Từ 'cảm tình và cảm tính' đến phiếu trắng

Từ 'cảm tình và cảm tính' đến phiếu trắng
TP - Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Inrasara giãi bày về vấn đề bỏ phiếu kết nạp hội viên vào Hội. Theo nhà thơ, có lẽ đến lúc chỉ còn cách bỏ phiếu trắng trong việc chọn lựa, vì những lý do mà ông kể dưới đây.

Với đại bộ phận người làm văn học hôm nay, cánh cửa vào Hội Nhà văn Việt Nam vẫn có sức thu hút đáng kể. Hơn 300 ứng viên thơ trong Danh sách tỏ rõ điều đó. Người viết cần có tấm thẻ Hội Nhà văn cầm tay.

Để tự tin hơn hay để kích thích mình cũng có, để khẳng định mình với người xung quanh cũng có, hay ở một mức độ khiêm tốn hớn - chỉ để có cái gì đó gọi là kỉ niệm một đời văn.

Cho nên, dù tỉ lệ một chọi hai mươi và hơn nữa, người viết văn làm thơ qua mỗi năm vẫn cứ phấp phỏng ngóng chờ “mùa kết nạp hội viên mới”. Chờ - bởi dù tài năng văn chương bộc lộ ngay ở vài tác phẩm đầu tay cũng phải qua hai, ba năm thử thách; họa hoằn lắm mới xảy ra hiện tượng khuôn mặt vừa trình làng đã đút túi ngay tấm thẻ của Hội.

Ở đó không ít trường hợp cửa Hội Nhà văn mãi im ỉm đóng - đến bảy năm, mười năm và hơn nữa, như quyết mài mòn sức kiên nhẫn của người viết. Có kẻ giận lẩy, có người bỏ cuộc, cũng không ít trường hợp phó mặc. Nhưng đại đa số đến hẹn lại lên - nghe ngóng và chờ đợi. Nhẫn nại chờ đợi.

Trong thời gian dài dằng dặc đó, không ít anh chị em tìm cách tiếp cận các Ủy viên Hội đồng. Qua thư từ hay cú phôn làm quen, qua bằng hữu thân thiết giới thiệu.

Gặp mặt mời nhau li cà phê, đãi nhau chầu bia, tặng nhau vài món quà mọn, hay giản đơn hơn - chỉ nhằm tương ngộ với nhân vật từng kiến kì thanh bất kiến kì hình để kí tặng sách “nhờ anh ngó qua”. Cũng hay! Nhưng lắm lúc bất tiện, có khi bất tiện đến phiền phức.

Năm ngoái - 2010, lần đầu tiên dự cuộc bỏ phiếu xét kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã lớ ngớ và lúng túng đến tội. 90% trong số ứng viên thơ kia tôi chưa hân hạnh đọc thơ họ. Vậy mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu.

Bỏ phiếu dựa trên bảng lí lịch văn học vừa sơ sài vừa thiếu cập nhật do Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cung cấp. Từ đó xét đoán của tôi không thể tránh khỏi dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận. Nghĩa là đầy chủ quan.

Ngay sau đó, tôi đã “tự thức”! Và tỏ thái độ. Tôi thử đưa ra 4 tiêu chuẩn (tác phẩm, dư luận báo chí, giải thưởng các loại và thể loại bổ trợ) để “chấm điểm” ứng viên. Vẫn còn là chưa đủ. Dư luận báo chí hay giải thưởng các loại đầy tràn nỗi đời ngoài lề. Các Ủy viên vẫn có thể bị đánh lừa.

Yếu tố cuối cùng phải là: tác phẩm. Với thơ, ít nhất là 10 bài do tác giả chọn. Đó chính là vật chứng đáng tin nhất. Chỉ trên cơ sở đó thôi, Ủy viên Hội đồng mới có thể cất cử lá phiếu của mình mà không phải áy náy. Và nhất là có trong tay vật chứng tối thiểu để có thể đứng ra bảo vệ cái lá phiếu kia, khi cần thiết.

Bài viết đăng hai kì liên tục trên Tiền phong Chủ nhật, tháng 3-2011 đã tạo nên dư luận đáng kể trên diễn đàn mạng.

Một năm đi qua, tất cả vẫn không chút chuyển động. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cứ trì trì lệ cũ: vẫn là Bảng danh sách sơ sài và thiếu cập nhật được gửi tới các Ủy viên Hội đồng. Ủy viên Hội đồng Thơ cứ nếp cũ mà bỏ phiếu, nghĩa là đầy cảm tình và cảm tính.

Một năm đi qua, qua tiếp cận và tiếp xúc, tôi có đọc thêm 5% tác phẩm của nhà thơ có tên trong Bảng Danh sách ứng viên. Ở đó, có vài tên tuổi xứng đáng. Tôi chợt nghĩ, biết đâu trong số 85% ứng viên còn lại - vì lòng tự trọng hay sĩ diện hoặc gì gì khác chưa tiếp cận tôi, do đó tôi hoàn toàn chưa cơ hội đọc họ - có vài tài năng.

Vậy mà tôi cứ loại họ. Thẳng tay! Hỏi tôi có công bằng với đồng nghiệp không? - Tắc trách và bất công là điều hiển nhiên rồi! (Cũng có người cho rằng tài cao hay thấp hoặc vừa vừa thì lộ ra ngay thôi, cần chi phải “rốt ráo”. Cứ cho là vậy đi, nhưng ở đây, về mặt nguyên tắc [hay hình thức], ta vẫn chưa sòng phẳng).

Vậy là lần nữa tôi “cảm tình và cảm tính”. Hi vọng là lần cuối cùng. Bởi ngay từ năm sau, tôi sẽ bỏ phiếu trắng. Dù có phải bị cho là trốn trách nhiệm, nhưng cũng cần phải thế. Theo tôi, để cho cuộc chơi công bằng và tránh điều tiếng, Ban Công tác Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cần làm sớm:

- Thông tin trên báo Văn nghệ yêu cầu mỗi ứng viên nộp: (1). Tiểu sử văn học (tên tác phẩm, giải thưởng các loại nếu có) và (2). 10 bài thơ tự chọn. Tất cả chỉ cần 4-7 tờ A4 là đủ. Photocopy làm 9 bản. Ứng viên nào không nộp thì coi như tự loại mình ra khỏi Danh sách.

- Sau đó, Ban Công tác Hội viên tập hợp đầy đủ “hồ sơ” gửi cho Ủy viên Hội đồng Thơ trước tháng 9 mỗi năm (năm sau chỉ cần bổ sung «hồ sơ» ứng viên mới). Tránh tình trạng các ứng viên trực tiếp gửi hồ sơ đến các Ủy viên Hội đồng.

- Thao tác cần thiết không kém là với website sẵn có, BBT có thể lập một cột riêng để đăng «hồ sơ» ứng viên. Cho rộng đường dư luận.

- Cuối cùng, Ủy viên chỉ cần dựa trên «hồ sơ» gốc đó (nếu có các tập thơ đọc tham khảo càng tốt) mà xét tuyển.

Xét, bỏ phiếu và trách nhiệm với chính lá phiếu của mình.

Sài Gòn, 3-1-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.