Một tia sáng vào thế giới đồng tính

Một tia sáng vào thế giới đồng tính
TP - Triển lãm Yêu là yêu (tên tiếng Anh: The Pink Choice) không chỉ ấn tượng bởi sự đặc biệt của các nhân vật là các cặp đôi đồng tính, mà còn có khả năng gây rung động bởi sự chân thực và chiều sâu cảm xúc. Người mang lại những khuôn hình có tính “cách mạng” này là nữ nhiếp ảnh Maika Elan.

> 'Lạc' vào 'chợ tình' đồng tính

Nhân vật của bạn có quyền lợi gì khi tham gia dự án?

Vì có nhiều đôi chưa công khai và cũng không biết làm cách nào để công khai thì họ chọn tham gia dự án như một giải pháp. Có thể gia đình họ sẽ sốc hơn, nhưng các em ấy muốn như thế. Có những đôi làm công tác xã hội nhiều rồi, biết là có ích cho cộng đồng thì họ tham gia.

Ít ra có một ngày chụp ảnh vui vẻ với nhau. Nhiều lúc tôi nghĩ giống như đi chụp ảnh cưới. Một cái gì đó lưu giữ kỷ niệm với nhau, đâu phải đôi nào yêu nhau cũng có đâu!

Độ diễn trong các bức ảnh đến đâu?

Không phải đôi nào và lúc nào cũng tự nhiên khi có người thứ ba, nhiều lúc cả người thứ tư. Bao giờ ngày đầu hoặc nửa ngày đầu cũng không tự nhiên được.

Sau đấy có những lúc họ chán rồi chẳng hạn, vì không thấy mình làm gì hết. Nhiều đôi hình dung mình phải bày biện hoành tráng nhưng thấy mình cứ ngồi đấy, lại bảo họ thích làm gì thì làm, đừng quan tâm đến mình. Khi họ không đề phòng nữa, họ sẽ kệ, sẽ làm những việc của họ.

Một số ảnh người mẫu chỉ mặc đồ lót trong những tư thế khá thân mật với nhau. Bạn làm sao để thuyết phục?

Tôi chẳng thuyết phục đâu (cười). Có những đôi rất trẻ hoặc mạnh bạo. Họ đề nghị muốn có những ảnh kỷ niệm như thế, mà bình thường họ không chụp được.

Có những đôi kín đáo hơn, chỉ thích đọc sách, xem tivi. Khi đến với mỗi đôi, tôi chẳng yêu cầu ai làm gì, chỉ hỏi họ dành nhiều thời gian cho nhau ở đâu hoặc trong ngày mọi người thích khoảng thời gian nào nhất với nhau.

Tôi không can thiệp nhiều, họ thích thế nào tôi chụp như thế. Cũng chỉ có 1-2 đôi thôi mà. Xếp 1-2 đôi trong 45 ảnh sẽ cảm thấy nhiều còn trên tổng số tôi chụp thì không nhiều.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhận thức về tình yêu của bạn thay đổi thế nào?

Tôi thấy họ sống cho hiện tại nhiều hơn. Nhiều đôi nghĩ không có tương lai, đâm ra đến được với nhau họ rất trân trọng. Tôi thấy cách họ chăm sóc, quan tâm nhau cẩn thận và chi li hơn người dị tính.

Ban đầu tôi cũng không hiểu biết về họ. Bị bạn trêu, thôi cứ phải bảo mình cũng là les, người trong giới thì giúp nhau… tôi thấy rất khó chịu. Mình không kỳ thị nhưng nói mình thế mình không thích. Nhưng một năm sau, có người gọi mình như thế thì tôi lại thấy rất bình thường như kiểu họ gọi tên mình thôi. Cái thay đổi đấy đến một cách tự nhiên, nhưng cũng phải qua một quá trình dài.

Một tia sáng vào thế giới đồng tính ảnh 1

Vì sao bạn lại quan tâm về tình yêu đồng tính?

Từ 2010, tôi tham gia một hội thảo về chụp ảnh ở Campuchia, có 2 tuần thích chụp gì thì chụp để có một photo essay (“tiểu luận” bằng ảnh- PV).

Tôi định làm nhiều cái khác nhưng đợt tôi sang lại là lễ hội như Tết của mình. Nghỉ hết, chẳng có gì để chụp. Đành phải lên mạng tìm xem có gì, thì tôi tìm được trang pinkchoice.com có thông tin về du lịch toàn thế giới.

Ví dụ đến Campuchia thì quán bar nào, khách sạn thân thiện với người đồng tính, khách sạn nào chỉ dành riêng cho các bạn nam hoặc chỉ dành riêng cho các bạn nữ. Tôi thấy rất thú vị. Ở mình chưa có những chuyện như vậy.

Đến nơi, các chủ khách sạn bảo phải xin phép từng đôi vì họ đã đến đây là để riêng tư. Lúc tôi đặt vấn đề, ai cũng đồng ý hết. Trước đấy ở Việt Nam, tôi cũng chụp thời trang.

Bạn bè tôi làm trong lĩnh vực thời trang, trang điểm thì đồng tính rất đông. Mình thấy họ rất tài năng, mình rất nể phục. Những người tôi quen đều rất yêu đời, phơi phới ra, suốt ngày yêu người nọ người kia rồi dắt đi giới thiệu.

Về Việt Nam tôi cũng chẳng nghĩ nhiều, chỉ là một đề tài mình làm xong rồi thôi. Năm tiếp theo, tình cờ đi xem triển lãm do chính các bạn đồng tính làm, thấy lúc nào cũng che mặt, quay lưng, nắm tay… nói chung không lộ diện.

 Khi được hỏi về đề tài đồng tính rất nhiều người tỏ ra cởi mở và chấp nhận, nhưng khi cho chính họ xem những hình ảnh thân mật của các cặp đôi đồng tính thì đa số lại rất ghê sợ và không thật sự thừa nhận. Điều này khiến tác giả tự đặt cho mình mục tiêu mấu chốt là phải chụp làm sao để tất cả khán giả khi xem The Pink Choice phải cảm thấy những hình ảnh về các cặp đôi đồng tính đó là bình thường, là không có gì khác biệt, là cũng đẹp và thậm chí đáng ghen tỵ. 

Tôi thấy có gì không đàng hoàng. Sau đấy tôi xem một số phim Việt Nam có nhân vật đồng tính hoặc chuyển giới, ăn mặc rất lố lăng, trang điểm quá lên. Nói chung chỉ là nhân vật gây hài, không gây thiện cảm. Có phim làm hay nhưng lại khai thác những mặt rất bi thảm.

Ví dụ khi tuyên bố là người đồng tính thì gia đình bạn bè bỏ rơi, công việc bất ổn, xã hội quay lưng… Những phim đấy có thể làm cho những người dị tính thương cảm người đồng tính hơn, nhưng sẽ không thể hình dung được người đồng tính cũng có thể sống hạnh phúc chẳng hạn.

Thông tin tôi tiếp cận ở Việt Nam chưa đầy đủ, chỉ là một mặt. Cái mặt xấu thì dị tính hay đồng tính đều có hết, nhưng mặt tốt cả hai bên đều có thì chẳng ai nói.

Mà rõ ràng mình được chứng kiến những việc gây thiện cảm với mình. Thì tôi nghĩ nếu mình chia sẻ được nhiều hơn cái thiện cảm ấy, có thể mọi người cũng thấy thiện cảm hơn. Hoặc ít nhất mình cũng cung cấp thêm thông tin rằng còn có cái mặt như thế này nữa.

Trong quá trình chụp, có sự cố gì xảy ra?

Không. Khi tôi làm ở Hà Nội thì anh Dũng viết quyển Bóng (tự truyện của người đồng tính- PV) giới thiệu tôi cho các đôi. Thời gian ở Hà Nội nhàn hơn vì anh Dũng thuyết phục trước rồi. Anh Dũng cũng đi chụp với tôi, họ cũng nể anh nữa, nên chẳng có vấn đề gì.

Những nơi khác tôi phải đi một mình hết. Có những đôi, mình từ chối. Thấy bất an chẳng hạn. Nhiều đôi rất tốt, rất nhiệt tình nhưng cái kiểu họ muốn chụp khác kiểu mình định chụp. Họ thích ảnh nghệ thuật nặng về hình tượng, cái mình cần là đời thường nên cũng không đến với nhau được.

Một tia sáng vào thế giới đồng tính ảnh 2
 

Maika Elan tên thật Nguyễn Thanh Hải, sinh 1986, tốt nghiệp khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV Hà Nội. Cô bắt đầu chụp đề tài tình yêu đồng tính từ tháng 5-2011. Đến lần xin thứ ba, dự án của cô mới nhận được tài trợ từ ĐSQ Đan Mạch. Ở Hà Nội, triển lãm diễn ra tại Viện Goethe từ 15-11 đến 2-12. Triển lãm tại TPHCM vẫn đang chờ cấp phép.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG