Đại tiệc Then

Đại tiệc Then
TP - Hàng ngàn nghệ nhân, văn nghệ sĩ 10 tỉnh thành đã tụ hội trong Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính toàn quốc lần thứ IV tại TP Lạng Sơn, khai mạc tối 4-11.

> Thương hiệu làng Then

Đàn trời

Hát Then, đàn tính là hình thức sinh hoạt lâu đời của các tộc người Tày, Nùng, Thái ở miền núi phía Bắc. Là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian tổng hợp gồm: đàn, hát, múa, diễn trò lôi cuốn, hấp dẫn.

NSƯT người Nùng - Triệu Thủy Tiên (nguyên Trưởng đoàn Văn công Lạng Sơn), chia sẻ: “Thầy Then là những người hát hay, đàn giỏi, lịch lãm, am hiểu văn hóa bản địa. Từ bé, tôi theo ông bà đi nghe hát Lẩu Then ở Pác Khuông (huyện Bình Gia, Lạng Sơn). Cả đêm, trai làng gái bản đối đáp say mê bằng những câu hát luyến láy, say đắm. Lẩu Then mở lòng về khát vọng tương lai phồn vinh, hạnh phúc. Các già làng trưởng bản lim dim theo câu hát, nhớ về thời xuân sắc, còn nam thanh nữ tú coi đây là dịp gặp gỡ, tìm kiếm bạn tình”.

Theo bà Thủy Tiên, hát Then phải có đàn tính, nếu không “nó như bát cơm thiếu muối”, tiếng hát không có hồn, không bay cao, vang xa…

Hát Then đàn tính có từ lâu đời. Then theo tiếng địa phương có nghĩa là thiên (trời), hát Then được coi là điệu hát của thần tiên để lại. Then có hai loại, Then tâm linh và Then văn nghệ truyền thống (hát mới).

Đặc sắc hơn là Then “văn” và “võ” thuộc dòng tâm linh. Người làm công việc này, thực hiện nghi lễ thờ cúng, truyền tải những thông điệp trần gian đến với thần linh thông qua các lễ “cầu an”, “cầu mùa”, “giải hạn”, “gọi hồn”.

Khi kết hợp giữa đàn tính với chùm xóc nhạc đeo vào ngón chân cái, phối hợp nhịp nhàng cùng giai điệu trầm bổng thì tạo nên không gian, đầy sức mê hoặc.

Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Quang: “Bà Then nào có chức sắc cao (thể hiện qua các dải tua nhiều màu sắc đính trên mũ đội đầu- PV), thì có nhiều Lục pựt (học trò, con Then), thường tổ chức Lẩu Then vào mùa xuân.

Nếu tuổi cao, sức yếu thì làm Then “cáo lão” kết hợp với làm “Khao Sluông” để tâu với Ngọc Hoàng từ nay về sau, hàng năm không làm Lẩu Then nữa.

Muôn phương tụ hội

Bộ VHTTDL chọn tỉnh Lạng Sơn đăng cai Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc lần thứ IV.

NSƯT Quỳnh Nha, đoàn Cao Bằng cho biết: “Cứ mỗi độ tết đến xuân về, quê tôi lại rộn ràng các nghi lễ dân gian. Nhờ vậy, những điệu Bụt Then, Giàng Then lại được cất lên, lưu truyền mãi. Nếu như Then miền Đông rộn ràng, mạnh mẽ thì Then miền Tây ngọt ngào đằm thắm, truyền cảm. Còn Then ở Tuyên Quang nhiều tích truyện sinh động, chứa đựng triết lý nhân văn, giáo dục sâu sắc, răn dạy con người sống đạo đức, như “cây có gốc, như nước có nguồn”.

Mỗi vùng, miền có đặc trưng riêng. Khi tiếng hát cất lên, người ta nhận ra đó là Then ở tỉnh nào, huyện nào. Ông Hoàng Văn Páo, GĐ Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lần này BTC chú trọng các làn điệu Then cổ.

Ngoài hát, múa Then trong hai ngày 4 và 5- 11, còn có triển lãm “Di sản văn hoá Then”, hội thảo “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then trong giai đoạn hiện nay”.

Theo ông Páo, hát Then đàn tính như cây đa nhiều cành, nhiều rễ lan toả khắp nơi. Ở đâu có dân tộc Tày, Nùng, Thái thì ở đó có hát Then. Mỗi vùng có loài hoa đẹp, kết tinh thành một vườn hoa đầy hương sắc nơi biên cương xứ Lạng.

Hát Then, đàn tính đang được Bộ VHTTDL lập hồ sơ trình UNESO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.