Thi Thơ - rong ruổi cùng nhiếp ảnh ý tưởng

Thi Thơ - rong ruổi cùng nhiếp ảnh ý tưởng
TP - Trong thế hệ của mình, Thi Thơ là một trong những nhà nhiếp ảnh ý tưởng thành công. Phu quân của Thi Thơ cũng là một nhiếp ảnh gia. Anh DZũng Nguyễn thường gánh vác việc nhà cho vợ ôm máy ảnh đi xuyên Việt.

> Diễn viên Tạ Am: Diễn xuất ngược với tính cách bản thân
> Người trong lồng

Năm 1996, trước khi xuống Sài Gòn, tôi đã hỏi nghệ sĩ nhiếp ảnh lãng tử MPK rằng vào thời điểm ấy nghệ sĩ nhiếp ảnh nào của Sài Gòn được anh quan tâm nhất, MPK trả lời ngay: “Thi Thơ”.

Ngày ấy Thi Thơ còn độc thân và sống với bố mẹ cùng chiếc máy phóng ảnh trắng đen nằm góc nhà. Nhà của bố mẹ chị tràn ngập các thùng nước giải khát, có lẽ họ làm đại lý cho hãng nước ngọt.

Thi Thơ nói chuyện với tôi bên chiếc máy phóng ảnh đen trắng. Chị chống ẩm cho phim cái bằng bóng điện nhỏ mở suốt ngày, khi ấy chưa có máy hút ẩm như bây giờ.

Những tấm phim được đánh số thứ tự và ghi chú cặn kẽ. Không giấu giếm gì, chị cho tôi xem những tấm phim gốc trắng đen, chúng không thực sự hoàn hảo như những gì người ta nhìn thấy trên ảnh. Chị đã xử lý kỹ thuật buồng tối công phu, tỷ mỷ.

Tôi hỏi chị đến với nhiếp ảnh như thế nào, Thi Thơ nói “Ở lứa tuổi mới lớn, tôi đã theo học nhiếp ảnh một bậc thầy của miền Nam. Ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp và Thi Thơ đã học được ở ông niềm say mê sáng tạo” – chị nói.

Chị đắm chìm trong thế giới của các ý tưởng và khát khao biến ý tưởng ấy thành các tác phẩm. Những tác phẩm thoạt nhìn có vẻ khó hiểu, nhưng dù khó hiểu, chúng cũng khiến người xem phải dừng lại và suy ngẫm, với những câu hỏi: “Vì sao? Tại sao?”.

Khi ấy, nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ đang nổi bật với những tấm hình phản ánh cuộc sống lao động sinh động, ảnh thiếu nữ lãng mạn, những tấm ảnh sinh hoạt gần gũi với con người và những tấm hình phong cảnh huyền ảo.

Thái cực ngược lại, Thi Thơ đưa ra những tấm hình suy tư và khá buồn bã. Khi đó chưa thông dụng thuật ngữ “nhiếp ảnh ý niệm” như ngày nay. Những tấm hình của Thi Thơ như một thế giới suy tư cá nhân thầm kín.

Một bức ảnh chụp chiếc thuyền nát được Thi Thơ đặt tên là “Trôi dạt”, như một ngụ ngôn về người ngư dân nghèo khó. Bức ảnh nổi tiếng của chị với cái tên lạ: “Nhớ nhà”.

Bức hình chụp những chiếc thánh giá điệp trùng trong một nghĩa trang, xa xa là một ngôi nhà. Có nhiều cách nghĩ về bức hình. Nhiếp ảnh gia Phạm Thị Thu nói với tôi rằng “Dường như, ngay cả những linh hồn cũng luôn nhớ về nơi nó đã ra đi”.

Thi Thơ thì từng nói với tôi: “Thực sự khi chụp tấm hình ấy, Thơ thấy rất nhớ nhà của mình”.

Một ngày, ở Hà Nội, tôi nhận được một bộ đồ phóng ảnh đen trắng do chị Thi Thơ gửi tặng. Khi đó tôi đã thôi làm phóng viên ảnh và đi viết.

Chị Thi Thơ nói với tôi chị sắp lập gia đình và có lẽ với sứ mệnh một người vợ chị sẽ rời bỏ công việc sáng tạo nghệ thuật. Người phụ nữ miền Nam vẫn giữ truyền thống xưa là ưu tiên mối quan tâm cho gia đình riêng của mình.

Thời gian trôi qua, giờ chị đã có một cô con gái tuổi cập kê. Thật may mắn, phu quân của Thi Thơ cũng là một nhiếp ảnh gia. Anh DZũng Nguyễn thường gánh vác việc nhà cho vợ ôm máy ảnh đi xuyên Việt, cùng với nhóm tác giả Hải Âu thực hiện những chuyến sáng tác dài ngày.

Cách đây không lâu, nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ nói với tôi: “Rất mừng là Thi Thơ vẫn say mê với cái máy ảnh. Lâu lâu được ra khỏi thành phố, Thi Thơ chụp như thể chưa bao giờ được chụp! Rất nhiều tác phẩm mới”.

Cách đây hơn một tuần, Câu lạc bộ nhiếp ảnh nữ Hải Âu đã có cuộc liên hoan mời gần 300 nhà nhiếp ảnh trong thành phố chia vui với họ.

Nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ - Thành viên kỳ cựu của câu lạc bộ nói với tôi: “Năm 2012 này, CLB Hải Âu đoạt mấy chục giải thưởng, tổng tiền thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng. Chị em được giải thưởng quyết định khao anh em trong giới”.

Tôi đến thăm nhà Dzũng Nguyễn – Thi Thơ ở đầu đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Cách đây vài tháng, anh chị đã cải tạo tầng trệt của ngôi nhà thành một quán cà phê ảnh.

Nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Sài Gòn đã tặng họ những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình để trưng bày. Anh Dzũng Nguyễn nói: “Anh chị em tặng chúng tôi đấy, không lấy tiền”. Những tấm hình đẹp, chữ ký các tác giả còn tươi rói.

Thi Thơ nom vui vẻ và hoạt bát hơn nhiều so với lúc chị lo toan cho cái phòng chụp đám cưới. Bà chủ quán cà phê đón một đoàn khách là các hội viên của CLB Hải Âu.

Chị em vui vẻ trò chuyện với nhau bên những tấm hình và câu chuyện sáng tác nổ như ngô rang. Anh Dzũng Nguyễn vào vai pha chế phục vụ các bạn của vợ. Tôi lại thấy một Thi Thơ của năm nào, rất nhanh nhẹn nhưng cũng khá trầm tư.

“Năm 2012 này Thơ đoạt tới ba giải nhiếp ảnh đấy” – Thi Thơ nói với tôi. Chị đoạt một giải nhì cuộc thi nhiếp ảnh chủ đề Sen trong văn hóa Việt Nam, một giải B của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam về đề tài Mẹ, Giải nhất cuộc thi sáng tác về nông thôn của Hội văn học nghệ thuật TPHCM.

Thi Thơ từng đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng việc đoạt hàng loạt giải như vậy với chị là điều hiếm. Thi Thơ từng nói với tôi: “Những bức ảnh mình thích thì không được giải mà những bức được giải thì không phải là bức mình thích nhất”, điều đó khiến chị nhiều năm không hứng thú tham dự các giải thưởng.

Dường như Thi Thơ đang muốn tìm lại cảm xúc sáng tác mãnh liệt. Nhưng chị cũng nói: “Các cuộc thi hồi trước không bó hẹp chủ đề, nên có thể gửi ảnh dự thi nhiều thể loại, chấp nhận nhiều phong cách. Bây giờ thì họ thi theo nội dung cụ thể. Chẳng hạn thi về sen, mình phải đi chụp hình sen để dự thi”.

Bức hình chị đoạt giải chụp cảnh chèo thuyền giữa hồ sen trong mưa. Một cơn mưa lớn đổ xuống, nhưng chính lúc khó khăn ấy, lại đem đến cho chị một hình ảnh tương phản mạnh: Sen vẫn vươn lên trong mưa gió cuộc đời.

Nhiếp ảnh ý niệm giờ đây khá phổ biến trong đời sống nghệ thuật. Con người ngày nay không chỉ thích ngắm ảnh mà còn muốn nghĩ cùng tác giả.

Nhà nhiếp ảnh Phạm Thị Thu nói: “Ở miền Nam trước đây có nhà nhiếp ảnh ý tưởng nổi tiếng là ông Phạm Văn Mùi. Trong thế hệ của mình, Thi Thơ là một trong những nhà nhiếp ảnh ý tưởng thành công. Trong mỗi bức ảnh của mình, Thi Thơ luôn đưa ra một vấn đề nào đó của cuộc sống, hình ảnh cũng gần gũi nhưng lại ấn tượng”.

Nhà phê bình Terry Barrett từng nhận xét rằng “nhiếp ảnh ý niệm chính là những hình ảnh mang tính lý luận” (dẫn theo Ngô Đình Trúc - Nhiếp ảnh Việt Nam trong cái nhìn "ý niệm").

Chỉ cho tôi xem bức ảnh của một tác giả khá trẻ chụp hình ảnh con chó đang chờ chủ bên bờ biển đang xuất hiện cơn bão lớn, Thi Thơ nói: “Lớp trẻ ngày nay có nhiều ý tưởng táo bạo khiến mình khâm phục”.

Thi Thơ ủng hộ việc sử dụng các kỹ xảo máy tính vào nhiếp ảnh ý niệm. Chị nói: “Kỹ xảo máy tính giúp đỡ người sáng tác rất nhiều. Trước kia, để phóng một tấm ảnh ưng ý có khi phải ngồi trước máy phóng đen trắng đến lúc trời sáng bạch”.

Thực ra, người xem bình thường chỉ quan tâm một bức ảnh ý niệm gợi lên suy nghĩ gì, hơn là việc nó đã được làm ra như thế nào. Nhưng Thi Thơ cũng không đồng ý với cách nghĩ rằng: “Với kỹ thuật ngày nay, con người ta chỉ cần ý tưởng, còn lại thì máy móc sẽ giúp thực hiện các ý tưởng đó”.

Thi Thơ nói: “Tôi không phải mẫu người bảo thủ phản đối việc ứng dụng kỹ thuật máy tính vào nhiếp ảnh. Nhưng hãy sử dụng máy tính làm sao để người xem thích thú với những ứng dụng đó”.

Thi Thơ nói chị mới đặt mua từ hãng Nikon ống kính chất lượng cực kỳ tốt, như thời chị chụp bằng máy phim. Chị vẫn thực hiện các bức ảnh từ những chuyến sáng tác nơi xa xôi.

Trong chuyến chụp ảnh ở Tây Bắc gần đây, xe của đoàn đã gặp phải một trận lở núi lớn. Nhiếp ảnh ý tưởng không nảy sinh từ máy tính, với Thi Thơ, ý tưởng được ươm mầm và phát triển từ cuộc đời.

12-2012.

Nhiếp ảnh gia Thi Thơ trong quán cà phê ảnh. Ảnh: T.N.A
Nhiếp ảnh gia Thi Thơ trong quán cà phê ảnh. Ảnh: T.N.A.
 

Cách đây vài tháng, anh chị đã cải tạo tầng trệt của ngôi nhà thành một quán cà phê ảnh. Nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của Sài Gòn đã tặng họ những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình để trưng bày.

Một ngôi nhà, hai ý tưởng

Thi Thơ - rong ruổi cùng nhiếp ảnh ý tưởng ảnh 2
"Đêm trắng" - tác phẩm nhiếp ảnh của Thi Thơ.
 

Cặp vợ chồng nhiếp ảnh Dzũng Nguyễn – Thi Thơ đều là những nhà nhiếp ảnh ý niệm. Liệu hai ý tưởng, hai cá tính sáng tạo mạnh mẽ có “va vào nhau” trong tác phẩm và trong cuộc sống hay không?

Thi Thơ cho biết là người vợ, khi làm việc cùng chồng, chị phải biết quên mình là một tác giả mà chỉ kiên trì với vai trò… phụ tá. Dzũng Nguyễn thường thi triển ý tưởng của mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh quảng cáo.

Người vợ phụ giúp để ý tưởng đó được thể hiện một cách hoàn hảo nhất. Ngược lại, khi Thi Thơ sáng tác, khác với nhiều phu quân khác, rất ít khi Dzũng Nguyễn ôm máy đi cùng vợ. Anh tôn trọng những cảm xúc và suy tư riêng của Thi Thơ.

Điểm chung lớn nhất của hai người chính là quán cà phê Ảnh mà họ vừa mới mở. Hai vợ chồng đã cùng nhau cắp sách đi học cách mở quán cà phê, học pha chế và phục vụ.

Trong khi Dzũng Nguyễn tất bật trong quầy pha chế thì Thi Thơ lo xếp bàn ghế, đón khách và trò chuyện cùng với họ. Một sự phân vai hợp lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG