Sóng gió quanh 'Về điều cần nói' của Gunter Grass

Sóng gió quanh 'Về điều cần nói' của Gunter Grass
TP - Nhà văn Đức đoạt giải Nobel văn học năm 1999 đang rơi vào một vụ ầm ĩ mang tầm quốc tế vì một bài thơ của mình.

> Wislawa Szymborska - tận sống với thi ca

Nhà văn Đức Gunter Grass
Nhà văn Đức Gunter Grass.

Nhà văn Mỹ Dave Eggers vừa từ chối đến Đức để nhận giải Albatross do Quỹ văn học Gunter Grass trao liên quan đến vụ xì căng đan nhà văn đoạt giải Nobel Gunter Grass công bố bài thơ chống chính sách của Israel đối với Iran.

Trong một tuyên bố chính thức, nhà xuất bản đã ấn hành tác phẩm đoạt giải thưởng của Dave Eggers nói rằng nhà văn này từ chối đến Bremen (Đức) ngày 13-4 để nhận giải thưởng trị giá 40.000 eurovì không muốn vướng vào những rắc rối mà nhà văn đoạt giải Nobel gây ra.

Theo Dave Eggers, nếu đến, chắc chắn người ta sẽ đề nghị ông bình luận về tình huống đang diễn ra và cả quan hệ Israel – Iran, trong khi mục đích chuyến đi của ông thực ra là để thu hút sự chú ý của thế giới đối với cuộc sống của những nạn nhân cơn bão Katrina ở Mỹ.

Chính cuộc sống của các nạn nhân này là chủ đề tác phẩm “Zeitoun” của Dave Eggers mà Quỹ Gunter Grass trao giải. Trong đó kể về một doanh nhân Mỹ gốc Syria bị buộc tội có quan hệ với bọn khủng bố. Sự kiện trong sách được viết trên nền trận cuồng phong Katrina.

Sự việc bắt đầu ngày 4 - 4 - 2012 khi một số tờ báo Đức đăng bài thơ của Gunter Grass có nhan đề “Về điều cần nói” (sau đó được dịch và đăng trên những tờ báo hàng đầu thế giới The New York Times - Mỹ, El Pais - Tây Ban Nha, La Republica - Italia) với nội dung phê phán mạnh mẽ chính sách chống Iran của chính quyền Israel.

Trong bài thơ, nhà văn đoạt giải Nobel kêu gọi thế giới kiểm soát không chỉ chương trình hạt nhân của Iran mà của chính Israel. Ông lên án đe dọa của Israel tấn công Iran và gọi quốc gia Do Thái là “mối đe dọa của thế giới mong manh”.

Chính phủ Israel đã phản ứng rất mạnh. Họ tuyên bố Gunter Grass là nhân vật không được hoan ngênh và cấm ông nhập cảnh Israel, đồng thời đề nghị Ủy ban giải thưởng Nobel tước giải thưởng đã trao cho nhà văn này năm 1999.

Quyết định cấm Grass nhập cảnh Israel dựa trên đạo luật cho phép Bộ Ngoại giao Israel cấm các cựu thành viên và người đồng lõa với đảng Quốc xã Đức nhập cảnh vào nước này.

Năm 2006, trong một hồi ký, Grass đã thú nhận trong những năm cuối Đại chiến thế giới lần thứ hai, ông là thành viên lực lượng Quốc xã chọn lọc này. Trước đó, ông chỉ nhận là có tham gia quân đội Đức.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel tuyên bố rằng “nếu Gunter Grass vẫn muốn tuyên truyền các tác phẩm lừa dối của mình thì ông ta có thể làm điều đó trên lãnh thổ Iran”.

Thủ tướng Netanyahu thì nói rằng bài thơ của nhà văn Đức không nói được điều gì về Israel cả nhưng nói lên nhiều điều về con người Grass.

Hiệp hội các nhà văn Do thái ở Israel cũng kêu gọi đồng nghiệp trên toàn thế giới bác bỏ quan điểm của Gunter Grass trong bài thơ “Về điều cần phải nói”.

Hiệp hội này kêu gọi tổ chức văn bút thế giới và Ủy ban giải Nobel lên án tư tưởng của Gunter Grass. Thủ lĩnh của hiệp hội, nhà văn Herzl Hakak, gọi tư tưởng của Grass là “đáng hổ thẹn” và “phi đạo đức”.

Bởi theo ông, nó có xu hướng phủ nhận sự tồn tại của quốc gia Do Thái. Tuy nhiên, theo Herzl Hakak, bài thơ không hề có dính dáng gì tới chính trị mà nó cần phải được xem xét dưới góc độ đạo đức.

Các thành viên của Hiệp hội các nhà văn Do Thái phẫn nộ với việc Grass, một cựu thành viên lực lượng SS của Đức quốc xã lại dám phê phán Israel.

Gunter Grass cũng đáp trả lại khá kiên quyết. Ông nói rằng trong đời ông đã từng bị cấm nhập cảnh 2 quốc gia là CHDC Đức và Myanmar. Giờ đây là Israel, một quốc gia dân chủ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, nhà văn kiên quyết từ chối thay đổi chính kiến, nói rõ rằng đe dọa của Israel tấn công phủ đầu Iran là không thể chấp nhận được.

Ông còn nói không chỉ phê phán chính sách của Israel mà còn cả của chính phủ Đức, người đang bán vũ khí cho Israel. Ông chỉ thừa nhận một sai lầm là ông đã viết về Israel nói chung trong khi lẽ ra phải viết về chính phủ Israel hiện nay. Ông nói rằng, thực tế luôn có cảm tình sâu sắc với đất nước Israel.

Tuy nhiên, quan điểm của Gunter Grass gặp nhiều phản đối từ chính đất nước của ông. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle phê phán Grass đã đặt Israel và Iran vào một hàng với nhau, coi đây là một ý tưởng không thông minh và phi lý.

Phe dân chủ xã hội Đức đã chính thức từ chối sự ủng hộ của nhà văn nổi tiếng trong chiến dịch vận động tranh cử.

Một trong các thủ lĩnh của phe này là Christian Lange tuyên bố rằng không được lẫn lộn bạn thù: chính Iran đang đe dọa tiêu diệt quốc gia Do Thái chứ không phải ngược lại. Ông cho rằng tác phẩm của Gunter Grass có lợi cho cánh hữu bảo thủ ở Israel và bọn phát xít mới ở Đức.

Trong khi đó thì ngày 10-4, Peter Englund - Thư ký thường trực Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển, nơi trao giải Nobel văn học đã lên tiếng bác bỏ đòi hỏi tước giải Nobel của Gunter Grass, bởi cho rằng quyết định trao giải căn cứ chỉ trên những đóng góp cho văn học của nhà văn chứ không có căn cứ nào khác.

Xuân Sơn tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.