Huế - nơi chầm chậm cho cuộc sống dài hơn

Tái hiện bến đò Thừa Phủ (đò qua sông Hương)
Tái hiện bến đò Thừa Phủ (đò qua sông Hương)
TP - Tại hội thảo khoa học quốc tế về du lịch di sản vừa diễn ra tại Huế, một lần nữa, các giá trị văn hoá và tài nguyên thiên nhiên của Huế lại được bàn thảo để được chuyển hoá thành sản phẩm du lịch có sắc thái, thương hiệu riêng.

> Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử

Tiến sĩ Hà Bích Liên (TPHCM) đề xuất slogan cho du lịch xanh Huế: Huế, nơi trời và đất giao hòa; Nơi chầm chậm cho cuộc sống dài hơn.

Tái hiện bến đò Thừa Phủ (đò qua sông Hương)
Tái hiện bến đò Thừa Phủ (đò qua sông Hương).

Theo các đại biểu, xây dựng mô hình du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, nhằm giảm chi phí năng lượng, nước, chất thải; đồng thời phát huy tác dụng của đa dạng sinh học, hệ sinh thái. Du lịch xanh (DLX) huy động được nguồn nhân lực trong cộng đồng, gắn với nguồn nhân lực tại chỗ, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động phổ thông ở nhiều địa bàn dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giúp các điểm đến có thêm khả năng kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Khi đề nghị phát triển DLX, Giáo sư Tay Kheng Soon (ĐH Quốc gia Singapore) đưa ra mô hình Du lịch nông thị và dựa vào cộng đồng – mô hình kết hợp hài hoà cả hai yếu tố truyền thống và hiện đại.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận mô hình nông thị như là một giải pháp phát triển các đô thị vệ tinh trong tương lai. Diễn giả đưa ra hình ảnh và thuyết trình mô hình nông thị qua thực tiễn ở một số nước, trong đó có Thái Lan. Theo đó, diện tích các nông thị vừa phải, có hệ thống giao thông kết nối với các nông thị khác, với quốc lộ, tỉnh lộ, đô thị kế cận. Đường nội thị nhỏ, nhà có mái rộng ra phía lề đường để tiện đi lại khi trời mưa. Mỗi ngôi nhà đều có không gian xanh.

Người ta có thể sống, làm việc, học tập ở nông thị. Các gia đình ở thành phố có thể cho con cái về nông thị ở vài tháng trong năm, hoà nhập cộng đồng và sống thân thiện với thiên nhiên để không mất gốc văn hoá bản địa. Nông thị được sử dụng năng lượng sinh học, có khu vui chơi giải trí. Bên cạnh nông thị có resort phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan, du lịch của du khách.

Huế có ưu thế vượt trội so với các đô thị khác về di sản văn hoá và tài nguyên thiên nhiên. Không gian văn hoá của Huế rộng mở với hệ thống lăng tẩm, đền chùa, làng cổ, làng nghề truyền thống. Mỗi không gian văn hoá có những thương hiệu riêng để tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng. Dù đã được mở rộng đô thị hoá nhưng Huế vẫn là một không gian xanh, vẫn có điều kiện để phát triển xanh.

Rừng thông Thiên An
Rừng thông Thiên An.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh chỉ có thể bền vững trong môi trường nhân văn. Cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì thành phố Huế to lớn hơn trong tương lai phải là một thành phố nhân văn. Phải giữ cho được di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, làng cổ, làng nghề, nhà vườn truyền thống, nếp sống Huế… thì mới thu hút được nhiều khách du lịch bằng lợi thế của chính mình.

Nhà nghiên cứu Thái Quang Trung đề xuất xây dựng Du lịch cộng đồng bền vững; Du lịch hiếu khách và có trách nhiệm để xứng tầm với một điểm đến di sản. Theo đó, phải thúc đẩy du lịch theo nguyên tắc: Lợi nhuận đi sau cùng; bảo vệ môi trường, ý thức cộng đồng, xây dựng thịnh vượng chung phải đi trước lợi nhuận.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trải nghiệm về văn hóa bản địa ở những nước đang phát triển là xu hướng mới của du lịch toàn cầu. Dòng khách du lịch đã và đang chuyển dịch từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á, mà tâm điểm là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, có cả Việt Nam. Dòng người chuyển dịch từ Tây sang Đông là để tìm thế cân bằng. Không ít người đến Huế để khám phá chính mình, để tìm sự tĩnh tâm. Định hướng mới của du lịch Việt Nam là phát triển trên diện rộng. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là hướng đột phá mới, có ý nghĩa thời sự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG