Văn hóa năm châu hội tụ

Văn hóa năm châu hội tụ
TP - Sau 9 ngày đêm sôi động với các chương trình nghệ thuật, du lịch, thể thao, hội thảo, giao lưu văn hoá, đêm 15-4, lễ bế mạc Festival Huế 2012 đã diễn ra tại sân khấu Kỳ Đài - Phú Văn Lâu.

Bế mạc Festival Huế 2012:

Văn hóa năm châu hội tụ

> Kinh ngạc âm nhạc vỏ lon

Chương trình nghệ thuật bế mạc lắng đọng với chủ đề Nhịp thở sông Hương. Đoàn nghệ thuật Ấn Độ, Mông Cổ, Nga diễn xuất cùng các đoàn trong nước.

Giai điệu bạn bè tại Festival Huế 2012: Đoàn Philippines (trái) và Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Tùng
Giai điệu bạn bè tại Festival Huế 2012: Đoàn Philippines (trái) và Hàn Quốc. Ảnh: Thanh Tùng.

Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển là chủ đề xuyên suốt các kỳ Festival. Với hơn 40 đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài, Festival Huế 2012 là nơi văn hóa năm châu hội tụ và tỏa sáng.

Âm vang của miền di sản Bắc Trung Bộ và các trung tâm văn hoá Thăng Long, TPHCM, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, của hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo ra một đại tiệc văn hóa đa sắc màu.

Đến từ nhiều quốc gia, nhiều vùng văn hóa khác nhau, nhưng từ kết cấu tổng thể chương trình, và ngay trong nhiều chương trình cụ thể, đã thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa, sự hội nhập để phát triển, tỏa sáng, tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại để thế giới xích lại gần nhau hơn.

Nghệ sĩ ghi ta lừng danh Paco Renterie cùng ban nhạc điện tử đến từ Mexico cháy hết mình trong các suất diễn với hai phong cách cổ điển và hiện đại.

Họ đã “nối vòng tay lớn” với khán giả Việt Nam khi hòa tấu bài Oan-ta-mê-la. Khán giả cổ vũ nồng nhiệt khi các diễn viên Hàn Quốc hát Lý ngựa ô.

Chương trình Bốn bức tranh quê của Lê Cát Trọng Lý là sự kết hợp tuyệt vời với ban nhạc Stradivra đến từ châu Âu. Walther và Camille Huyền từ Thuỵ Sĩ trở lại Festiaval Huế lần thứ hai với Trường ca Trăng (phóng tác từ những bài thơ cùng một chủ đề của Hàn Mặc Tử) dày dặn hơn.

Năm 2006, Phó An My đến với Festival Huế bằng cuộc hội ngộ đầy lý thú giữa nhạc cổ điển với ca Huế, hò Huế và các ca khúc có sự hòa quyện giữa nhạc hiện đại và chất dân ca của Phó Đức Phương.

Festival 2008, cùng Đặng Tuệ Nguyên, Phó An My tiếp tục “Phiêu thanh” cùng Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Từ Suối Mơ, Buồn tàn thu, Cát Bụi, ở trọ, Dấu chân địa đàng...

Đặng Tuệ Nguyên phóng tác những khúc hòa tấu piano để Phó An My đem đến cho người nghe những phút giây xao động mới mẻ; dẫn dắt thính giả khám phá, hội ngộ với “người xưa” bằng một con đường mới, một cuộc đối thoại đông - tây với sự kết hợp giữa piano và đàn nhị; giữa piano và trống.

Lần này là họ tiếp tục thành công với các sáng tác theo ý tưởng tạo tương phản đối nghịch nhưng hài hòa giữa piano với cải lương, chèo cổ, hầu văn, ca Huế trong chương trình Âm sắc Việt, diễn ra hàng đêm ở cung Diên Thọ.

Tương tự là hiện tượng Cỏ Lạ. Họ đã tham dự năm kỳ Festival Huế, và đều với phong cách hiện đại khi sử dụng nhạc cụ truyền thống, làm cho khán giả bất ngờ, thú vị về sự biến hóa kỳ diệu của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Festival Huế hội đủ các đoàn nghệ thuật đến từ khắp năm châu. Trong đó có những đoàn trở lại lần hai, lần ba với chất lượng nghệ thuật cao hơn và thu hút khán giả đông hơn, khẳng định sự phát triển và thành công của quá trình hợp tác, giao l­ưu văn hoá giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG