Bà họa sĩ Phần Lan đi xe đạp, thích bún chả

Bà họa sĩ Phần Lan đi xe đạp, thích bún chả
TP - Gần 20 năm sống và làm việc ở Việt Nam, nữ nghệ sỹ Maritta Nurmi vừa được Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tiến cử làm “Nhân vật sáng tạo của năm”.

> 'Triển lãm sắp đặt lớn nhất Việt Nam' và 2 tấn dây điện
> Tranh lịch sử hết thời?

Một góc phòng triển lãm của M. Nurmi (2011)
Một góc phòng triển lãm của M. Nurmi (2011).

Maritta Nurmi là một gương mặt rất quen thuộc trong giới mỹ thuật Hà Nội, dù bà là người nước ngoài. Bởi thứ tiếng Việt rất đường phố, bởi nụ cười vô tư, hồn hậu, và bởi nhiều người trong giới vốn là bạn học (bà theo học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ năm 1994, ngay sau khi đến Hà Nội lần đầu tiên năm 1993. Cũng năm 1994, bà có triển lãm tranh sơn mài đầu tiên).

Cho đến nay, Maritta Nurmi vẫn là nghệ sĩ mỹ thuật người Phần Lan duy nhất hiện sinh sống ở Hà Nội. Bà đã quyết định gắn bó cuộc sống với Việt Nam, khi đã gần 40 tuổi.

Trước đó, công việc của bà liên quan đến ngành sinh học (thậm chí bà còn có bằng Master). Nhưng khi ở Phần Lan, bà đã tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Turku.

Nữ nghệ sỹ Phần Lan Maritta Nurmi vừa được Đại sứ quán Phần Lan tiến cử làm “Nhân vật sáng tạo của năm” trong năm 2013 để kỷ niệm mối quan hệ hợp tác Phần Lan và Việt Nam. Theo Đại sứ quán, việc lựa chọn một “nhân vật sáng tạo của năm” sẽ được tiếp tục trong các năm tới.

Sang Việt Nam chơi với gia đình người anh trai khi đó cũng ở Việt Nam, bà phát hiện ra nghệ thuật sơn mài. Chất liệu kỳ lạ này, bề mặt cứng như đá, nhưng màu sắc đầy ngẫu hứng, tươi tắn và âm trầm đi liền với nhau.

Cách chế tác sơn mài cũng rất đặc biệt, chỉ với độ nông sâu khác nhau, tác phẩm biến ảo khôn lường... Với Maritta Nurmi, sơn mài không chỉ giới hạn trên mặt phẳng cứng (vóc), bà tìm cách thử nghiệm sơn mài trên toile, trên vải.

Tác phẩm của bà không dừng lại ở những bức tranh thông thường có thể treo tường, mà là những hoa văn, hình vẽ trên ghế, bàn nhựa, thậm chí là vỉ hấp xôi.

Tất cả đều là những vật dụng của người Việt, hơn nữa, đó là những người nghèo, kiếm sống nơi góc chợ, nơi đầu đường.

Có được những tác phẩm ấy, hay nói một cách khác – một tư duy nghệ thuật độc đáo (với bề ngoài cực bình dị) ấy, Maritta Nurmi không thể sống những nơi sang trọng, những khu nhà cao cấp dành cho người nước ngoài.

Bà thuê nhà trong những khu dân cư bình thường nhất, ở lẫn với người Việt. Bà tự học tiếng Việt qua hàng xóm và những người mình gặp hàng ngày. Bà đi xe đạp, ăn cơm bụi, và đặc biệt thích món bún chả.

Nghệ sĩ Maritta Nurmi
Nghệ sĩ Maritta Nurmi.

Gần 20 năm ở lại và làm nghệ thuật tại Việt Nam, Maritta Nurmi liên tục thử nghiệm những hình thức nghệ thuật khác nhau. Mỗi lần triển lãm của bà là một lần bất ngờ.

Khuynh hướng nghệ thuật của bà là tiếp cận đời sống, đưa đời sống vào nghệ thuật và đem nghệ thuật tiếp biến với đời sống. Cái phần đời sống bình dị nhất, thay đổi nhanh nhất mà chỉ những người dân nghèo mới có.

Có người trong giới nhận xét: Trong một phần khá lớn hoạt động nghệ thuật, Maritta Nurmi thực sự là một nghệ sĩ đương đại Việt gốc Phần Lan.

Năm 2009, Maritta đến Benin, một nước châu Phi trong một chương trình nghệ sĩ cư trú. Sau một thời gian ngắn, bà bị quyến rũ bởi những sắc màu, hình khối xuất phát từ cách sống nguyên sơ của người dân bản địa.

Một loạt tác phẩm ra đời với những họa tiết mang âm hưởng Benin; những họa tiết này được in trên vải ở Ấn Độ bằng kỹ thuật số chất lượng cao. Vải này được may thành quần áo, váy, mũ, túi. Những thứ này, được đưa lên tranh bằng cách đính lên bề mặt toan đã được phủ kín bằng quỳ bạc theo kiểu sơn mài Việt.

Không chỉ Benin, Maritta Nurmi cũng đi khá nhiều nước châu Phi và Mỹ la tinh, ở đâu bà cũng học được điều gì đó, nhưng không bao giờ quên sơn mài Việt.

Maritta Nurmi có 16 triển lãm cá nhân từ 1994 đến 2012, tại Phần Lan, Việt Nam, Thái Lan, Thụy Điển và Hoa Kỳ; và tham gia vào hơn 30 triển lãm nhóm tại Phần Lan, Việt Nam, Thái Lan, Ma Cao, Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh và Hoa Kỳ.

Trong năm 2013, nghệ sỹ Nurmi có kế hoạch thực hiện triển lãm cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia vào triển lãm nhóm tại Bảo tàng Nghệ thuật Oulu tại Phần Lan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.