Quyền lực văn hóa và những lo toan

Quyền lực văn hóa và những lo toan
TP - “Tôi không muốn nói về giải Nobel, vì mỗi từ tôi nói đều sẽ bị chỉ trích. Rất nhiều người chỉ trích các nhà văn Trung Quốc vì quá khao khát Nobel, và tôi bị chỉ trích hơn bất cứ ai”, trang Western Metropolis Daily trích lời Mạc Ngôn nói trước khi có công bố ông được giải Nobel.

> Nhà văn Mạc Ngôn 'khuấy động' Nobel Văn học

Mạc Ngôn trả lời báo chí ở Cao Mật tối 11-10. Ảnh: Reuters
Mạc Ngôn trả lời báo chí ở Cao Mật tối 11-10. Ảnh: Reuters.

Quyền lực văn hóa mà Trung Quốc mong muốn

Tờ New Yorker nhấn mạnh, đây là sự vinh danh đối với một sự nghiệp sáng tác được xây dựng trên một nơi có rất nhiều ràng buộc đối với người cầm bút, và “hy vọng là, nó sẽ giúp giảm bớt chứng hoang tưởng và tự cho mình là nạn nhân như cách một vài trí thức Trung Quốc vẫn nghĩ về vị trí của họ trên trường quốc tế”.

Giải Nobel này, chính xác là biểu tượng của thứ quyền lực văn hóa mà Trung Quốc vẫn luôn khao khát.

Người phương Tây đã nhìn ra từ lâu, thậm chí còn viết cả sách nói về “niềm khao khát cháy bỏng” hay “nỗi ám ảnh” này của Trung Quốc.

Đó là cuốn The Politics of Cultural Capital: China’s Quest for a Nobel Prize in Literature của Julia Lovell - một nhà văn kiêm nhà báo người Anh, chuyên nghiên cứu và viết về Trung Quốc.

Trong cuốn sách của mình, Lovell viết: “Việc nhà văn gốc Trung Quốc mang quốc tịch Pháp Cao Hành Kiện giành Nobel vào năm 2000 không đủ làm Trung Quốc thỏa mãn. Nỗi ám ảnh vẫn chưa được giải tỏa”.

Tờ báo lớn People Daily của Trung Quốc viết: “Mạc Ngôn đã thắng giải Nobel văn chương! Đây là lần đầu tiên một nhà văn Trung Quốc giành giải Nobel văn chương. Giới văn chương Trung Quốc đã đợi quá lâu. Người Trung Quốc đã đợi quá lâu”.

Không một lời nhắc Cao Hành Kiện, người giành Nobel vào năm 2000 khi đã đổi sang quốc tịch Pháp. Tác phẩm quan trọng của Cao Hành Kiện là Linh sơn cũng bị cấm xuất bản ở Trung Quốc.

Trích dẫn từ Viện Hàn lâm Thụy Điển: “Thông qua sự kết hợp giữa huyền ảo và hiện thực, các quan điểm lịch sử và xã hội, Mạc Ngôn đã dựng nên một thế giới phức tạp gợi nhớ đến các sáng tác của William Faulkner và Gabriel García Marquez, cùng lúc đó, ông tìm ra xuất phát điểm từ nền văn học cổ điển và truyền miệng của Trung Quốc”.

Rất nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng Mạc Ngôn cũng giống như nhiều tác giả Nobel khác, không được biết đến nhiều ở bên ngoài biên giới nước mình, nhất là ở phương Tây.

Ở Trung Quốc, ông là nhân vật lớn trong nền văn học đương đại, có tác phẩm được phổ biến rộng rãi, cùng với các đồng nghiệp như Dư Hoa, Tô Đồng và Vương Sóc.

Giá trị văn chương lu mờ trước ồn ào danh tiếng

Đó là cảnh báo của một tờ báo Trung Quốc về cách tiếp nhận tác phẩm văn chương của công chúng nước này, không riêng với văn Mạc Ngôn.

Không nằm trong luồng ý kiến ngợi ca và hy vọng, tờ Western Metropolis Daily chỉ trích công chúng Trung Quốc chỉ chú ý đến khả năng được đề cử và chiến thắng của Mạc Ngôn, hơn là tập trung vào giá trị các tác phẩm của ông.

Mở rộng ra, là các tác phẩm văn học lớn của Trung Quốc. “Bất chấp việc nhiều cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và có doanh thu tốt, vẫn có rất ít cuốn tạo được dấu ấn không thể xóa nhòa cho nhiều thế hệ”.

Sau khi Mạc Ngôn giành Nobel, độc giả Trung Quốc đổ xô đi mua sách trên mạng. Có người phát biểu, đến lúc này mới cảm thấy chưa đọc Mạc Ngôn là đáng hổ thẹn. Hành động này phần nhiều là chạy theo danh tiếng hơn là nhận ra và trân trọng một giá trị.

Thêm vào đó, tờ báo cho rằng, ảnh hưởng của giới phê bình văn học, một trong những động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn học, đã bị giảm mạnh những năm gần đây.

Hầu hết người Trung Quốc đều tự hào khi hay tin Mạc Ngôn chiến thắng. Tuy nhiên, một giải thưởng dành cho cá nhân không thể đại diện cho cả nền văn học .

Tờ báo kêu gọi, công chúng phải chờ đợi để nhìn nhận thành công của Mạc Ngôn là một điều ngẫu nhiên hiếm gặp hay có thể lặp lại trong tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG