Mẹ không có mặt

Một số chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng tại triển lãm “Nét vẽ tri ân” của họa sĩ Đặng Ái Việt: Mẹ Lê Thị Đời ở Đồng Xoài, Bình Phước (trái), mẹ Quàng Thị Pháng, dân tộc Thái, Sơn La (phải)
Một số chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng tại triển lãm “Nét vẽ tri ân” của họa sĩ Đặng Ái Việt: Mẹ Lê Thị Đời ở Đồng Xoài, Bình Phước (trái), mẹ Quàng Thị Pháng, dân tộc Thái, Sơn La (phải)
TP - Mẹ không có mặt ở triển lãm này, nhưng tôi lại thấy hình ảnh bà vẫn quanh quẩn đâu đây…

> Chạy đua với thời gian để vẽ các mẹ

Thằng Thái con trai mẹ là bạn chăn trâu với tôi suốt tuổi thơ. Nó mặt vuông chữ điền, da trắng trẻo, khi nhập ngũ nó đã ra dáng thanh niên, vai rộng bụng thon sáu múi cơ, như người tập thể hình.

Có lí do, nó là thằng bơi giỏi nhất trong hội trẻ trâu chúng tôi. Ngày nào nó cũng vùng vẫy một hai giờ đồng hồ trên vực ông Bay ở dòng suối Điệp nên người nó đẹp như thế, dù chỉ cơm rau muối chấm tương.

Nó nhập ngũ lứa đầu, vào binh chủng thông tin. Sau mấy tháng huấn luyện, nó trong đội quân đi B đợt đầu. Một lá thư ngắn viết từ Cao Bằng cho biết nó đã lên đường.

Rồi sau đó là bằn bặt năm tháng.

Không một dòng thư, không một thông tin gì.

Mấy năm sau có bà mẹ dắt theo cô con gái tìm đến nhà nó, hỏi thăm tin tức. Được biết đó là cô gái với nó đã có lời hẹn ước. Cô cũng như bà cụ Phầu mẹ nó, không hiểu nó ở đâu.

Rồi đất nước cũng đến ngày thống nhất.

Năm năm…mười năm…mười lăm và hai mươi năm sau.

Ông bà không nhận được giấy bảo tử của con nên vẫn nuôi hi vọng. Rồi ông không chờ được đến ngày con về, đành đem theo hi vọng vào lòng đất.

Bà cũng như ông, cũng thắc thỏm hi vọng mong manh. Mỗi lần về quê, tôi ghé thăm, nước mắt bà lại chảy ròng: “Thằng Thái nhà mẹ bao giờ nó về anh giúp tôi tìm vợ cho nó nhé…” .

Tôi không biết nói gì, ngồi mép phản tìm cách lái sang câu chuyện sang hướng khác. Rồi nước mắt làm mắt mẹ mờ dần theo thời gian đến khi cạn hẳn thì bà không nhìn thấy gì nữa.

Những lần sau đó về thăm, tôi phải đánh tiếng mẹ mới nhận ra. Nước mắt không còn để chảy nữa nhưng bà vẫn nuôi hy vọng thằng Thái còn sống. Bà bảo chưa có giấy báo tử là nó còn sống, chỉ lưu lạc đâu đó thôi.

Rồi bà kể chuyện năm đói bốn nhăm, đi ăn mày lưu lạc từ năm sáu tuổi mà sáu bảy mươi năm sau anh em còn tìm được nhau. Đằng này mới mấy chục năm.

Cuối cùng mẹ cũng không chờ được đến ngày Thái trở về. Mấy năm sau gặp anh trai của Thái, tôi mới biết gia đình vừa nhận được giấy báo tử. Nhưng cũng không xác định hi sinh ở đâu, chỉ ghi chung chung mặt trân phía Nam.

Hôm nay vào xem triển lãm trên 300 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng do nữ họa sĩ cao niên Đặng Ái Việt bày tại Bảo tàng Phụ nữ, tôi lại nhớ mẹ thằng Thái bạn tôi.

Thái con bà cũng là lính, hi sinh trên đường ra mặt trận nhưng rồi đến khi nằm xuống bà không được biết mình là mẹ liệt sĩ. Để yên lòng gia đình, sau hai mươi năm chấm dứt chiến tranh, cấp trên thay thông báo mất tích thành liệt sĩ. Tất cả chỉ có thế.

Lòng tôi bất giác chùng xuống khi đi qua trên 300 trong số 800 gương mặt bà mẹ Việt Nam anh hùng trải trên 61 tỉnh thành mà chị  Đặng Ái Việt vẽ được mấy năm qua.

Tôi bỗng có cảm giác thấy hình ảnh mẹ thằng Thái đâu đó trong số chân dung đang trưng bày. Mẹ cũng anh hùng như bất kì người mẹ nào có con ra chiến trường.

Bà không có mặt ở triển lãm nhưng tôi lại thấy hình ảnh bà vẫn quanh quẩn đâu đây…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG