Ta còn em, Hà Nội phố

Ta còn em, Hà Nội phố
TP - Tôi có cảm xúc rất kỳ lạ khi đọc Hà Nội phố của Phan Vũ, dù trước đó đã nghe bài hát của Phú Quang. Đặc biệt dòng chữ “Gửi những người Hà Nội đi xa” và “Tháng Chạp 1972”. Đọc xong bản trường ca, tôi ngay lập tức viết bài này, cách đây 15 năm rồi. Tôi không rõ nó thuộc thể loại gì nhưng là một kiểu fiction. Giờ chợt thấy và ghi lại.

1. Phan Vũ viết trường ca Hà Nội - phố vào tháng Chạp năm 1972.

2. Nhà tôi hai lần đi sơ tán. Lần thứ nhất- Johnson leo thang ra miền Bắc, lần thứ hai - Nixon muốn đưa miền Bắc về “thời kỳ đồ đá”. Lần thứ nhất - tôi chào đời trong căn nhà lá giữa đồi sim.

Mẹ tôi kể: “Mẹ đợi chờ bom đạn ngớt, định về Hà Nội để sinh con. Nhưng con lại muốn ra đời sớm. Các anh, chị con đều sinh ở Hà Nội”. Tôi không biết buồn hay vui khi mình có đến hai, ba quê hương.

Mẹ tôi bảo: “Bù lại con có nơi chôn nhau, cắt rốn. Ở Hà Nội người ta đem “nhau” thiêu thành tro”. Anh tôi lạnh lùng nói: “Nhưng đó là đất người dưng”. Tôi òa khóc.

Lần thứ hai- tôi đi sơ tán cùng bà và các anh chị. Bố, mẹ tôi phải ở Hà Nội làm việc. Bố tôi kể: “12 ngày đêm khủng khiếp. Không đủ quan tài để chôn, phải lấy bao nilon bọc. Có đứa bé như con phải quấn năm, sáu vành khăn tang”. Mẹ tôi bảo: “Mùi xác người chết, mùi trầm, mùi hoa sữa, hoa lan quyện vào nhau không tan. Đi qua Khâm Thiên, mẹ thấy lờm lợm”.

Vườn nhà tôi có cây hoàng lan, hoa nhiều và hương rất thơm, nhưng bố tôi cho chặt vì mẹ tôi ngửi thấy nhức đầu.

3. “Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em mùi hoàng lan

Còn em hoa sữa...”

Phan Vũ đã nắm bắt được những nét rất đặc trưng của đường phố Hà Nội. Không phải chỉ những mảng mầu của phố Phái. Còn có cả hương, cả âm thanh và những rung động mỏng manh như sợi tơ nhện giăng giữa mùa đông. Có gì vương vấn trong từng chữ của bản trường ca.

4. Ngày đầu tiên tôi đi học. Cô giáo dạy chúng tôi hai chữ O, A. Cuối giờ cô giáo bảo chúng tôi so sánh chữ O với đồ vật để dễ nhớ. Chúng tôi nhao nhao, đứa nói chữ O tròn như quả trứng gà, đứa bảo như mặt trăng, vành nón... Thôi thì đủ kiểu.

Thằng bạn cùng phố của tôi ngồi im lặng. Khi cô giáo hỏi, nó lí nhí trả lời: “Thưa cô, chữ O như miệng hố bom”. Tôi thấy cô giáo tôi khóc. Hôm đó chúng tôi tan học sớm.

Bố tôi hỏi: “Ngày đầu con được học những gì?”. Tôi kể chuyện ở lớp. Bố tôi nói: “Vườn nhà cô giáo cũng có một hố bom”.

5. “Nhà thờ Cửa Bắc,

Chiều tan lễ,

Chuông nguyện còn mãi ngân nga...”

Mười hai ngày đêm (18 đến 29-12-1972) B52. Tiếng chuông, tiếng kinh cầu hòa cùng tiếng bom rơi, đạn nổ. Chưa bao giờ và ở đâu trên trái đất này có bản hòa ca nào dâng Chúa như vậy.

6. Vườn nhà thằng bạn tôi có một hố bom bên cạnh cây hoàng lan. Không biết tại sao cây hoàng lan vẫn sống. Hố bom đó cũng là nấm mộ tự nhiên chôn bố mẹ thằng bạn tôi. Nó sống côi cút với bà nội.

Mỗi mùa đông, nó rủ tôi sang vườn nhà nó nhặt hoa hoàng lan. Có tối đi ngang qua nhà nó, thấy ngoài vườn lốm đốm hương bên cạnh hố bom. Tôi sợ và không dám nhặt hoa lan nữa.

Thằng bạn tôi không chịu đi lễ nhà thờ. Bà nó bảo: “Không có đức tin làm sao sống được cháu?” Nó bảo tôi: “Bố mẹ tao bị bom vùi trước đêm Chúa ra đời. Cần gì phải ăn bánh thánh, uống rượu thánh? Máu, thịt đó...”. Tôi nhìn thấy cây thánh giá trên nóc nhà thờ. Những chiếc đinh như đang rỏ máu ròng ròng. Không biết chuông đang nguyện hồn ai.

7. Bản trường ca của Phan Vũ man mác buồn. Buồn nhưng không bi lụy thương tâm. Tôi thấy thi ca miền Bắc rất hợp với lời nhận xét của Chu Hy từ ngàn năm trước: “Vui mà không dâm, buồn mà không bi thương”.

Tôi nghĩ đó như thơ Nhị Nam trong Kinh Thi. Đặc biệt hầu như bài thơ nào cũng khát vọng lạc quan với tương lai. Điểm rất khác biệt với thơ miền Nam.

“Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em cánh tay trần

Mở cửa

Mùa xuân trong khung:

Giỏ phong lan

Điệp vàng rực rỡ

Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng

Đường phố dài

Chi chít chồi sinh

Màu ước vọng in hình

Xanh nõn lá...”

Tôi nghĩ, Phan Vũ viết bản trường ca này sau khi B52 rải thảm Hà Nội. Ông viết tặng những người xa Hà Nội. Hà Nội vẫn còn đó, vẫn những nét như xưa. Cả một niềm tin yêu và hy vọng ở Hà Nội.

8. Khi tôi vào Thanh Xuân học ngoại ngữ chuẩn bị đi du học thì thằng bạn tôi bắt đầu đi đạp xích lô. Hôm trước khi rời Việt Nam, nó chở tôi dạo khắp phố phường Hà Nội. Nó bảo: “Để mày nhớ hồn Hà Nội”. Đêm đó không có mùi hoa sữa, cũng chẳng có hương hoàng lan. Tôi rời Việt Nam một ngày cuối hạ.

9. Có nhiều người viết về “màu thời gian”. Đoàn Phú Tứ thì tím ngát. Còn Phan Vũ lại màu xanh. Ít ai viết Hà Nội với màu tím. Có lẽ màu tím là đặc quyền của Huế.

“Em ơi! Hà Nội - phố!

Ta còn em một màu xanh thời gian...”

Hà Nội với màu xanh thời gian. Một nét hoài cảm lạc quan.

10. Một lần nghỉ hè tôi về thăm gia đình sau bao tháng năm xa cách. Nhà thằng bạn tôi đã bán. Nó mua một căn nhà bên Gia Lâm và thành ông chủ đại lý mì. Khu đất nhà nó giờ thành một khách sạn với sàn nhảy ngay trên hố bom ngày trước. Tôi hỏi nó còn nhớ hố bom không? Nó bảo: “Tao không thể sống bằng quá khứ”.

Tôi nhìn những đôi chân lướt trên sàn nhảy. Buồn. Không còn ai nhớ tới những hố bom nữa. Sao tôi cứ ôm mãi trong lòng những hố bom sâu thẳm nham nhở của ngày nào.

11. “Ta còn em,

Hà Nội - phố, em ơi!

Ta còn em…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG