“Việt Nam, nơi hành hương của các nhà văn Mỹ”

Các nhà văn Mỹ tại Diễn đàn văn học Việt- Mỹ tổ chức tại Huế Ảnh: Thanh Tùng
Các nhà văn Mỹ tại Diễn đàn văn học Việt- Mỹ tổ chức tại Huế Ảnh: Thanh Tùng
TP - Trung tâm William Joiner (WJC) được thành lập bởi một nhóm cựu chiến binh Mỹ. Hơn 20 năm hoạt động WJC là cầu nối quan trọng giữa các nhà văn Việt- Mỹ. Ngày 9 và 10-3 tại TP Huế nơi WJC có quá trình quan hệ rất đặc biệt, đã diễn ra “Diễn đàn văn học Việt-Mỹ- Nhìn lại và phát triển”.

> Nghệ sĩ - gánh nặng của lụi tàn và lãng quên

Phát biểu tại diễn đàn, nhà thơ Kevin Bowen, Tiến sỹ văn chương, cựu Giám đốc WJC bày tỏ: “Trong nhiều năm, những chuyến đi của các nhà văn Việt Nam tới Mỹ mang ý nghĩa “hồi phục” cho chúng tôi rất lớn.

Việt Nam đã trở nên một nơi để hành hương. Tôi không chắc là chúng tôi tìm kiếm được cái gì. Có thể là sự hiểu nhau. Hòa bình. Tình yêu. Sự mở mắt.

Điều đã thay đổi nhiều nhất, tôi nghĩ, là sự thay đổi trong cách tôi cảm nhận Việt Nam, từ một nơi của chiến tranh và những người lạ nguy hiểm trở thành một nơi giống như ngôi nhà thứ hai, nơi khích lệ và nuôi dưỡng tinh thần”.

Đầu năm 2007, trong cuộc gặp gỡ với bốn nhà thơ của WJC tại Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói: “WJC là chiếc tàu phá băng giữa lúc quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ còn đóng băng. Các bạn đã làm được nhiều việc mà ngay các nhà chính trị cũng phải ngạc nhiên.”

Lần này, trong tham luận của mình, Nguyễn Khoa Điềm đánh giá cao sự hợp tác của các nhà văn thế hệ chống Mỹ của Việt Nam và những người bạn Mỹ để bắt đầu “một hành trình sáng tạo văn học có một không hai trong thế giới hiện đại- như là những kẻ từng so gươm trong cuộc chiến, nay chia sẻ những cảm xúc văn học trong ngày hòa bình.

Những nhà văn Việt- Mỹ đó đáng được xem là những hiệp sĩ vừa quả cảm vừa độ lượng, dám đứng ra khởi xướng hành trình tinh thần gian nan của đời sống văn học hôm nay”.

WJC có vai trò rất lớn đưa văn học Việt Nam đến với công chúng Mỹ. Không kể rất nhiều bài viết riêng lẻ, đã có hơn 10 tập tuyển thơ và văn xuôi của tác giả Việt Nam được dịch và xuất bản ở Mỹ.

Theo Tiến sỹ- dịch giả Nguyễn Bá Chung, những tác phẩm này được sử dụng trong các trường đại học, là một đề tài của các nhà phê bình, và những viên ngọc trân quý cho người đọc.

Điều quan trọng, mục đích của các dịch phẩm này không phải là chính trị, mà là những tác phẩm văn hóa.

Nó nói lên một cách rõ ràng và chân thực nhất thế đứng và tâm tình của một dân tộc phải đấu tranh cho sự sống còn của mình, trong những điều kiện gian khổ và ngặt nghèo nhất.

Trong tham luận, Nguyễn Bá Chung dẫn lời nhà phê bình Denise Bazzett: “Tôi chưa bao giờ hiểu rõ lịch sử Việt Nam hơn là sau khi đọc xong tập thơ Sáu nhà thơ Việt Nam. Một Việt Nam đích thực. Một Việt Nam của những nhà thơ”.

Với nhà thơ Fred Marchant: “Thơ chiến tranh Việt Nam là thơ của dòng sông và ruộng đồng, của rừng già và mặt trăng, của núi cao và đồng bằng, của mặt đất quằn quại đớn đau.

Và, như lời của Nguyễn Duy trong bài Đất đỏ - nước Xanh, của mật ngọt bên trong. Rất ít khi nó là một tuyên truyền chiến tranh thô thiển, dù loại thơ đó có tồn tại.

Ở đỉnh cao, thơ chiến tranh này là nhân chứng cho, và làm nổi bật, tình yêu, sự chịu đựng, và cuối cùng, ước vọng hòa bình”.

Nhà thơ Robert Pinsky và nhà phê bình Edward Hirsch từng chọn ba bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ- Hương vườn, Gặt đêm, Mưa Sài Gòn, và bài Mùa Hạ của Xuân Quỳnh, giới thiệu trên báo Washington Post với lời bình: “Ngay cả những đại thảm họa gây tang tóc vẫn có thể dẫn tới những hậu quả có cơ cứu vãn, dù nó còn nhỏ và ít người chú ý. Mấy thập niên qua, các nhà thơ Mỹ và Việt Nam đã dịch thuật từ hai ngôn ngữ - không những đã kéo hai nền văn hóa gần lại với nhau, mà còn cố gắng chiêm nghiệm những ý nghĩa vẫn đang gợn sóng và diễn tiến từ cuộc xung đột thê thảm của họ trong chiến tranh”.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ khẳng định: “WJC không chỉ hoạt động thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Hoa kỳ và Việt Nam mà còn kiên trì hàn gắn sự tan nát giữa những người Việt Nam vốn đứng trong hai chiến hào đối nghịch. WJC bắt đầu công việc lớn lao mà khó khăn này từ những trái tim nhạy cảm nhất”.

Ông cho rằng: “Các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong ngoài nước nên làm nhịp cầu tiên phong xóa bỏ vết thương hận thù đau đớn đã kéo quá dài của dân tộc Việt Nam”.

Thời gian các nhà văn Việt-Mỹ sát cánh bên nhau là dài hay là ngắn? Chủ tịch Hội Nhà Văn VN Hữu Thỉnh đặt câu hỏi và khẳng định: “Là ngắn, thậm chí rất ngắn, đối với những thế lực cố tình theo đuổi chính sách thù địch. Nhưng nó là dài, và dường như không thể dài hơn được nữa, đối với những bộ óc biết nhìn về phía trước”.

Chức năng chung của WJC, thuộc ĐH Massachusetts là nhằm giúp mọi người hiểu biết về chiến tranh và hậu quả chiến tranh, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “WJC chọn văn chương làm mũi đột phá. Đó là lĩnh vực trừu tượng nhất mà cũng cụ thể và chuẩn xác nhất về sức khoẻ tinh thần của một dân tộc. Và tôi nghĩ họ đã chọn đúng”.

Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 20 hợp tác giữa nhà văn VN và Trung tâm William Joiner, các nhà văn Việt- Mỹ có dịp thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị, Khe Sanh và nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG