“Miếng ghép ngược” đoạt cúp Rồng tre

“Miếng ghép ngược” đoạt cúp Rồng tre
TPO-Tác phẩm biếm họa của họa sĩ Trần Hải Nam, bút danh N9 nhận giải Nhất ở Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần 3.
 
“Miếng ghép ngược” đoạt cúp Rồng tre ảnh 1

“Miếng ghép ngược” đoạt cúp rồng tre

Với những nét vẻ giản dị, phác họa con tê giác, nhưng sừng lại bị cắm ngược, tác phẩm gửi thông điệp tác hại dioxin làm đảo lộn cuộc sống nhiều người, mang lại hậu quả khôn cùng. Miếng ghép ngược này của họa sĩ khá mới trong làng biếm họa Việt Nam, góp với hơn 400 tác phẩm khác cùng chung chủ đề “Môi trường và biến đổi sinh thái”.

Hai giải Nhì thuộc về tác phẩm Cá hóa thạch (Nguyễn Hữu Lộc) và Giao hưởng “Dòng sông đen” của Hà Xuân Nồng. BTC trao 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Hội Nhà báo Việt Nam trao giải đặc biệt cho họa sĩ Đỗ Anh Dũng vì tác phẩm có chất lượng cao.

Qua con mắt các họa sĩ biếm họa, cá chép trong tranh dân gian Lý ngư vọng nguyệt (tuyệt tác của dòng tranh Hàng Trống) sống động, quá đẹp về hình, về màu, thâm thúy về ý nghĩa là thế bỗng... còn độc bộ xương bởi nước thải công nghiệp đen ngòm.

Bốn gã trông hầm hố, đằng đằng sát khí tay cầm dao, rìu, cưa tay, cưa máy vây quanh một cây con mới nhú lá non. Một dàn nào súng cao su, nỏ và vô số súng săn vây thành một vòng tròn chĩa vào một con chim mới ra ràng còn nằm trong tổ.

“Miếng ghép ngược” đoạt cúp Rồng tre ảnh 2

Cá hóa thạch

Ngành du lịch Việt Nam được hưởng lợi vì có họa sĩ biếm đã có sáng kiến biến các núi rác cao ngất trời trở thành các địa danh du lịch hấp dẫn.

Một bất ngờ là có họa sĩ biếm còn chế cả nhạc giao hưởng: Tuyệt phẩm có tên “Dòng sông... đen”.

Năm nay, các họa sĩ gạo cội như: NOP (Hà Xuân Nồng), DAD (Đỗ Anh Dũng), LEO (Lê Phương), Phạm Thành Chung, những người từng đoạt giải các giải lần I và lần II vẫn giữ được phong độ tốt, có nhiều tác phẩm được đánh giá cao.

Mỗi tác giả không gửi quá 5 tác phẩm, BTC nhận được tranh của hơn 100 tác giả trên khắp cả nước. Loại hình thể hiện phong phú: tranh đen trắng bằng bút chì, bút sắt; tranh màu bằng thuốc nước, bột màu, acrylic; tranh đồ họa vi tính; ảnh ghép photoshop... Khác với tranh biếm họa được đăng báo nhỏ bằng bao diêm, bao thuốc lá làm người xem đôi khi hoa cả mắt mới hiểu được ý tranh, thì với khổ tranh dự thi 29,5 x 42 cm và 42 x 59,4cm, các họa sĩ biếm họa có điều kiện để thể hiện tay nghề của mình trước công chúng.

Sau lễ trao giải, BTC tổ chức triển lãm và bán đấu giá ngay tại hè phố 61 Lý Thái Tổ để quyên góp cho quỹ “Vì nỗi đau da cam” của Thông tấn xã Việt Nam.

Theo Viết
MỚI - NÓNG