Hài tết: Lượng tăng, chất vẫn… hên xui

Hài tết: Lượng tăng, chất vẫn… hên xui
TP - Đầu sản phẩm hài năm nay lên tới 20 đĩa có lẻ, trong khi năm ngoái chỉ có 8. Các đĩa hài ra mắt khán giả rả rích từ cuối tháng 12 đến 28 Tết. Nếu khéo chọn, khán giả cũng có thể tìm ra đĩa xem được, không thì đến no mắt với… quảng cáo.

Vượng 'râu' không phải số 1 thì cũng là số 2

Đĩa hài phải nói rẻ, khoảng 18.000 đồng/VCD, gốc cũng như lậu. Vậy nên nếu gia đình nào thích cười có mua hết cả tổng sản phẩm hài quốc nội năm nay về xem cũng chả tốn là bao. Vì sao khán giả lại được tạo điều kiện cười hết cỡ như vậy. Đơn giản vì hài là một món hời, mà lại không đòi hỏi cao về sản xuất.

Tất cả các đĩa hài từ dở đến không dở đều có một tiết mục giống nhau chiêu đãi khán giả. Đó là quảng cáo. Dù cho trong đĩa hài gánh rất nhiều nhãn hàng của mình, Hoài Linh trong vai Táo ông đã tự trào: “Ai tin mấy thằng quảng cáo! Quảng cáo bây giờ chỉ để trẻ con ăn bột…”. Công thức làm ăn đơn giản: Mời được quảng cáo và tên tuổi ngôi sao- được ứng dụng cả trong chương trình hài trên sân khấu vé bán tiền triệu. Như Năm rồng nói chuyện long đúng là có Chí Tài như quảng cáo thật nhưng anh xuất hiện duy nhất trong phần chào khán giả (trong vai ông Phúc)- chưa thể gọi là một tiết mục. Cũng trong chương trình này, nhân vật của Hồng Vân nhắc tên, uống và “trắng trợn” khen sản phẩm nước đóng chai tài trợ chương trình trên sân khấu.

Thôi thì đĩa giá rẻ, khán giả cũng chẳng dám kêu ca bị ăn độn. Không thích xem thì tua đi thôi. Nhưng có những tiểu phẩm hài như Học làm sang đưa thương hiệu lên làm phông nền cho các danh hài diễn trong hàng chục phút. Khán giả tiêu hóa món thương hiệu kèm với Thúy Nga và Minh Nhí nên cũng đành cố. Nhưng không có nghĩa khi đã ăn đủ từ khách hàng quảng cáo, người làm chương trình sẽ chăm lo cho chất lượng sản phẩm, mà nó có thể vẫn rất quấy quá từ hóa trang đến bối cảnh, chứ chưa nói đến chất lượng kịch bản, diễn xuất. Khán giả nhìn thấy mặt diễn viên mình ưa thích trên bìa đĩa, và bỏ tiền ra rước… quảng cáo về. Người khó tính thì cằn nhằn, người dễ tính chả thèm nói, nhưng người nào đã xem phải chắc chắn đều bị tên thương hiệu in vào đầu. Nhưng rồi rất có thể về sau khán giả ngoài để ý tên tuổi diễn viên sẽ còn để ý tên người sản xuất. Đơn vị nào đã trót mang “thương hiệu” chiều khách hàng mà bán rẻ khán giả sẽ bị cảnh giác. Vì đúng là đĩa hài rẻ thật đấy nhưng ôm hết thì có mà… rác nhà. Chưa kể vớ phải những sản phẩm thiếu i-ôt, lỡ xem có mà… hãm cả năm.

Cũng phải xin cáo lỗi với những nghệ sĩ hài nghiêm túc không sản xuất rác, nhưng đúng là sản phẩm hài của ta rất mang tính mùa vụ. Trong Tết thì cứ bật cho vui cửa vui nhà, hết Tết là giải thể. Kể cả các sản phẩm sạch sẽ về thẩm mỹ, chỉn chu về kỹ thuật, thì công thức vẫn rất cứ… giản dị. Chẳng hạn Cuộc phiêu lưu của gia đình nhà Táo với 3 sao trụ cột: Hoài Linh, Hồng Vân, Chí Tài chủ yếu vẫn là những màn đối thoại nối dài, gây cười bằng ngôn ngữ là chính. Vì thế hài Tết Việt chắc chắn chỉ dành cho người rành tiếng Việt, và nói chung cũng chỉ xem một lượt cho biết rồi thôi. Tất nhiên chẳng ai kỳ vọng các đĩa hài Tết thành những phim hài kinh điển, nên sản phẩm hài Tết của ta sẽ an phận tiểu phẩm dài dài, dù thời lượng có thể ngang cỡ phim truyện nhựa. Tất nhiên dân dựng phim chuyên nghiệp có thể cắt bớt cả đĩa đến 1/3, nhưng dại gì mà cắt. Thứ nhất đây chẳng phải phim. Thứ hai để dài, khán giả càng cảm thấy mình mua được món hời: mất ít tiền mà lại được tốn nhiều thời gian xem.

Cuộc phiêu lưu của gia đình nhà Táo có thể xem là một sự hưởng ứng của các nghệ sĩ hài phía Nam đối với Gặp nhau cuối năm của các nghệ sĩ hài Bắc. Sản phẩm cũng khơi ra khá nhiều vấn đề nổi cộm trong năm nhưng không theo hướng vĩ mô, quốc gia đại sự, mà là những hiện tượng xã hội như nữ sinh đánh nhau, thảm họa ca nhạc… Người dân miền núi cũng được các nghệ sĩ để ý. Trong đĩa có đoạn, một người dân tộc dắt bò xuống phố kiện nhà viễn thông vì tự dưng phát không cho họ điện thoại để họ gọi chán chê xong không có tiền trả cước. Nói chung xem nhẹ nhàng, vui vui. Kết thúc cuộc phiêu lưu, các vị Táo chỉ bị Tào Tháo đuổi chứ không gặp hậu quả gì nghiêm trọng.

Xuân Hinh ra ít nhất 2 đĩa hài năm nay. Xuân Hinh hài Tết đặc biệt 2012 gồm các trích đoạn hề chèo mẫu mực: Phù thủy sợ ma, Cu Sứt và Lý trưởng- mẹ Đốp. Đĩa này thì khỏi phải bàn vì hề chèo là nghề của chàng. Giả gái cũng là nghề của chàng, nên Mẹ Đốp Xuân Hinh chắc chắn chẳng giống ai. Hơn nữa, sản phẩm được thực hiện khá dụng công cùng nhiều tên tuổi làng chèo khác, nên có giá trị lưu giữ lâu dài. Xuân Hinh kén chồng gồm 2 tiểu phẩm Thị Hến kén chồng và Bắt đền đại gia. Sản phẩm này cũng được dàn dựng khá công phu, chuyên nghiệp, nhất là Thị Hến kén chồng với những khuôn hình đẹp như phim. Cũng phải lưu ý trước khán giả là sản phẩm có cảnh nóng: Thị Hến bị bóp… ngực giả. Tuy nhiên đây lại là tích chuyện quá quen thuộc, nên khán giả xem diễn xuất là chính. Bắt đền đại gia- kịch bản của NSND Doãn Hoàng Giang có lẽ là một trong vài kịch bản xem được trong rừng hài Tết năm nay- cốt truyện không bị nhai lại và khai thác đúng sở trường của diễn viên chính.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG