phẩm đoạt giải nhì gồm:

Chợ đêm Long Biên (Nguyễn Thị Mai), Dì tôi (Đoàn Nguyên), Làng trong phố (Hồ Phong Tư), Nửa trời trăng khuyết (Quang Chuyển).

Bảy giải ba gồm:

Về Khương Thượng (Nguyễn Trọng Tuất), Lời hát xẩm mù (Hoàng Phan Hùng), Chù làng (Đỗ Phú Nhuận), Chiếc điếu cày (Nguyễn Minh Khiêm), Phù Đổng Thiên Vương (Nguyễn Thanh Mừng), Tiễn em lên máy bay (Bình Nguyên), Lục bình Phương Nam (Nguyễn Hữu Quý)

7 giải tư gồm:

Lá thư từ biên cương (Nguyễn Trường Thọ),  Lang thang quê (Nguyễn Ngọc Trìu), Một lần ru ngoại (Nguyễn Ngọc Hưng), Tự Bạch (Minh Tâm), Mẹ (Nguyễn Thị Ngọc Hà), Xóm cũ - lòng xưa (Phạm Ánh Sao), Về quê (Trần Duy Đới).

MỚI - NÓNG