Cô bán chiếu thành Nghệ sĩ nhân dân

Cô bán chiếu thành Nghệ sĩ nhân dân
TP - Nếu Tây Nguyên tự hào có Ymoan, Siublack… thì người vùng cao phía Bắc có thể tự hào với “sơn ca” Dương Liễu.

Ở tuổi ngũ tuần, giọng ca của chị vẫn trong veo, thánh thót như tiếng chim vang ngân giữa ngàn. Dương Liễu là một trong hai ca sỹ của cả nước được vinh dự phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân đợt này.

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

"Đồng bào không chán tôi"

Vào nghề năm 1979, Dương Liễu là ca sỹ của đoàn văn công xung kích tỉnh Cao Bằng, khoác ba lô đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh. Cơ sở vật chất của đoàn không có gì, ngoài mười mấy bộ quần áo và cây đàn được nghệ sỹ cải lương Kim Cương tặng nhưng đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt.

Chị nhớ, có lần vào huyện Thông Nông, sắp đến giờ biểu diễn, Dương Liễu còn kịp gánh hộ một cụ già năm gánh nước. Cụ cảm động, nấu cơm mời Dương Liễu ăn.

Cơm vừa cạn lại nhận được lệnh rút quân, từ dưới nhà sàn chị chạy vội lên chào cụ bà, vì vội vàng đã ngã lộn xuống bậc thang nhà sàn, đi khập khiễng suốt nửa tháng.

Tình yêu chân thành, mộc mạc của khán giả vùng cao đã giúp chị bước qua mọi khó khăn trong đời sống để trụ vững với nghề. Không chỉ người già mà người trẻ cũng mê giọng hát Dương Liễu.

Đoàn văn công xung kích từng bị anh bộ đội trẻ tuổi chặn xe giữa đường chỉ vì: “Hôm qua tôi lên chốt không được xem chị Dương Liễu hát. Tôi chặn xe lại vì muốn được nhìn thấy chị, nghe chị hát”.

Nghệ sỹ không thể từ chối lời đề nghị đáng yêu như thế. Chị đã ngâm thơ, đã hát “chay” để thỏa lòng chiến sỹ. Lại một lần khác, đến một xã xa xôi, đoàn văn công được đón tiếp rất chu đáo.

Tan buổi biểu diễn, chủ tịch xã nhất định mời Dương Liễu về nhà: “Vợ đòi đi nhưng tôi không cho nó đi, nó phải ở nhà trông con vì hôm nay tôi ở đây đón đoàn. Nếu Dương Liễu nhiệt tình thì phải theo tôi về nhà, cho vợ tôi xem mặt”.

Dương Liễu đã đi bộ theo chủ tịch xã vài cây số để về nhà ông. Vợ của chủ tịch xã hồn hậu nấu cơm mời Dương Liễu. Họ cùng ăn cơm, uống rượu và hát…

Thấm thoắt đã vài chục năm trôi qua, nghệ sỹ thấy mình hạnh phúc, được nhiều hơn mất: “33 năm gắn bó với nghề, tôi không hối hận điều gì. Chưa bao giờ ý nghĩ bỏ nghề thoảng qua trong đầu. Phần thưởng lớn nhất là đồng bào không chán tôi, càng ngày càng yêu tôi hơn”.

Mới rồi về Hà Nội tập huấn, biết tin mình được phong tặng danh hiệu NSND, Dương Liễu đã ôm mặt khóc vì sung sướng, chị nói với đồng nghiệp thủ đô: “Em vui quá anh ơi, danh hiệu này không phải của riêng em nữa, mà của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng”.

30 năm vẫn “hot”

Dương Liễu sinh ra, lớn lên ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, trong bản nhỏ quy tụ nhiều dân tộc anh em nên dù là người Kinh nhưng Dương Liễu có thể nói thạo tiếng Tày, tiếng Nùng. Mỗi khi nghe chị hát, đồng bào dân tộc lại khen: “Hát đây lố” (Hát rất hay)

Vào nghề khoảng hai năm, Dương Liễu đã nổi lên như “ngôi sao” của đoàn văn công xung kích. Trên 30 năm sau, chị vẫn là giọng ca đinh của đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng.

Ít ai biết, Dương Liễu từng là cô giáo mầm non, không được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Nhưng từ nhỏ, chị đã say mê ca hát, được ông chú, vốn là người am hiểu âm nhạc, truyền dạy. Đến khi vào nghề, chị không ngừng học hỏi, bồi đắp kiến thức lấp “lỗ hổng”. Nghệ sỹ Trần Chất là một trong những người đã có công giúp tiếng hát Dương Liễu điêu luyện hơn.

Không những hát tròn vành, rõ chữ, giọng hát Dương Liễu còn đặc biệt giàu cảm xúc, như khi chị hát về quê hương: “Lên Cao Bằng chưa thấy phố phường đâu/ Đã thấy chim muông, hoa ngàn khoe sắc/ Và trên non cao, tiếng lượn nàng ới”. Nghệ sỹ tâm sự: “Nhận một bài hát tôi cảm xúc lắm. Có những bài hát khi vỡ lời, khiến lòng tôi rung lên, bật khóc”.

Một thời Dương Liễu – Xuân Ái là cặp đôi đẹp của Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Giờ NSUT Xuân Ái đã là Giám đốc Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc, còn chị vẫn bám trụ với quê hương và làm công tác chuyên môn là chủ yếu. Hỏi chị có danh hiệu, có tiếng tăm, sao không “bay xa”?

Dương Liễu bình thản: “Nếu ai có chút tài cũng ra đi thì ai đem lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào, phục vụ các lực lượng vũ trang bảo vệ biên giới, ai sẽ xây dựng quê hương?”.

Không chạy “sô” như diễn viên miền xuôi, Dương Liễu chuyên tâm phục vụ công việc của đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Là đoàn phó phụ trách chuyên môn nên công việc của chị khá bận rộn, vừa tham gia biểu diễn, vừa chỉ đạo nghệ thuật… Không nhiều nhạc sỹ nổi tiếng “quan tâm” đến Cao Bằng nên các ca khúc mới rất hiếm, gần đây Dương Liễu đã bắt tay vào sáng tác ca khúc.

Tác phẩm của chị đã được trình diễn ở sân khấu chuyên nghiệp. NSND còn hoạt động tích cực ở nhiều lĩnh vực khác. Chị là hội viên của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, thành viên Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng…

Nhìn đâu cũng thấy việc nên Dương Liễu không sợ về hưu: “Khi nào thôi đứng trên sân khấu, tôi sẽ trở về nghiên cứu dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đó là kho tàng vô giá mà hiện nay chúng ta chưa khai thác hết”.

Có gì mà xấu hổ?

Nếu nghề tay trái của nhiều ngôi sao ca nhạc hiện nay là dự tiệc, đóng phim, làm MC… thì nghề tay trái của Dương Liễu trước đây không mảy may dính dáng đến nghệ thuật. Người ta đồn chị từng bán chiếu, bán chăn bông ngoài chợ thị xã Cao Bằng. NSND cười: “Người ta đồn đúng đấy. Còn hơn thế nữa kia…”.

Dương Liễu đẹp, vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng của người phụ nữ vùng cao. Nếu sắc đẹp mang lại cho ai đó sự nhàn hạ thì với Dương Liễu, sắc đẹp của chị chỉ để cống hiến cho khán giả mỗi khi bước lên sân khấu. Nhiều người dân Cao Bằng vẫn còn nhớ hình ảnh người đàn bà đẹp bê từng rổ dưa hấu bán rong trong chợ. Người đàn bà ấy chính là chị.

Dương Liễu thể hiện rất ngọt dân ca Tày, làn điệu Sli, Lượn, Giá hai… khiến nhiều người lầm tưởng chị là phụ nữ Tày. Chị sinh ra, lớn lên ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, trong bản nhỏ quy tụ nhiều dân tộc anh em nên dù là người Kinh nhưng Dương Liễu có thể nói thạo tiếng Tày, tiếng Nùng. Mỗi khi nghe chị hát, đồng bào dân tộc lại khen: “Hát đây lố” (Hát rất hay)
Dương Liễu thể hiện rất ngọt dân ca Tày, làn điệu Sli, Lượn, Giá hai… khiến nhiều người lầm tưởng chị là phụ nữ Tày.

Có những giai đoạn Dương Liễu bán cả… cá mắm. Chị không ngại thổ lộ, từng buôn đầu chợ, bán cuối chợ. Hỏi chị có xấu hổ với quá khứ của mình không, chị cười: “Tôi không ngại. Nếu một nghệ sỹ ham kiếm sống mà bỏ nghề mới đáng tiếc. Tôi vẫn làm việc nhà, làm kinh tế nhưng vẫn đảm bảo chuyên môn tốt”.

Người ta ngạc nhiên khi thấy ban ngày gặp Dương Liễu bán hàng tươi cười niềm nở, ban đêm lại thấy chị say mê cất tiếng hát trên sân khấu. Hiện nay, Dương Liễu đã có nghề tay trái đỡ vất vả hơn. Chị mở cửa hàng cho thuê quần áo biểu diễn tại nhà: “Công việc đó vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người yêu nghệ thuật, đôi khi lại giúp được cho phong trào văn nghệ quần chúng. Thí dụ, không phải cứ gặp khách là tôi cho mượn quần áo, tôi luôn tư vấn cho họ nên mặc thế nào, họ hát cho tôi nghe, tôi thấy chưa ổn thì giúp họ sửa”.

Chồng Dương Liễu đã khuất, con gái đi học xa, chị đang sống một mình, tìm vui trong công việc. Hỏi chị bí quyết để giữ gìn nhan sắc và giọng hát, chị thật thà: “Chẳng có bí quyết gì đâu. Để giữ giọng phải giữ sức và luyện thanh. Còn với nhan sắc, tôi không có điều kiện chăm sóc nhiều. Tôi cũng làm lụng lam lũ như bao phụ nữ bình thường khác, chỉ cố gắng ăn uống khoa học, thế thôi”.

Ngồi hát ca… một mình

Nhà Dương Liễu đông anh em, ai cũng hát hay nhưng chỉ riêng chị đi theo con đường chuyên nghiệp. Thời nhỏ, chị thường được bố mẹ giao nhiệm vụ canh trộm ở vườn mía, vườn ngô.

Suốt thời gian “canh gác”, Dương Liễu hát vang, từ bài này sang bài khác, tiếng hát như tiếng hót của chim sơn ca đã khiến kẻ trộm không dám thực hiện hành vi xấu. Giờ đây, sống một mình, tiếng hát làm nguôi nỗi cô đơn của chị. Chị hát trên sân khấu chưa thỏa, lại hát một mình, khóc một mình.

Ở tuổi này chị vẫn bị ám ảnh bởi hình tượng vầng trăng và sự xa cách trong tình yêu đôi lứa. Nhiều người đàn ông âm thầm yêu mến Dương Liễu. Nhưng đàn ông đa phần yêu nghệ sỹ lại ngại gần nghệ sỹ. Với họ, người nghệ sỹ cũng như vầng trăng, đẹp lắm song vời vợi xa.

Dương Liễu không “đóng cửa trái tim” chị vẫn mong có nhiều bạn bè để san sẻ vui buồn nhưng đi bước nữa, xây cuộc sống mới thì không, chị muốn trọn vẹn thủy chung với người đã khuất và muốn dành thời gian cống hiến nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.