Liều với Kiều

Liều với Kiều
TP - Nàng Kiều, ai cũng biết là khổ. Ba trăm năm sau, nàng vẫn khổ. Đoạn trường ai có qua… nghệ thuật mới hay. Hết vào cải lương, vô kịch hình thể, nàng lại nhập thanh xướng kịch.

 > 'Truyện Kiều' lĩnh xướng bằng opera

Kiều vần vò í éo, Kiều uốn éo câm nín lặng thinh bất thình lình hóa thành Bồ Tát, Kiều hát giọng Ý làm tý ca trù rồi lù lù hiện lên trong nhạc rock chốc chốc quay về ngâm thơ.

Kiều có xuất xứ ngoại lai, nhưng tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du đã khiến nàng được người Việt hàng trăm năm qua chấp nhận khi đưa câu chuyện đời không mấy xuất sắc ấy sang thể thơ lục bát một cách xuất thần.

Người đọc nhớ mười lăm năm lưu lạc của Vương Thúy Kiều thì đã đành. Người ta còn mê thơ Nguyễn Du, thuộc hơn ba ngàn câu lục bát, thậm chí đọc thuộc lòng ngược từ sau ra trước, mới là điều xưa nay quá hiếm. Nếu dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân sang tiếng Việt bằng thể văn xuôi, chắc không nhiều người nhớ đến vậy.

Nay, Kiều được “dịch” sang các loại hình nghệ thuật khác, quả là những sự liều. Ừ thì dân tình ngồi vỉa hè vẫn nói: Liều mới thành Việt kiều. Bây giờ có thể nói: Liều mới làm khổ nàng Kiều.

Rất nhiều trái khoáy của đời sống văn nghệ được nói đến thời gian qua ở các hội nghị lớn, như: Không có nổi những tác phẩm đủ lớn về hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, tình hình đời sống đương đại ít được mô tả, trong khi lại có quá nhiều tác phẩm thứ cấp (hạng phái sinh, làng nhàng, ăn theo).

Những thứ ăn theo lúc nào cũng có, nơi nào cũng có, nhưng một khi nó quá đông đảo như hiện nay, thì phải chăng sức khỏe của văn nghệ đang có vấn đề? Lẽ nào đang có phong trào gán tên mình vào những tác phẩm lớn bằng cách ăn theo? Ba trăm năm sau, tìm kiếm từ khóa Thúy Kiều trên Internet, người ta sẽ thấy tên Nguyễn Du và cả tên những ông những bà lạ hoắc đứng bên cạnh?

Khán giả sau ba trăm năm sẽ càng khóc Tố Như nhiều hơn bởi những thể nghiệm của nghệ sỹ đủ loại hình ở Việt Nam chỉ làm rõ thêm một điều: ông là mãi mãi và duy nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG