Thi sĩ đào núi trồng sim

Nguyễn Đức Vân trên đồi sim rộng hơn 1ha của mình. Ảnh: Nguyên Anh
Nguyễn Đức Vân trên đồi sim rộng hơn 1ha của mình. Ảnh: Nguyên Anh
TP - Người ta đào núi tìm vàng, dỡ đồi lấy quặng, còn thi sĩ Nguyễn Đức Vân thì đào núi trồng sim. Ông là nhà sư, sống đời ẩn dật giữa thiên nhiên. Ông cũng chính là con trai nhà thơ Nguyễn Đức Sơn – một trong ba kỳ nhân văn nghệ miền Nam (cùng với Bùi Giáng - Phạm Công Thiện).
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.
 

Rượu sim và bạn hiền

Nguyễn Đức Vân, một nhà sư mộ đạo gần bốn mươi tuổi, đầy tinh thần sáng tạo. Một tập thơ đã in, hai CD nhạc bán khá chạy, một bản thảo thơ đang độ hoàn thành, Nguyễn Đức Vân đúng ra là con người của thi ca ngâm vịnh, công tử hào hoa. Nhưng không, nhìn Vân, tôi lại nghĩ đến một nhà sư - lão nông của thời xưa, những người tự túc sinh nhai trên mảnh đất heo hút của các nhà chùa. Tự do giữa đất trời, bất chấp nóng - lạnh, đói - no.

Tôi gặp Vân lần đầu năm 1996. Khi đó Vân mới mua quả đồi. Trên đồi có cái lán bỏ hoang của ông thầy giáo trong vùng. Gió cao nguyên lớn quá, đồi lại không có nước, người ta bỏ chạy, Vân bèn mua lấy. Tiền chỉ đủ mua một mảnh đồi, rồi người này người kia giúp thêm, dần dà cũng làm chủ được quả đồi đầy cỏ dại.

Đồi sim độc nhất vô nhị ở xã Đại Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng khiến người đi ngang qua không khỏi giật mình, như thể gặp lại một ký ức tuổi thơ trong veo đã biến mất trong thời đô thị hóa.

Thỉnh thoảng, Vân xuống Sài Gòn chơi, ngồi ở quán cà phê của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Trong cái túi vải của thầy có thơ, có chai rượu mật sim. Hỏi: “Mật sim đâu ra vậy?”. Vui vẻ: “Tui trồng đó. Mới làm rượu xong, đem xuống cho anh em đây”. Anh em văn nghệ chia nhau, người đọc thơ, người uống rượu sim. Thấy thú vị vô cùng. Sài Gòn có bao nhiêu loại rượu, nhưng muốn say rượu sim Đại Lào.

Thơ Vân không có cái bức bối của đô thị chen chúc nhau, những chuyện cạnh tranh không lành mạnh, nó tràn ngập thiên nhiên, một thứ thiên nhiên gần gụi nguyên sơ. Chúng tôi sững sờ trước những bài thơ đặc sản của đồi sim. Thú thực, tôi là một người hâm mộ thơ của bạn tôi, những bài thơ được viết ra sau những ngày lầm lụi đồi sim:

Trên trời có đường không
Sao nước mưa ngọt thế
Dưới đất có lòng ai
Sao hoa nở khắp rừng

Nhiều lúc tôi rưng rưng
Nghĩ nhiều về vô lượng
Nào hoa trái mênh mông
Rau quế, rau húng thơm
Cây mắc cỡ đang yên
Làn gió đùa khép nép…

                                               (Vô lượng đất trời)

Cảm giác cô đơn của nhà thơ, xen lẫn với niềm vui khôn tả của những bữa cơm chay thanh tịnh và nhẹ nhõm khiến cho cuộc sống trở nên thi vị, không thấy bóng dáng của những bon chen, hận thù, chiến tranh chia cắt. Chỉ còn nơi đây, Đại Lào hôm nay với những niềm vui giản dị mà xúc động vô ngần:

Chiều nay đang vun khoai
Chợt thấy lòng ríu rít
Bỗng quăng đại cái cuốc
Hát múa đến tối mò
Mới bò vô nấu cơm
Ta nấu cơm ngon quá
Ăn xong vẫn khát thèm
Nên liếm luôn cả bát.

                                                    (Vô lượng đất trời)

Vân gốc Huế. Chúng tôi sinh ra trên hai đầu đất nước, mà gặp được nhau nhờ có hòa bình. Dù gian khổ bao nhiêu, giờ cũng là một niềm vui hạnh ngộ.

Nguyễn Đức Vân trên đồi sim rộng hơn 1ha của mình. Ảnh: Nguyên Anh
Nguyễn Đức Vân trên đồi sim rộng hơn 1ha của mình. Ảnh: Nguyên Anh .
 

Đồi sim ca dao

Xe dừng ở cầu Đại Lào lúc 11 giờ đêm, trên trời đầy sao mà phong cảnh vùng này quả thực điện đã sáng như sao. Xã Đại Lào heo hút năm nào giờ tràn ngập ánh điện và những ngôi nhà đẹp, nhưng vẫn có thể cảm nhận được hương vị thơm đậm đà của lá trà, cà phê mở ra ngút ngàn.

Con đường lên đồi sim của Nguyễn Đức Vân mùa mưa năm nay vẫn rất lầy lội bởi thứ đất đỏ dẻo quánh. Chiếc xe cúp 50 cà tàng phải chứa trong nó một sức mạnh nào đó mới có thể vượt qua những ngọn đồi trơn trượt. Từng ngôi nhà xinh xắn xây bên đường, ấm cúng ánh điện, lại làm tôi nhớ đến căn nhà gỗ thông tối tăm đầy muỗi năm nào, những đứa nhỏ ho lên sùng sục, gió cao nguyên thổi như vũ bão quanh năm.

Khi thi sĩ Nguyễn Đức Sơn đưa gia đình lên vùng này để sinh sống, tránh xa phố thị, một người con của ông đã ăn phải củ độc mà chết. Năm 14 tuổi, Vân được cha đưa vào gửi trong chùa cho ăn học. Nhưng, dù làm gì, trái tim Vân vẫn thuộc về thơ, thừa hưởng những nhịp đập thi ca của cha mình.

Sau bao nhiêu năm trở lại, tôi thấy biết bao sự đổi thay. Trên quả đồi trọc năm nào, giờ đã mọc lên căn nhà nhỏ, có một phòng thờ Phật, một phòng bếp với lò sưởi, hai cái gác. Vân hàng ngày tụng kinh, làm thơ, đi cúng cho người vừa quá cố, rảnh trồng sim chơi. “Tôi trồng được 3.000 gốc sim rồi đó”. Vân nói với tôi khi nổi lửa ngồi nhìn tôi ăn cơm chay trong những cơn gió cao nguyên lồng lộng.

Sáng ra, thấy cảnh tượng thật hùng vĩ. Đồi sim của Nguyễn Đức Vân với hơn ba ngàn gốc sim cổ thụ được đào về từ khắp mọi ngọn núi bí ẩn của xứ Bảo Lộc, đang đơm hoa, kết quả. Chúng tôi, mỗi người một túi, đi hái. Vừa hái vừa đọc thơ, nhâm nhi vị ngọt của sim, thoảng có hương thơm như rượu thiên nhiên.

Vân nói: “Mình tôi đào sim về trồng, cây sim cao hơn người, có bữa mưa trơn, trượt ngã lăn mấy vòng xuống tận dưới kia, phải đi trạm xá băng bó”. Nhà thơ gọi đây là “đồi sim ca dao”, dự tính sẽ đem đá về, khắc những câu ca dao hay cho bạn bè ghé chơi, ôn cố tri tân, tìm nguồn cảm xúc từ trong mạch nguồn văn hóa xưa.

Hái sim xong, đi tắm dưới vòi nước đục ngầu toàn cát. Hóa ra chiều hôm trước Vân mới gọi người khoan giếng, sâu 60 mét, tốn ba mươi triệu mà trong nhà chỉ có hơn bảy triệu bạc. Nhìn dòng nước, Vân thở phào: “Trúng mạch ngầm rồi. Bao nhiêu năm nay trồng sim, phải đi gánh nước tưới”. Hỏi: “Gánh ở đâu?”. Chỉ vào rặng cây: “Gánh nhờ nhà hàng xóm bên kia sườn đồi”.

Xung quanh đồi sim là những đồi cà phê xanh tốt trải dài khắp thung lũng. Người đi thu hái cà phê nhìn đồi sim với cặp mắt vui vẻ, họ ngắm chúng tôi như thể gặp những con chim rừng đã bị tuyệt diệt vậy. Nhà thơ là thế! Trồng sim, ngắm hoa, làm rượu mật, đón bạn bè tứ phương. Mỗi lần uống cà phê thì đèo nhau ra thành phố Bảo Lộc, cách cả chục cây số.

Đồi sim không mấy khi vắng khách. Anh em thơ trẻ Sài Gòn vẫn thường qua lại. Khách ở Hà Nội cũng lặn lội vào thăm. Đốt lửa, đọc thơ, nghĩ về cuộc đời bao thay đổi. Niềm vui có, nỗi buồn có. Ngồi giữa đồi sim lộng gió hương hoa, nghe hơi thở đất đai cao nguyên, hương vị của chè, cà phê, của một đời sống gian nan vất vả.

Chúng tôi nghĩ Vân không khùng khi đã làm cái “bảo tàng sim” này. Dù cuộc đời có khắc nghiệt đến bao nhiêu, dù đất đai trồng cà phê tăng hay giảm, vẫn phải có những khoảng không gian cho thơ, cho những ngày tháng thấm đượm ký ức hoang sơ về một thời cao nguyên gian khổ, mà thân thiết:

Sáng nay có con gà rừng về đây gáy
Tiếng nó cất lên sao quá thanh
Như từ vô lượng trong lành ngân ra…

                                                                     (Tiếng vọng gà rừng)

7-2011

Cha, con đều là thi sĩ, ẩn sĩ

Hai cha con thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Đức Vân trong cuộc sống ẩn dật. Ảnh: Nguyên Anh
Hai cha con thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Đức Vân trong cuộc sống ẩn dật. Ảnh: Nguyên Anh .
 

Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày 18-11-1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận, quê gốc tỉnh Thừa Thiên Huế, được giới văn nghệ yêu nước ở miền Nam trước năm 1975 gọi là một trong ba kỳ nhân văn nghệ (gồm Bùi Giáng - Phạm Công Thiện - Nguyễn Đức Sơn).

Các tác phẩm của ông ca ngợi tinh thần tự do, yêu đất nước, như: Bọt nước (thơ, 1965), Hoa cô độc (thơ, 1965), Lời ru (thơ, 1966), Đêm nguyệt động (thơ, 1967), Cát Bụi Mệt Mỏi (truyện ngắn, 1968), Cái chuồng khỉ (truyện ngắn, 1969), Xóm chuồng ngựa (truyện ngắn, 1971), Tịnh khẩu (1973). Hiện ông sống tại Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Nguyễn Đức Vân là con trai ông, xuất gia từ năm 12 tuổi, viết báo (Báo Giác Ngộ), làm thơ, sáng tác nhạc. Nguyễn Đức Vân đã xuất bản hai đĩa nhạc Màu yêu thương với các ca khúc chủ đề thiên nhiên, Hoa trái ngày thơ gồm 15 ca khúc viết cho thiếu nhi. Nguyễn Đức Vân đã in tập thơ Người đẹp và dự định sẽ in tập thơ Cánh hoa vừa hé. Hai cha con thi sĩ này có cuộc sống đầy cá tính, thi vị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG