Gia đình - loạt trò khổ sai

Gia đình - loạt trò khổ sai
TP - “Một gia đình thì để làm gì? Để chia tách nhau. Gia đình là một loạt trò khổ sai, một đám những con người biết bạn từ quá sớm, khi bạn chưa xong xuôi được gì. Gia đình, đó là một nhóm người không sao giao tiếp được với nhau, nhưng khi cắt đứt lại rất ồn ào”.

> Cái kính của gã bạn trai cũ

Đoạn văn trên nằm trong cuốn Một tiểu thuyết Pháp của Frédéric Beigbeder. Tay nhà văn Pháp ngỗ ngược, “vớ vẩn” trong mắt công chúng và nhiều đồng nghiệp, đã viết những lời ráo hoảnh, thẳng thừng, thật đến sửng sốt về gia đình- thứ mà người ta luôn bao bọc bằng một đống tình yêu, dù trong thâm tâm họ biết rằng, một gia đình chẳng bao giờ tồn tại chỉ với tình yêu.

“Cuộc đời bắt đầu khi người ta rời khỏi gia đình”- Beigbeder đúc kết, “cuộc đời chia ra làm hai nửa: nửa đầu là sự nô lệ, và người ta dùng nửa thứ hai để quên đi nửa đầu”.

Một tiểu thuyết Pháp là tiểu thuyết kiêm tự truyện của Beigbeder, trong đó ông mô tả mình như một đứa con bất trị và thất bại của gia đình. Không khó khăn để người ta quy kết những gì Beigbeder viết về gia đình là lời lẽ của một kẻ bất hiếu và yên tâm quên nó đi.

Nhưng người viết bài này có linh cảm, phần lớn độc giả, dù là con ngoan hay con hư, đều sẽ đồng cảm với Beigbeder, ít hoặc nhiều. Bản thân Beigbeder cũng yêu các thành viên trong gia đình mình nhưng nhận định là nhận định, ông từ chối thiên vị.

Bản thân có bố mẹ ly dị, đến lượt mình, ông cũng trải qua hai lần ly dị, đến nỗi dị ứng với “đời sống gia đình”.

Cuộc đời của Beigbeder có hai nét chính đáng lưu ý: Cuộc ly dị của bố mẹ và nỗi mặc cảm luôn kém cỏi hơn người anh trai của mình. Cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ dẫn đến Beigbeder cùng anh trai phải di cư liên miên suốt tuổi thơ. “Rồi bố mẹ chia tay nhau, người ta gặp bố ít hơn, kỳ bí chưa: Một nửa gia đình biến đi đâu mất”, nhà văn viết.

Chúng ta đều lờ mờ biết những đứa trẻ thường xuyên chuyển nhà thiếu thốn bạn bè như thế nào và việc sống xa bố hoặc mẹ để lại trong tâm hồn chúng những lỗ hổng như thế nào. Nhưng đó không phải lý do chính khiến Beigbeder trách cứ bố mẹ.

Ông trách họ ở chỗ đã làm cho mọi thứ có-vẻ-như-là-rất-ổn (để tránh cho hai đứa con khỏi thương tổn tâm lý) trong khi thực tế là chẳng-có-gì-ổn-cả. Bà mẹ giải thích “bố quá bận rộn” trong khi những đứa con đều biết rằng “vì mẹ yêu người khác”.

Hình như rất nhiều lần, những ông bố bà mẹ của chúng ta quên rằng con cái cũng là người và sẽ đến lúc đủ lớn để phải tự đối đầu với những sự việc gây tổn thương. Sự bảo bọc của họ không gì khác chỉ là lời nói dối đẹp đẽ, tiếc là, điều một con người (nên) hướng đến, bao giờ cũng là sự thật, dù kém
đẹp hơn.

“Em trai của kẻ trước đó”, Beigbeder tự gọi mình như vậy- dám chắc ông không phải là người duy nhất. Có một người anh hoàn hảo trong nhà đồng nghĩa với việc cả đời bạn vào vai phụ.

Tất cả mọi thứ bị đưa ra so sánh với anh và tất nhiên bạn thua kém. Khi bạn ngắm nhìn các cô gái, các cô lại bận ngắm nhìn... anh bạn. Vào buổi tối khi người anh thành đạt hay tin được Bắc đẩu bội tinh, bạn bị tống vào nhà đá vì tội dùng ma túy nơi công cộng.

Nhà văn mô tả mối quan hệ này bằng giọng văn u uất nhưng hài hước, tự trào, có lẽ là trung thực, dường như muốn độc giả bối rối không biết cảm nhận thế nào cho phải.

Việc vào tù cũng là một bước ngoặt. Trong xà lim, Beigbeder, chẳng có việc gì để làm, đành lục lại ký ức tuổi thơ, thứ mà anh ta cố tình chôn vùi bao lâu nay. Nhờ đó mà Một tiểu thuyết Pháp mới ra đời.

Cuối cùng, dành cho những ai thắc mắc về tên của cuốn sách, chẳng hạn như “Nó điển hình đến mức nào mà tự vận vào mình cái tên Một tiểu thuyết Pháp?”.

Thực ra, “tiểu thuyết” ở đây không nói về một cuốn sách. Theo Beigbeder, cuộc đời của một người Pháp, ở đây cụ thể là ông, xứng đáng là một cuốn tiểu thuyết. Một tiểu thuyết Pháp = một cuộc đời Pháp.

Tôi thì nghĩ, không chỉ ở Pháp, mà cả ở Việt Nam, hay bất cứ nước nào khác, một cuộc đời dù nhàm tẻ nhất của một con người, đủ làm nên một tiểu thuyết cực hay. Nếu ta không thể viết về đời mình như Beigbeder thì đành trông cậy ở những cây bút có tài.

Frédéric Beigbeder (sinh1965) là nhà văn, nhà phê bình. Ông thừa nhận hầu hết tác phẩm của mình đậm chất tự truyện. Một tiểu thuyết Pháp là tác phẩm mới nhất của ông, đoạt giải Renaudot năm 2008- đối thủ cạnh tranh của giải thưởng danh giá Goncourt. Khác với nhiều nhà văn Pháp đương đại, Beigbeder có thiện cảm với những người cộng sản và Đảng cộng sản Pháp. Trong mắt ông, họ là những nhân vật lãng mạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.