Dế Mèn phiêu lưu đến bao giờ?

Dế Mèn phiêu lưu đến bao giờ?
TP - Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài là tác phẩm đi cùng một thời đại. Nhà thơ Bằng Việt từng nói: “Những người sinh năm 1941 (cùng năm với Dế Mèn) như chúng tôi có thể coi là Thế hệ Dế Mèn”.

 > 'Vác song kiếm bôn tẩu giang hồ'
> Nhà văn Tô Hoài: 90 tuổi vẫn đang... xoan
> Tưng tửng kiểu Tô Hoài

Thế hệ Dế Mèn đó chỉ có thể sinh ra vào năm 1941, hoặc xung quanh khoảng thời gian đó. Các thế hệ sau vẫn đọc, không chỉ Tô Hoài, mà còn cả Nguyễn Nhật Ánh và nhiều tác giả viết đồng thoại khác, chỉ là không “tôn thờ” đồng thoại như vậy nữa.

Những thời đại sau buộc phải sản sinh ra những thế hệ khác, gắn bó với một hoặc nhiều cuốn sách khác. Nếu không văn hóa đọc của chúng ta sẽ “dậm chân tại chỗ”, một điều không dẫn đến thứ gì khác ngoài tàn lụi.

Trong ngày kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký tại Hội Nhà văn Hà Nội sáng 20-11, có sự góp mặt của nhà văn Tô Hoài năm nay đã 93 tuổi, nhà thơ Vân Thanh nhớ lại: “Trong một hội thảo về văn học thiếu nhi ở trường ĐH Sư phạm cách đây dăm năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: Có lẽ bác Tô Hoài nên cho Dế Mèn ra đi để nhường lại chiếc ghế cho chú mèo Doraemon”.

Có phải chỉ Doraemon đâu, còn có Harry Potter, Conan, Thủy thủ Mặt Trăng, nhóc Nicholas… Nhiều lắm. Không gian trong Dế Mèn phiêu lưu ký, nơi Tô Hoài và bạn bè cùng trang lứa đã sống và lớn lên, ngày càng xa lạ với trẻ em, kể cả nông thôn hay thành thị.

Tô Hoài viết những câu chuyện đó cho ai, hãy nghe ông nói (viết): “Bạn đọc nhỏ tuổi hay người lớn đọc đồng thoại? Những tác phẩm đã viết cho lứa tuổi thơ nổi tiếng trong nước và thế giới đã trả lời câu hỏi ấy. Một sáng tác hay cho trẻ em thì người lớn cũng thấy hay.

 Trẻ con thế hệ nào cũng thích truyện đồng thoại, vấn đề là ta đưa truyện đồng thoại đến với trẻ bằng cách nào mà thôi. 

Cả trẻ em và người lớn đều thu nhận được ở tác phẩm ấy những thông cảm cho mỗi lứa tuổi, mà người lớn không cần giả làm trẻ em mới hiểu được. Người lớn vốn đã thích thú đọc rất hào hứng những tác phẩm tưởng tượng còn hoang đường hơn truyện đồng thoại kia mà” (trích những dòng tự sự của nhà văn năm 1969 đăng trong cuốn sách mới Chú Bồ Nông ở Sa-mác-can)

Còn theo TS giáo dục Thụy Anh: “Thời trước, chúng ta đọc Dế Mèn vì nó quen, còn bây giờ trẻ em sẽ đọc Dế Mèn vì nó lạ”. Câu nói đơn giản đã thể hiện sự khác biệt thế hệ, thời đại trong cách tiếp cận văn chương.

“Trẻ con thế hệ nào cũng thích truyện đồng thoại, vấn đề là ta đưa truyện đồng thoại đến với trẻ bằng cách nào mà thôi. Thời xưa vì có quá ít sách nên tác phẩm nào cũng được đọc ngấu nghiến. Thời nay, nếu đưa nguyên quyển sách đầy chữ thì các em không đọc. Người lớn phải làm thế nào để trẻ em cảm thấy thú vị, đáng đọc”.

Nhìn nhận thẳng thắn, người lớn chúng ta đã mắc phải định kiến khi cho rằng trẻ em ngày nay không thích truyện đồng thoại như Dế Mèn phiêu lưu ký vì có quá nhiều thể loại sách khác.

“Thực tế, trái tim trẻ em cũng như đàn ông vậy”, TS Thụy Anh so sánh. “Nó có nhiều ngăn, có chỗ cho nhiều thứ, ở đây là nhiều thể loại sách. Không nên nghĩ rằng trẻ em chỉ thích truyện này, không thích những truyện kia. Các em có thể thích, nhưng thay đổi rất nhanh. Con tôi chẳng hạn, cháu đọc Dế Mèn phiêu lưu ký, rất thích, nhưng 3 tháng sau đã chuyển sang thích truyện khác. Không giống với kiểu “những trang sách đi suốt cuộc đời” như của thế hệ Dế Mèn trước đây”.

Dế Mèn là một tác phẩm văn học, không thể thoát ra ngoài quy luật thời gian và thời đại. Trẻ em thời nay vẫn đọc, nhưng không thể đòi hỏi các em giữ trong mình dấu ấn sâu đậm như với thế hệ trước. Đến bao giờ tìm thấy những trang sách của cuộc đời mình, các em sẽ nhận ra. Còn nếu đó không phải là Dế Mèn, hay bất cứ tác phẩm nào mà thế hệ trước đã đi suốt cuộc đời cùng nó, thì chẳng còn cách nào khác, ngoài tiếp tục kiếm tìm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG