Tranh lịch sử hết thời?

Trích tranh Hà Nội Chiến lũy và hoa của Nguyễn Doãn Sơn
Trích tranh Hà Nội Chiến lũy và hoa của Nguyễn Doãn Sơn
TP - Tiếp nối các Hội Nhà văn, Sân khấu, Điện ảnh, Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật tổ chức hội thảo Sáng tác mỹ thuật về đề tài lịch sử. Đây là mảng đề tài dậm chân tại chỗ từ nhiều năm nay. Giải pháp để vực dậy nó xem ra cũng khá đơn giản… Nhưng các nghệ sĩ có thể làm gì nếu khâu nghiên cứu lịch sử của ta hạn chế?

> Nghìn năm một con phố
> Chùm ảnh: ‘Hàng độc’ thời bao cấp của người Việt

Nhà phê bình Lê Quốc Bảo kể về ấn tượng khó quên từ khi còn nhỏ của bản thân là được xem bức Hai Bà Trưng đội khăn vành dây cưỡi voi ra trận. “Cho đến hôm nay vẫn chưa ai biết Hai Bà đội gì thời đó,” ông cho hay.

“Khăn vành dây thì hoàng hậu Nam Phương đội. Ấy thế mà mỗi khi vẽ hay dựng kịch về Hai Bà thì hình tượng nhân vật không thể thiếu chiếc khăn vành dây.”

Ông Bảo xác định chính là sáng tạo nghệ thuật và được công chúng thấp nhận. Nhưng cũng có thể chẳng qua công chúng không phản đối vì không để ý.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Chiến kể chuyện họa sĩ Thăng Trần Phềnh vẽ Hai Bà Trưng. Ông Phềnh đi tìm các nhà lịch sử để hỏi về chân dung, trang phục, quần áo… nhưng ai cũng chịu vì không có tư liệu.

Cuối cùng ông Phềnh phải vẽ theo tưởng tượng, cho Hai Bà mặc trang phục như các vai diễn trên sân khấu.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Trần Khánh Chương nhận định: “Những năm gần đây, chúng ta làm nhiều tượng đài về các nhân vật lịch sử như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tảng… nhưng không có một tài liệu nào về chân dung các vị đó. Đã xảy ra tình trạng mặt các vị giông giống nhau, trang phục cũng tương tự khăn đóng áo dài”.

Ông Chương đề nghị đối với các nhân vật lịch sử tiêu biểu nên tổ chức thi sáng tác chân dung của các vị đó.

Theo Nguyễn Văn Chiến, các họa sĩ Nga, Trung Quốc ngoài tìm tư liệu lịch sử, dân gian, văn học… còn tưởng tượng ra nhân vật và tìm nguyên mẫu giống như tưởng tượng để vẽ.

Lịch sử hội họa Nga có chuyện họa sĩ tìm thấy nguyên mẫu giống nhân vật lịch sử ngoài đường khiến nhân vật chạy trối chết vì tưởng bị mật thám theo dõi.

Họa sĩ Hoàng Hoa Mai- người đã bỏ ra 7 năm vẽ chân dung Hồ Quý Ly- đưa ra thêm một cách làm khác: dựa vào tâm linh, giác quan thứ 6, ảo ảnh qua giấc mơ để nhận biết chân dung mà họa sĩ định vẽ. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những ai có cùng huyết thống hoặc quen biết(!) Tuy vậy ông cũng khẳng định: “Vấn đề này xảy ra rất ít ỏi với họa sĩ”.

Nga có các bảo tàng riêng về một số trận đánh nổi tiếng trong đó có trưng bày những bức tranh lớn do các họa sĩ tên tuổi vẽ. Chẳng hạn bảo tàng về trận kulicôvô có tranh Trận đánh kulicôvô của họa sĩ Pháp I Vôn.

Ông Chiến nhận xét: “Việt Nam có các bảo tàng chuyên sâu như Bảo tàng Chiến thắng B52 cũng có tranh theo yêu cầu trưng bày của bảo tàng nhưng nói chung bị tính minh họa chi phối, nghệ thuật hạn chế”.

Một thực tế là tranh đề tài lịch sử Việt Nam đề tài hơi phiến diện, chủ yếu đi sâu vào truyền thống dựng nước, giữ nước, chống ngoại xâm với các sự kiện và nhân vật lịch sử (thường là anh hùng, người có công). Các mặt khác của lịch sử như phong tục, sinh hoạt, lễ hội… ít được đề cập.

“Lịch sử mỹ thuật Việt Nam chưa có thể loại tranh lịch sử,” nhà phê bình Lê Quốc Bảo nhận định. “Chúng ta chưa có cơ sở đào tạo thể loại này, nhất là chưa hội đủ tư liệu lịch sử: vốn sống, vốn hiểu biết, vốn nghệ thuật về lịch sử cổ đại. Chúng ta mới sáng tác được tranh nghệ thuật về đề tài lịch sử”.

Ông Trần Khán Chương gợi ý: “Ở Liên Xô cũ và Nga hiện nay có hẳn khoa chuyên đào tạo các nghệ sĩ tạo hình đề tài lịch sử. Nên chăng chúng ta cũng học tập”.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Chiến hướng các đồng nghiệp chú ý vào đề tài đương thời, vừa dễ làm, độ thuyết phục lại cao. Ông dẫn nhiều ví dụ các tác phẩm vẽ các sự kiện đương thời trở thành tranh lịch sử.

Chẳng hạn danh họa Francisco Goya (1745-1828) đã vẽ bức Xử bắn những người khởi nghĩa… theo những gì chính mắt ông nhìn thấy. Goya nổi tiếng về loạt tranh vẽ về cuộc chiến của Tây Ban Nha chống lại đội quân của Napoleon.

Bùi Thị Thanh Mai dẫn bài nghiên cứu Cái chết của tranh lịch sử ở thế kỷ XIX, trong đó Paul Barlow nhận định, nghệ thuật hiện đại dựa trên sự từ chối lịch sử.

Thực ra từ khi có nhiếp ảnh, điện ảnh- hội họa, điêu khắc đã được giải phóng phần nào khỏi chức năng mô tả lịch sử. Nhưng thiết nghĩ một khi các nghệ sĩ tạo hình đã bỏ công cho đề tài này thì cũng cần làm cho nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Hải Yến: “Để tranh lịch sử có cơ hội được phát triển, tồn tại cần có những chính sách cụ thể của Nhà nước đã làm với tượng đài lịch sử. Bởi tranh lịch sử cần bấy nhiêu nguyên tắc thực hiện: Con người- thời gian- kinh phí.”

Nhà phê bình Bùi Thị Thanh Mai: “Chúng ta vẫn thiếu vắng những tác phẩm biểu hiện được lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng. Ngay những tác phẩm trong hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ phần lớn mới là sự phản ánh hiện thực về một giai đoạn… chứ chưa nhiều tác phẩm có đề tài nội dung sâu sắc và thành công trong biểu hiện chân lý và nhân cách lịch sử”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG