Nhà Văn

Nhà Văn
TP - Đáng lẽ câu chuyện không có gì để kể ra, nhưng sáng hôm nay tôi đến quán cà phê đó không thấy ông ta và lòng nghe thiếu vắng. Hỏi thăm mấy người trong quán nghe đâu ông đau ốm gì đó nặng, chắc mất rồi. Tự dưng muốn khóc, tôi chưa nói với ông câu nào cả bây giờ lại ra đi như vậy là sao.

> Suối nguồn

Tranh minh họa: lê trí dũng
Tranh minh họa: lê trí dũng.

Hết biết cuộc đời nhỏ hẹp này, lòng người mênh mông chi xứ hèn chi nó không bao dung nổi. Thế là hết! Tôi chưa kịp chào một câu, chưa kịp hỏi đại loại ông làm gì mà ngồi loay hoay những ngón tay trên bàn phím đến nỗi không biết đến người đàn bà đẹp ngồi ngay bên cạnh.

Mà cũng không chắc, có lần tôi hỏi, máy tính của ông có dùng wifi không? Ông chỉ ngước mắt nhìn tôi một chốc rồi cười, xin lỗi cô tôi đang làm việc chứ không truy cập Internet.

Như vậy có thể xem là đã chào hỏi nhau chưa? Tôi chịu, ba năm trời ngồi cùng một quán cà phê chỉ có hai người ngồi một góc có lẽ phải nhiều hơn trăm ngàn lần như thế.

Cả trăm người muốn chào tôi một câu cho buổi sớm mai thêm thi vị, còn ông ta thì phớt lờ. Chắc thế nên tôi mới là người thèm bắt chuyện.

Chừng ấy thời gian tôi thấy duy nhất một lần ông ấy cười. Đó là cái lần ông chở ba thằng nhóc đến quán. Trong ba thằng nhóc đó hai thằng chừng 6, 7 tuổi gọi ông bằng ba còn thằng lớn hơn chừng mười tuổi gọi ông ta bằng cậu.

Đó là một buổi sáng nhộn nhịp nhất ở cái thị trấn này. Mấy con người đó thi nhau nhìn cá rồi làm cần câu câu cá. Trông ông ta cười ngây ngô quá! Vậy mà khi ngồi bên bàn phím khuôn mặt ấy kiểu như người ta rút xác làm văn chương.

Cũng tiếc lắm ở buổi sáng hôm ấy. Vì nếu tôi bước chân xuống đó và hòa vào cuộc vui của họ chắc giờ tôi đã biết ông ta tên gì, sống ở đâu và làm gì. Nhưng do ông ấy thả nụ cười ra để một con người như tôi bắt được nên mới ngồi ngây dại cho đến buổi sáng hôm nay.

Sáng thứ bảy, quán cà phê biết bao nhiêu là khách nhưng không đủ che lấp khoảng trống ông ấy từng ngồi. Chiếc ghế đó nằm ở một góc hòn non bộ có mấy cái cây đa thả bóng xuống mặt hồ. Chỗ ông ấy ngồi bây giờ đã có nhiều rễ cây cứu sinh phủ gần hết.

Bà chủ quán không dẹp đi cái chỗ đó, bà để thắp nhang như cái kiểu người ta thờ vọng. Bà bảo rằng đôi lúc cũng nhớ người đàn ông ấy. Ba năm tròn ông ngồi đó với hai cốc cà phê vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Ông ấy hí húi viết rồi xin thêm điếu thuốc cốc trà. Chủ quán lẳng lặng bưng đồ đến rồi lẳng lặng đi không muốn làm phiền, mặc dù lòng thì muốn nói vài câu chuyện.

Thì ra đâu chỉ mình tôi nhớ về ông ấy, ở xung quanh đây có biết bao nhiêu người nhớ, bao nhiêu người nhắc mặc dù ông chưa từng nói với họ một câu nào.

Cũng hạnh phúc lắm chứ, tôi tự hỏi lòng mình không biết mai này tôi rời khỏi nơi đây có ai nhắc đến tôi không. Chắc có, một vài người từng mê tôi đẹp hoặc cho rằng tôi chảnh.

Chủ nhật, chạy quanh co một vòng rồi tôi quay lại quán cũ, vẫn ngồi chỗ cũ. Đốt lên điếu thuốc đầu tiên trong đời để tưởng tượng về ông ấy. Thì ra khói thuốc cuộn lên trời rất đẹp. Hèn chi mỗi lần nhả khói tôi thấy ông hay ngước lên nhìn một hồi thật lâu sau đó mới cúi xuống bàn phím.

Tôi nhớ gương mặt ông ấy đến lạ lùng. Tưởng chừng như người đàn ông đó là một nửa của tôi trong cuộc đời không thay đổi. Tôi đưa tay chạm hai cốc cà phê đen mà lòng đang run rẩy. Quấy xong hai cốc cà phê đen rồi trộn nó vào với nhau kế đến là cho vào cốc một viên đá theo cách của ông ấy.

Tôi nghe mắt mình nhưng nhức rồi giọt nước mắt đã trào ra. Nước mắt cho người dưng trong cõi phù phiếm. Nghĩ ra thì mình cũng phóng khoáng cho cuộc đời này. Hay nói đúng hơn là cho người đàn ông đó.

Ông ta ngồi im mà được hạnh phúc còn mình cứ đảo mắt liên hồi nên nước mắt mới trào ra. Lòng nghe nghẹn, mắt nhưng nhức, tim nhói đau… một ngày chủ nhật trôi qua dài lê thê như cái thủa đợi tàu, chắc hơn thế vì một ngày đã trôi qua nhưng không thấy ông ta đến. Chuyến tàu thì có dù muộn mằn, dù nhọc nhằn cũng mang tôi theo.

Tốt nghiệp một ngành kỹ thuật nên tôi không biết nhiều đến văn chương, đôi lúc lại còn thấy ghét. Kiểu đời gì mà đi chơi với chữ, viết xong để người ta đọc rồi thì ai tự sắp đặt cho mình một cuộc rong chơi trên đường người suy ngẫm.

Có mấy lần nhìn mặt ông ấy bạc phếch và tóc lốm đốm hoa râm tôi cười khẩy, chữ cũng từng ăn máu. Thì suy nghĩ kiểu nát óc đến bạc tóc thê lương để viết ra mấy câu văn nên mới thế. Không biết có nên chè cháo gì không chứ nhìn mặt ông tôi thấy khổ. Kiểu như vợ đá ra đường hay người tình cắm lên đầu một cái sừng trâu. Hùi, chán thế mà tôi lại nhớ, chán thế mà tôi lại thương vô duyên đến quê kệch.

Con bạn tôi mới thông báo ly hôn ông chồng nhà văn còn tôi ra đây si tình trong ý nghĩ. Được rồi Nhung, mày sẽ quên ông ta thôi mà. Cái ý nghĩ rồi mình sẽ quên đi một người đầy thú vị, tôi bắt đầu cho cuộc thử nghiệm này vào một ngày.

Cuối tuần, tôi không đến đó. Chôn chân ở nhà bên cốc cà phê tự pha chế, đốt mấy điếu thuốc liền tù tỳ. Khói thuốc phủ trong làn nhạc sàn cực sốc. Tôi bị kích động và đứng lên nhảy một mình. Tôi uốn mình cho cong vào trong không gian, cho hình hài này bốc cháy trong tự thân của nó.

Tôi nhả khói thuốc lên và tôi như sững người lại. Ông hiện ra trong làn khói từ môi tôi với nụ cười ngây ngô, đôi mắt biết nói và mái tóc hoa râm đầy ma mị. Tôi thất bại khi đưa tay tắt đi bản nhạc, tôi ngồi xuống rồi chuông điện thoại réo lên.

- Nhung, sao em không đến quán, ông nhà văn của em ngồi ở đây suốt sáng nay.

Và tôi điên loạn lên trong điện thoại, tôi quát mắng bà chủ quán, tôi trách móc và rồi tôi hận điên lên. Chỉ có thể là bà ta ích kỷ cho riêng mình nên mới không gọi tôi. Chỉ có bấy nhiêu thôi mà bà ta nỡ làm tôi vỡ vạc.

Tôi dắt xe ra cổng rồi chạy nhanh một mạch đến quán. Nhưng rồi bà ta xin lỗi, chị nhầm. Sao bữa nay người ta giống nhau thế, giống nhau như đúc em à.

Chủ nhật, tôi quyết định đến đây từ sớm để xác minh lại con người ngày thứ bảy. Người đó đến và nói năng rộn lên trong quán, gã cũng hút thuốc nhưng không nhìn trời, gã uống cà phê có cho sữa và tóc cũng hoa râm. Gã là nhà văn chồng mà con bạn tôi vừa mới ly dị.

Tôi hút thuốc rồi nhả khói lên trời, gã nói đợt này gã sẽ vẽ tranh và mời tôi làm người mẫu. Tôi phì cười đến một hồi không ngớt và gã bỏ đi nhìn tôi như một kẻ dở người. Tôi cảm ơn vì gã đã ngộ ra được điều đó. Lần hồi rồi tôi cũng điên lên vì không gặp được ông ấy, bây giờ đây lòng tôi cũng nghe ngô nghê rồi.

Tôi quyết định ra nước ngoài theo một chương trình sau đại học với sự hỗ trợ học bổng của tỉnh. Ngồi trên máy bay nhìn mây trôi như khói thuốc quay tròn quanh mình. Ở bên mây mà lòng nghe nhớ mây, nghe nhớ điếu thuốc với khói bay lên trời, nhớ hai cốc cà phê đen trộn vào trong ý nghĩ.

Hôm nay là thứ bảy, tuần trước tôi đang phấp phỏng với nỗi nhớ về ông. Tôi lao xe đi để mong một lần nữa được gặp. Đi chuyến này chắc lâu mới về chốn đó. Tôi nghe không gian quanh mình dãn ra để cho những nỗi nhớ từ trong khe đó bốc lên ngùn ngụt.

Nhà Văn ảnh 2

Suốt cả một hành trình dài đến khi đáp xuống sân bay tôi không thôi nghĩ về ông. Thì ra tôi đã sai lầm khi trốn chạy để không còn nhớ. Và ông ở quanh tôi, ông ở trước mặt tôi nhìn tôi cười ngây ngô với mái tóc lốm đốm bạc. Tôi không còn hút thuốc nhưng vẫn giữ thói quen uống cà phê, hai cốc cà phê đen cho một lần và nhiều người nhìn tôi có vẻ khang khác.

- Bạn uống cà phê kiểu như nhà văn Du Hướng ấy.

- Nhà văn Du Hướng?

- Ồ, ông ta ở quê hương bạn mà. Ông ấy nổi tiếng và nhiều bạn trẻ nước tôi biết đến.

Rồi anh ta chìa tấm hình anh ta chụp chung với nhà văn Du Hướng ra. Tôi không thể nào rời mắt khỏi tấm hình. Đó là ông, con người mà suốt hành trình dài tôi vẫn không sao không nghĩ đến.

Tôi lên Internet mỗi hôm để tìm hình ảnh của ông, để đọc những bài viết về ông và những câu chuyện ông viết ra. Tôi tò mò không biết bao nhiêu câu chuyện đó có hình ảnh của tôi không, chí ít là của quán cà phê nơi ông hay ngồi viết. Đọc đến câu chuyện thứ 115 rồi mà không nghe có gì phảng phất đến chốn xưa, tôi thấy lòng người vô tình như nước lũ. Và tôi tắt máy tính.

Anh bạn nước ngoài của tôi đến và đưa tôi một tập sách. Tập này của Du Hướng được dịch sang tiếng Nga, trong đó truyện “Người con gái và cây cứu sinh không tuổi” là truyện được đánh giá xuất sắc nhất. Anh ta nói tặng tôi.

Và tôi bước ngay đến trang có câu chuyện đó. Tôi gặp lại tôi, gặp lại ông, gặp lại bà chủ quán cùng nhiều con người muôn năm cũ trong cái quán cà phê đó. Thì ra ông ngồi lặng im và nghe được tất cả tấm lòng của những người thường qua lại. Ông còn nhìn thấu được sự nhú ra của từng chiếc rễ phóng sinh nơi tôi ngồi.

Ông còn đọc được những suy nghĩ của tôi trong buổi sáng ông chở ba thằng nhóc đến. “Nếu cô gái nghĩ rằng cô là mẹ của các con tôi thì tôi không muốn mình là cha của tụi nhỏ. Vì rằng trong cuộc đời tôi khổ và kéo theo những nỗi đau còn cô ấy mắt trong xanh như ngọc, tôi không muốn làm đục đi ánh mắt đó…”.

Tôi đã khóc giữa nước Nga xa xôi trong đêm lạnh. Tôi nhớ về ông hơn lúc nào hết trong cuộc đời của mình đến lúc này hiện tại. Ông đã biết tất cả tấm lòng của tôi mà không hề nói một câu nào, cũng không hề ngoái đầu nhìn tôi, không hề bỏ đi làn khói đó để nhìn tôi dù chỉ một khắc.

Nhưng sao ông biết mắt tôi trong xanh, sao ông có thể biết từng chùm rễ phóng sinh ở chỗ tôi nhú ra từng tí một. Có thể tôi không nhìn thấy ông khi ông nhìn thấy tôi, hoặc giả ông chỉ nhìn tôi trong tưởng tượng… tôi không biết.

Trở lại quê hương nơi tôi đến trước tiên là quán cà phê đó. Vừa bước chân vào quán chị chủ quán ríu rít trò chuyện với tôi và không quên đá mắt về phía ông.

- Nhung, em xem ai kìa. Nhà văn của em đích xác. Chị hỏi rồi, tên Du Hướng. 43 tuổi, mới đi giảng dạy ở Nga về cơ đấy, em có gặp ông bên đó không…

Và tôi ngồi xuống chỗ cũ, tôi quấy đều hai cốc cà phê và châm một điếu thuốc. Lòng tôi trống không như cái ngày con người chưa hề lo âu suy nghĩ. Tôi nhìn ông mà lòng thấy thương lòng. Nếu giờ đây ông bắt đầu câu chuyện của ông thì tôi sẽ không biết bắt đầu câu chuyện của tôi từ đâu cả. Vì câu chuyện của tôi đã kết thúc ở chỗ gặp ông rồi.

Truyện ngắn của
Hoàng Hải Lâm

Một nhà văn có thể rất khác trong tư duy, chiêm nghiệm và hành xử ngoài đời thực. Một nhà văn cũng có thể gieo rắc những ảo tưởng, ảo giác và nghịch lý thay, ảo có thể còn thật hơn cả sự thật; và sự thật khi quá rõ ràng, lại vô cùng sống sượng.

Truyện ngắn “Nhà văn” đã nói được điều không dễ nói này.

Hoàng Hải Lâm tên thật: Hoàng Văn Tiến, sinh năm 1979, anh là một nhà văn trẻ giàu tiềm năng không chỉ của Quảng Trị. Hiện anh làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG