Tủi phận đời nghệ sĩ tỉnh lẻ

Tủi phận đời nghệ sĩ tỉnh lẻ
Phía sau sân khấu rực sáng ánh đèn, những nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Nghệ An đang sống cảnh đời tạm bợ bên rạp hát Bến Thủy hoang tàn giữa trung tâm TP Vinh (Nghệ An).

Tủi phận đời nghệ sĩ tỉnh lẻ

Phía sau sân khấu rực sáng ánh đèn, những nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Nghệ An đang sống cảnh đời tạm bợ bên rạp hát Bến Thủy hoang tàn giữa trung tâm TP Vinh (Nghệ An).

Nữ diễn viên Hồng Liên trước nơi ở tồi tàn của mình
Nữ diễn viên Hồng Liên trước nơi ở tồi tàn của mình. Ảnh: Vũ Toàn
 

Người đầu tiên tôi gặp là nữ diễn viên Trương Thị Thiên, 36 tuổi. Nơi ở vợ chồng chị Thiên là phòng hóa trang rạp hát Bến Thủy xưa, khoảng 30m2. Căn phòng này còn rộng hơn nhiều so với cơ ngơi của 14 đồng nghiệp cùng cảnh, chỉ cỡ 12m2.

Tá túc trong “ổ chuột”

Sở dĩ phòng vợ chồng chị Thiên rộng hơn mấy đồng nghiệp là do tận dụng cả khu vực vệ sinh của rạp hát cũ để quây thành cái bếp. Bên bếp là chiếc nôi di động của đứa con thứ ba vừa hai tháng tuổi. Cả gian phòng có cái tủ đứng ngăn 1/3 phía trước làm nơi tiếp khách, phía trong đặt một chiếc giường đôi. Chị Thiên chỉ lên trần nhà căng kín nilông nói: “Rạp hát Bến Thủy xây từ năm 1972. Từ ngày xuống cấp, trần rạp làm bằng những tấm panel rời ra, hễ mưa là dột. Cái máng tôn gắn trên bờ tường phía trong nhà là để tháo nước mưa ra ngoài. Khổ nỗi tháo được nhà tôi thì nước mưa lại chảy xuống mái nhà thấp hơn của diễn viên Hồng Liên ở phía trước”.

"Trung tâm chúng tôi đang tìm hướng phục hồi phong trào hát dân ca nhằm từng bước xây dựng dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa thế giới nhưng cơ chế chính sách đối với các nghệ sĩ lại quá bạc bẽo"

Chồng chị Thiên là anh Đỗ Sĩ Lương, nhạc công. Ẵm đứa con trên tay, anh Lương giải thích: “Để biến phòng hóa trang thành nơi ở hơn 10 năm nay, vợ chồng tôi phải xoay xở 20 triệu đồng nâng cấp dần qua từng năm. Để có thêm khoản tiền này, ngoài thời gian đi biểu diễn tôi còn đi làm thêm”.

Năm 2003, vợ anh sinh con thứ hai khi chưa được nhận lương chính thức. Khó khăn quá, anh đành tham gia hội nhạc hiếu dù trước đó từ chối. Anh ngậm ngùi: “Một tháng chỉ có hơn 2 triệu đồng tiền lương. Nghĩ đời nghệ sĩ bèo quá nên mình phải ráng kéo đàn đám tang để kiếm thêm đồng tiền nuôi vợ con”.

Căn phòng của Hồng Liên, 32 tuổi, rộng 12m2 xây bám vào bờ tường rạp hát. Do xây tạm bợ nên hễ trời mưa là nước thấm từ bờ tường cũ vào nhà. Chỉ cho tôi thấy bốn góc nhà thường xuyên để bốn ca nhựa hứng nước dột, chị bảo: “Do duyên số tôi chưa có chồng đành chịu chứ nghĩ cảnh diễn viên ở chui rúc như thế này tủi thân lắm. Cơn mưa vừa ập đến là phòng ngập nửa chân giường. Có hôm mưa to quá tôi phải xin đoàn nghỉ tập để ở nhà tháo nước ra ngoài. Chủ tịch công đoàn cơ quan đến thăm nhưng cũng chỉ biết động viên chứ chưa giúp được gì”.

Nhìn căn phòng như một túp lều gạch thô cô đơn bám bên vách tường loang lổ của rạp hát, nữ diễn viên nói: “Đây là phòng cũ của hai vợ chồng diễn viên đã dời lên ở trên dãy nhà cấp bốn phía trước. Tôi phải nhanh tay mới có chỗ ở nhưng cũng phải thêm 10 triệu đồng nâng nền lên và làm công trình vệ sinh mới trú ngụ được”.

Tủi phận, yêu nghề

Cạnh phòng Hồng Liên là phòng của nhạc công Văn Định. Anh Định 32 tuổi, chơi đàn nguyệt tại Đoàn Dân ca Nghệ An từ năm 2005. Có khi vở diễn thiếu diễn viên, anh rời đàn nguyệt để vào vai diễn. Phòng của vợ chồng anh cũng cỡ 12m2, nguyên là cái kho của rạp Bến Thủy nhưng do đến sau nên phải mua lại 1 triệu đồng từ người ở trước. Nay đã ba lần cơi nới, nền nhà lát gạch, trên lợp mái tôn nhưng trời mưa to là vợ chồng phải quay dọc giường để tránh dột. Còn bếp, tủ thức ăn, giá phơi quần áo, xe đạp, xô chậu chen chật trong phòng.

Nói đến thu nhập hằng tháng của các nghệ sĩ, anh bảo: “Chẳng ăn thua gì. Được cái khi mình lên sân khấu nhìn xuống thấy đông khán giả ngưỡng mộ là vui lắm nên quên hết mọi điều khó nói. Nhưng mỗi đợt đi diễn về không còn tiền đưa cho vợ, thậm chí có đợt đi diễn phải “vay” tiền vợ”.

Định nhẩm tính: “Lương chính của tôi được 1.850.000 đồng. Nếu đi phục vụ miền núi thì không dư, thậm chí “âm”. Đi lưu diễn các tỉnh phía Nam thì đỡ hơn chút nhờ các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ nhưng một đêm diễn bình quân chỉ được 150.000 đồng thù lao là cao lắm”. Hồng Liên thêm: “Diễn viên “dân làng” như chúng tôi thuộc nhân vật phụ. Mỗi đêm diễn, nhân vật phụ chỉ có 2.000 đồng tiền hóa trang. Diễn viên chính vai đặc biệt mới được 10.000 đồng tiền hóa trang. Phân vai xong là nhận tiền. Mỗi đêm diễn ở miền núi được trên cấp 5 triệu đồng nhưng đoàn chỉ được trích 40% trong 5 triệu này chia cho 30 diễn viên; 60% còn lại chi tiền xăng xe, nơi ăn, chốn ngủ. Như vậy, mỗi diễn viên chỉ được hơn 60.000 đồng/đêm gọi là tiền bồi dưỡng. Tiền hóa trang của mỗi nhân vật được tính trong tiền bồi dưỡng này”.

Tôi hỏi với 2.000 đồng chị hóa trang có đạt yêu cầu để biểu diễn không, Hồng Liên cười: “Diễn viên tự lo là chính. Làm sao cho mình lên sân khấu thật chững chạc với vai diễn để người xem không thất vọng chứ không có cách nào khác. Mỗi lần đi diễn trong vùng sâu gặp trời mưa phải nhờ dân bản đưa trâu bò ra kéo xe ca chở diễn viên bị mắc lầy thấy thương bà con lắm nên mình cố diễn cho hay. May còn có thêm tiền thanh sắc (15% tiền lương hằng tháng), không thì căng lắm”.

Men theo lối tắt rộng chừng nửa mét bên tường rạp hát, tôi sang căn phòng của nghệ sĩ xuất sắc Linh Lam, diễn viên cải lương. Tiếp tôi phía ngoài cửa gian phòng hẹp, anh Lam cho biết anh là nghệ sĩ có thâm niên 22 năm trú ngụ trong nhà tập thể của Đoàn Dân ca Nghệ An. Khi nhà tập thể giải tỏa, anh chuyển về trong khu “ổ chuột” này từ năm 2008. Anh nói: “23 năm vào biên chế, đi hát cải lương khắp mọi miền đất nước, lương 3,5 triệu đồng/tháng, nghĩ thẹn với đời lắm”.

Nhạc công Đỗ Sĩ Lương chơi đàn bên góc bếp
Nhạc công Đỗ Sĩ Lương chơi đàn bên góc bếp. Ảnh: Vũ Toàn
 

170 nghệ sĩ diễn một đêm được 2 triệu đồng

Trao đổi về cảnh sống hết sức tạm bợ của 15 nghệ sĩ, NSND Hồng Lựu - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ - cho biết ngoài các nghệ sĩ có điều kiện thuê nhà hoặc về ở với bố mẹ, còn có 10 gia đình và năm hộ độc thân đang chịu cảnh sống “không ra gì”.

Bà Lựu giải thích: “Năm 2002, sau khi sáp nhập đoàn cải lương vào Đoàn Dân ca Nghệ An, cơ sở của nhà hát ở khối 15, phường Trường Thi, TP Vinh đã xập xệ nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cho thanh lý tài sản trên đất để chia đất cho anh em làm nhà. Tỉnh đồng ý, giao TP Vinh và phường Trường Thi thực hiện. Năm 2008, chúng tôi thanh lý tài sản nhưng đến khi chia đất thì kiểm tra hồ sơ của nhà hát không có một giấy tờ gì. Thế là suốt ba năm trời, nhà hát giằng co với TP Vinh và phường Trường Thi. Giằng co không nổi vì TP và phường cũng muốn lấy khu đất này nên chúng tôi lại “kêu” tỉnh. Năm 2010, chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp yêu cầu Sở Xây dựng tìm một nhà đầu tư uy tín xây dựng khu chung cư tại đây, trong đó bán giá ưu đãi (khoảng 5 triệu đồng/m2) cho những nghệ sĩ này để họ có nơi ở. Theo đó, Công ty CP Phát triển đô thị Vinh đầu tư, thi công dự án. Nhưng dự án dừng lại từ năm 2011 đến nay do bế tắc vốn”.

Hỏi chuyện diễn viên chỉ có 2.000 đồng hóa trang trong một đêm diễn, bà Lựu chia sẻ: “Anh không tin sao? Trung tâm chúng tôi đang tìm hướng phục hồi phong trào hát dân ca nhằm từng bước xây dựng dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa thế giới nhưng cơ chế chính sách đối với các nghệ sĩ lại quá bạc bẽo. Ví như một đêm diễn của 170 nghệ sĩ (trong đó có tôi) phục vụ mục đích chính trị tại quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh chỉ được Sở Văn hóa - thể thao và du lịch bồi dưỡng 2 triệu đồng. Thử hỏi đơn vị sự nghiệp có thu như chúng tôi còn phải xoay xở như thế nào đây khi đang hát bằng hơi và ăn cũng bằng hơi”.

“Đói ăn thì phải làm”

Nơi ở của nghệ sĩ Trần Tiến - nhạc công đàn bát nổi tiếng của Nhà hát Dân ca Nghệ An - là một góc rạp hát. Do không có tiền mua lại phòng ở nên nhạc công này ở dưới một cái gầm được che bởi mấy tấm ván mỏng, phía ngoài trông như hộp diêm. Tại đây, một câu chuyện gây bất ngờ là ngoài đàn bát, anh Tiến còn mua thêm một chiếc organ vì “đoàn không có đàn organ nên tôi mua để phục vụ, một buổi diễn đoàn trả thêm cho 15.000 đồng”.

Anh Tiến cho đây là một sáng kiến bởi “đói ăn thì phải làm. Nếu hôm nào không đi diễn thì đi phục vụ đám cưới, lễ tân gia như mấy nữ diễn viên cũng đi hát đám cưới, đi hát tại các bữa tiệc, kiếm thêm đồng bạc”. Anh Tiến nói rồi bỏ đi tập vở mới: Đường đua trong bóng tối.

Theo Vũ Toàn
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG