Sông quê

Sông quê
TP - Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ ven đê, nơi ấy có con sông hiền hòa yêu dấu. Dòng sông này đã gắn với tôi rất nhiều kỉ niệm.

> Tấm da trời

Minh họa: H’Bao
Minh họa: H’Bao.

Khi còn nhỏ, tôi thường dậy rất sớm, theo mẹ ra sông. Sáng nào mẹ cũng gánh rau sang thành phố, tôi ngồi đợi đến khi nào chiếc đò ngang cập bến tôi mới quay về nhà làm nốt những công việc được mẹ giao trước khi đi chợ.

Nhà chỉ có hai mẹ con, từ nhỏ tôi chẳng biết bố mình là ai, nhiều lần tôi đã gặng hỏi nhưng lần nào mẹ cũng khóc, nên tôi đành im lặng.

Tôi biết mẹ cũng có nhiều nỗi khổ tâm. Có một lần, tôi phản ứng bằng một cú đấm. Đó là một buổi chiều khi tôi đang lê lết khênh một bao tải cỏ vẫn còn nặng nước từ sông lên thì ba thằng cùng trang lứa đứng chắn ngang đường tôi đi, một thằng to béo hét tướng lên: “Đánh cho cái thằng đen như chấy này một trận, nó khinh bọn mình”.

Tôi vẫn cứ bước qua, lầm lũi không để ý đến mọi việc xung quanh, tức thì một thằng đấm một quả trời giáng vào lưng tôi, nó cười khoái trá: “Thằng không cha, cứ đánh đi không sợ đâu”. Nó vừa nói xong, tôi đã cho mỗi đứa một cục gạch vào đầu, chúng ôm đầu vừa khóc vừa chạy.

Buổi tối, sau khi chuẩn bị cơm nước tươm tất tôi chạy ra bến đò ngóng mẹ. Đã năm chuyến đò sang bên này mà mẹ vẫn chưa về, lòng tôi như lửa đốt, cứ phải đứng gần đò xem từng người bước lên nhưng mãi vẫn không thấy bóng dáng mẹ đâu.

Tôi ngồi phệt xuống cát đợi, cuối cùng mẹ cũng về, nhìn thấy tôi, mẹ hốt hoảng: “Con đợi mẹ lâu không? Mặt mũi sao xây xát hết thế này?”.

Tôi im lặng suốt con đường về không nói gì, chỉ đến khi về đầu ngõ, thấy mẹ thằng bé lúc chiều đứng chửi om củ tỏi mẹ tôi mới hiểu rõ ngọn ngành.

Người đàn bà kia tru tréo: “Ối giời đất ôi, cô có dạy được cái thằng giời đánh này không? Nó giết con tôi đây này”.

Mẹ hốt hoảng nhìn người đàn bà ấy, rồi mẹ nói: “Cháu còn nhỏ dại, bác để em dạy cháu....”. Người đàn bà được thể như khùng lên bà ta sấn tới, lôi tôi đi xềnh xệch. “ Rõ là bênh con nhé, này cái ngữ không cha ấy thì chỉ có hư hỏng thôi...”.

Tôi không hiểu sao lúc ấy mẹ lại tức giận như thế, mẹ kéo tôi ra trước mặt người đàn bà, đoạn bao nhiêu là cành cây mẹ đánh tôi dữ dội, tôi chưa bao giờ thấy mình đau đớn và tủi thân như thế.

Tôi khóc chứ không xin một câu, chỉ đến khi tôi ngã xuống đất mẹ mới buông roi, người đàn bà ấy cũng hỉ hả dắt tay thằng con ra khỏi cổng. Tôi đứng dậy, vào nhà dọn dẹp. Mẹ vẫn ngồi lặng lẽ ở bậc cửa.

Tôi lén đi ra ngoài rồi chạy về phía sông. Tôi ra mom nước, nơi có hòn đá voi nằm ở ngay mép nước. Bọn trẻ chăn trâu cứ dọa nhau đừng bao giờ bén mảng đến cái chỗ ấy, nhiều ma lắm, đêm nào mà chả nghe tiếng trẻ con khóc ở đấy.

Ma nào tôi chả sợ bởi mỗi khi buồn tôi đều ra đây, cả vạt sông này tôi đã lội quanh lấy cỏ cho bò, lấy rau cho lợn, có những đêm khuya tôi còn ra đây soi nhái.

Tôi thấy buồn và tủi, bởi thực sự tôi không làm gì sai, bọn ấy luôn tìm cách bắt nạt tôi, nhưng tôi luôn nhịn... Không phải tôi không dám đánh.

Tôi chỉ sợ mẹ buồn, mẹ khóc. Nhưng hôm nay tôi đã quá tức giận, đã không thể nén cục tức ấy trong cổ mãi được. Có lẽ đêm nay mẹ không ăn cơm, tôi sẽ ngồi đây, đến khi nào những cơn gió tanh mùi nước ấy phả lại, đến khi mấy chiếc thuyền của dân chài đi qua thì về. Ngồi ở đây tôi thấy mình được bao bọc và che chở.

Tiếng côn trùng kêu râm ran, tiếng cá quẫy nhẹ, tiếng còi tàu vang theo từng hồi dài. Tôi ngả lưng nằm trên phiến đá, trời đã đầy sao, thuyền qua lại trên sông cũng chỉ còn lác đác.

Tôi nghĩ vu vơ, một vài gợn mây mượt khiến nhớ đến chị Chín. Chị Chín là hàng xóm, nhà ngay cạnh nhà tôi, tôi thường rủ chị chạy ra sông bắt đom đóm cho vào quả trứng gà.

Chị Chín tóc dài và xinh lắm. Chị hiền và sống rất khác người, nghe mấy bà hàng xóm kể thì hình như chị ấy không phải con bác gái Khang, mà chị là con bác trai mang trên rừng về.

Chị ấy trắng lắm, bị bác gái Khang đánh liên tục. Trưa nắng, tôi chạy diều, chị vẫn ì oạp nhổ cỏ hay nhặt rau dại mang về cho lợn, mỗi lúc như thế tôi đều xuống lấy giúp chị.

Hai chị em hỉ hả về nhà. Chị thảo ăn lắm có gì chị cũng tuồn qua cái lỗ hổng rồi khi nào đi làm về tôi lại ra lấy ăn.

Có khi chị Chín ốm, sốt một tuần liền, nhưng mặt và môi chị lúc nào cũng đỏ như son, người ta bảo chị là con giời, ốm nặng tưởng không qua khỏi nhưng một đêm chị ra sông tắm, về khỏi ốm liền.

Chị Chín đỗ đại học vào hè năm ấy. Tôi không nhớ rõ chỉ biết rằng khi bên nhà chị linh đình cỗ bàn thì tôi chạy ra bến đá ngồi.

Tự dưng nước mắt tôi rơi, tôi sợ mất đi một người bạn, mất đi một người mà đã chia sẻ với tôi bao nhiêu vui buồn.

Tối chị Chín chạy ra tìm tôi, dúi vào tay tôi một hộp quà nhỏ. Chị ôm tôi vào lòng và nói: “Em ở nhà ngoan, chị đi học sau này về làm cô giáo dạy em”.

Tôi ngước mắt lên nhìn chị, lần đầu tiên trong ánh trăng mờ đục tôi thấy chị đẹp rạng rỡ, mái tóc dài đen chấm kheo, cái miệng xinh xắn, và cả cái má bầu bĩnh đến dịu dàng.

Vẻ đẹp ấy bác gái Khang đã cố gắng vùi đi dập đi bao nhiêu thì nó lại càng rạng ngời tỏa sáng bấy nhiêu.

Tôi vui vẻ chấp nhận để chị đi học làm cô giáo dạy cho tôi, suốt những năm tháng chị học xa nhà, tôi thấy mình lẻ loi nhiều lắm, những lúc tủi hờn tôi đều ra đây, ngồi và mong có một vòng tay ấm áp của chị Chín, nhưng lâu quá rồi, chị ấy không còn về như trước nữa. Tôi thấy mình mất hẳn một người bạn.

Rồi một ngày chị Chín về nhà thật. Chị ở lại quê luôn, nhưng chị không ra sông chơi nữa, tối tối có anh cán bộ bố mẹ chị nhắm cho từ lâu rồi đến ngồi ăn vạ từ chập tối.

Chị chẳng được đi đâu, bác gái xởi lởi hơn vì những món quà mà anh cán bộ ấy đem tặng. Bác trai gật gù: “Số con Chín này đến là tốt phúc”. Chị Chín chối không được.

Một hôm khi tôi đang ngồi trên phiến đá thì giật mình bởi tiếng khóc. Chị Chín vừa chạy sấp ngửa vừa khóc, chị nức nở khi ngồi bên tôi, một thằng nhãi ranh như tôi chẳng hiểu gì, chẳng biết vỗ về chị.

Chị ấy không nghe bố mẹ bởi chị đã yêu một anh chàng trên mạn ngược. Chị đã về nhà anh, gia đình cũng ưng thuận, nhưng mẹ anh ấy bỗng dưng lâm bệnh nặng, gia đình anh ấy đang gặp khó khăn, dưới còn nhiều em nhỏ nên chưa thể thu xếp việc cưới xin được.

Chị cũng đã nói với bác cả Khang: “Con đã có người yêu rồi, con không lấy người mà con không có tình cảm”.

Bác cả gái nguýt dài thườn thượt nói chua ngoét: “Ông rõ con ông rồi đấy nhá, tưởng là ngoan hiền, giờ dám cãi lại cha mẹ, còn theo giai lên tận mạn ngược kia kìa, không khéo cả làng đi ăn vạ nhá, tôi không có cái ngữ con ấy..”. Bác trai đập ngay cái điếu cày xuống đất, phang chị Chín nhừ tử.

Sáng hôm sau chị ấy đã không có nhà. Tôi biết chị ấy đi đâu nhưng tôi im lặng. Bác gái dọa dẫm như thế nào tôi vẫn không hé răng.

Hai hôm sau tôi đang đợi mẹ trên đê thì thấy người ta kéo chị Chín đi, bác gái nói oang oang giữa làng rằng chị ấy lăng loàn, bỏ theo giai may bắt về kịp, tóc chị ấy xõa dài, bị kéo đi như người phạm tội, tôi chạy theo chị và gạt những giọt nước mắt đang bị gió ngược chiều cuốn thốc đi.

Chị Chín bị nhốt trong nhà từ dạo ấy, không được đi đâu, cấm cửa đợi ngày nhà anh cán bộ sang đón về.

Có lẽ chị ấy muốn chạy muốn cầu cứu anh kia nhưng chắc chưa kịp đi thì đã bị người ra bến xe lùng soát, khổ thân chị ấy.

Nhà trai xem ngày, họ bảo sẽ rước dâu vào buổi chiều ngày ấy, chị Chín được thả ra chăm chút lại trước khi đi lấy chồng. Đài điện nhạc nhẽo ỏm tỏi, tôi định bụng sẽ bỏ ra sông cho khuây khỏa nhưng còn phải làm nốt vài việc.

Chị Chín mặc bộ quần áo đỏ như máu, đi như lướt trước bao nhiêu người nhìn ngắm, chị bình thản đến ngỡ ngàng.

Đầu giờ chiều, cả họ tá hỏa đi tìm chị. Ai cũng bảo chị vẫn ngồi trong buồng đợi, ấy thế mà chị đã biến mất.

Tôi luống cuống như thể mình vừa gây ra tội lớn. Mọi người chạy ra bến đò rồi dừng lại. Tôi ra bến đá, thấy mặt nước bình yên đến ghê sợ, khi người ta kéo đến quanh tôi cũng là lúc cái khăn hồng của chị trôi lập lờ bên ngoài dòng chảy.

Người ta đưa được chị lên bờ khi dàn pháo hoa bên kia sông chấm dứt, họ đi lên phía đê, bác cả trai ra đến nơi thì cũng là khi máu từ miệng và tai chị Chín ào ra. Bác gần như chết ngất trước cảnh ấy.

Tôi vẫn nhớ rõ nguyên gương mặt chị khi đi, chị nằm như ngủ, hai tay vẫn đặt trên bụng. Tôi biết chị đang muốn cố giữ chặt đứa con, giữ chặt tình yêu với người đàn ông mạn ngược mà không thể.

Đám cưới hoán đổi thành đám tang. Tôi thẫn thờ trách mình giá như ra sớm chút nữa, giá như tôi ngồi đó sẵn thì có lẽ chị đã không ra đi.

Sau này tôi vẫn cứ ra đấy ngồi. Tôi tự trách mình và dằn vặt nhiều lắm, nhưng rồi trấn an mình bằng buổi trưa định mệnh.

Người đàn bà mạn ngược theo bè gỗ về xuôi ngang qua khúc sông này nhìn chị gội đầu giữa trưa nắng thì phán: “Con của trời thì trời lại kéo về thôi”. Nói rồi bà ta đi mất. Để chị ngẩn ngơ cả buổi chiều.

Tôi vẫn ngồi đây trong bến vắng một mình, nó là của riêng tôi một thời thơ ấu. Tôi yêu những người phụ nữ của riêng mình, yêu mẹ yêu chị Chín, yêu dòng sông.

Tôi sẽ sống và lớn lên sẽ vượt qua nhưng nỗi buồn những tủi hận. Tôi không muốn biết cha mình là ai nữa, và cũng không muốn để mẹ đau lòng. Tôi sẽ sống như một người đàn ông để mẹ dựa vào.

Tôi ngủ thiếp đi khi nào không ai biết. Khi tỉnh dậy tôi giật mình buột miệng: “Chị Chín!”

“Không phải! Về thôi con”.

Tôi thấy mình cần gục vào vai mẹ mà khóc nức nở. Bên kia sông gà eo óc gáy, đằng xa lắm tận mạn ngược, núi đã dần hiện ra. Tiêng sóng vỗ oàm oạp sau lưng, thuyền bè bắt đầu ngày mới.

Truyện ngắn của
Thanh Dung

“Sông quê” không phải là một truyện ngắn phức tạp về thủ pháp, lắt léo về tình tiết. Câu chuyện giản dị nhưng có thể khiến người đọc rung động. Tất cả nằm trong cái tình mà tác giả gửi gắm bên dưới câu chữ.

Sông quê ảnh 2

Nguyễn Thanh Dung quê Sông Lô - Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Khoa sáng tác lý luận và phê bình văn học – ĐH Văn hóa Hà Nội. Cô có một số truyện ngắn đăng trên các báo. “Điều đam mê lớn nhất đối với tôi chính là được đi, được khám phá và được trải lòng mình qua những trang viết. Tôi nhận thấy hình ảnh người phụ nữ và những đứa trẻ luôn chiếm một tình cảm đặc biệt trong trái tim tôi” - Thanh Dung nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG