Có sự hẹp hòi trong giới kịch

Có sự hẹp hòi trong giới kịch
TP - Trương Nhuận nhậm chức Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ đã được vài tháng, đang đôn một số nghệ sĩ nòng cốt của nhà hát lên ghế phó giám đốc, trợ giúp cho anh. Người có tiếng là nền tính chia sẻ quan điểm thẳng thắn về nghề và người giới kịch.

> Kịch Tuổi trẻ tung chiêu hút khách
> Chí Trung: Tôi vừa có tâm, vừa có tầm
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem vở kịch 'Lời thề thứ chín'

Biết Trương Nhuận đã nhiều năm, thỉnh thoảng vẫn gọi đùa anh là “mầm non văn học” do hồi nhỏ được đọc một số truyện thiếu niên anh in riêng hoặc chung với Huỳnh Dũng Nhân (Tứ tử trình làng, Những vòng sóng). Sau này con gái anh - Trương Quế Chi cũng nổi từ năm 16 tuổi với tập thơ Tôi đang lớn.

Tốt nghiệp Tổng hợp Văn, dạy 10 năm ở ĐH Sân khấu Điện ảnh sau đó có thời gian tu nghiệp ngắn ở Anh quốc, từng được bầu vào ban chấp hành Liên minh sân khấu châu Á, Trương Nhuận khẳng định dù không là nghệ sĩ đúng nghĩa nhưng ngọn lửa tình yêu đối với nghệ thuật và nghiệp gắn bó với nó được khai tâm từ buổi đầu anh đến với văn chương và tiếp xúc với kịch nghệ ở khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp.

Lâu nay ở Nhà hát Tuổi Trẻ, Trương Nhuận thường có dáng dấp “chịu thương chịu khó”, có thể coi như quả phúc của nhà hát này, chu đáo chuyện hậu trường sân khấu - từ thời còn là trưởng phòng Tổ chức Biểu diễn. Việc anh ngồi ghế giám đốc NHTT coi như pha ngoạn mục bởi thời điểm này năm ngoái, anh và đồng sự - Phó Giám đốc Nguyễn Thế Vinh “răm rắp” đi theo que đũa chỉ huy của Lê Hùng - chấp nhận sáp nhập hai nhà hát vào một - dưới trướng của “Tổng giám đốc Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam” Lê Hùng. Thế nhưng người ta có số, thế gian biến cải biết đâu mà lường. Nguyễn Thế Vinh sang làm Giám đốc Nhà hát Kịch VN còn Trương Nhuận lên lãnh đạo NHTT với tuổi vừa đủ tiêu chuẩn - 55, cả hai vị.

Lâu nay Nhà hát Tuổi Trẻ có tiếng là quan hệ tốt với truyền thông. Anh có bao giờ nghĩ điều đó tuy thuận lợi nhưng cũng có cái dở- đó là đôi khi các anh chị không được nghe hết những lời nói thật? Chẳng hạn một số vở của Lê Hùng trước kia và một số vở không của Lê Hùng, vì nể nang mà nhiều nhà báo chẳng nỡ viết chê?

Tôi luôn biết điều đó. Tùy thời điểm, đôi khi một bài báo có thể “xô đổ” cả một vở diễn. Nhưng sân khấu có đặc thù khác với điện ảnh.

 “Không thừa nhận bạn nghề, bảo thủ, không tiếp thu sự sáng tạo của bạn bè đồng nghiệp sẽ dẫn đến sự thui chột, làm cho nghệ sĩ khó mà khá lên”. 

Một bộ phim khi đã ra đời là đóng gói, chết luôn, là sản phẩm đóng cứng không thể sửa chữa. Nhưng một tác phẩm sân khấu thì sự dung sai thay đổi có thể ảnh hưởng đến 30-40% vở diễn qua từng đêm. Người ta có thể thay các ê kíp diễn viên; điều chỉnh vở diễn qua phản ứng của khán giả từng đêm; và điều cốt lõi là kịch bản có thông điệp gì không, đạo diễn đưa cấu trúc cấu hình đạt đến cái gốc thế nào đã, còn thì các yếu tố phụ trợ đều có thể điều chỉnh. Cho nên đêm diễn thứ 10, thứ 15 có thể khác rất nhiều so với đêm đầu tiên.

Nhiều nhà hát lâu nay chọn buổi tổng duyệt làm thời điểm công bố với báo chí. Thực tế cho thấy, nếu công bố vở diễn không đúng lúc thì trả giá rất đắt - nhất là khi có những bài báo mang tính chất hướng dẫn dư luận được tung ra. Các nhà hát chuyên nghiệp ở nước ngoài không bao giờ cung cấp thông tin định hướng cho khán giả mà lại không theo ý họ. Đó cũng là nghệ thuật trong tuyên truyền mà các nhà hát của ta cần học hỏi.

Tôi có may mắn là người quản lý điều hành chứ không phải người sáng tạo như đạo diễn, tác giả hay nhạc sĩ nên luôn lắng nghe, đón nhận một cách khách quan nhất. Tất nhiên phải là sự góp ý công tâm.

Trò chuyện với NSƯT Thành Lộc về kịch Bắc kịch Nam, anh ấy nói đại ý: Kịch miền Bắc từng rất huy hoàng nhưng bây giờ đuối như vậy là do các nghệ sĩ ngủ quên trên chiến thắng và ngủ quá lâu. Và các đoàn của Hà Nội diễn giống nhau, cho nên khi xuống thì xuống một lượt. Anh có đồng ý?

Gần đây, tôi được xem lại vở Cát bụi của Nhà hát Kịch Hà Nội do đạo diễn NSND Xuân Huyền dàn dựng vẫn thấy rất hay, xúc động. Theo tôi nhà hát này vẫn giữ được sự thống nhất về phong cách sân khấu hơn Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi Trẻ. Lý do phải chăng một phần bởi bên đó không có Lê Hùng?!

Hai Nhà hát Tuổi Trẻ và Kịch VN có giai đoạn diễn giống nhau, được dàn dựng giống nhau dẫn đến phong cách na ná nhau.

Chưa kể họ bị chuyện mưu sinh ảnh hưởng rất nặng, nên những nghệ sĩ nổi tiếng không muốn tham gia những vở mà cát-sê không tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Nhiều nghệ sĩ đi lồng tiếng, đóng phim kiếm hàng chục triệu một tháng trong khi tập quần quật 2 tháng cũng chỉ được khoảng 2 triệu, cát-sê khoảng 300 ngàn/buổi. Đã bị đặt trước bài toán mưu sinh lại có sẵn sức ỳ, quen sống bao cấp nên họ không năng động, không có khao khát nghề nghiệp để tham gia những vở tầm cỡ, xứng đáng.

Tuy nhiên khi có cơ hội, có những vở tốt, đạo diễn tốt như Tất cả đều là con tôi (kịch Mỹ - đạo diễn Mỹ), thì dù kinh phí rất ít nhưng các diễn viên cũng rất khao khát thể hiện. Họ thấy với những vở như thế tầm của họ được nâng lên, không ngượng khi ra đường. Chứ có những vở, màn nhung khép rồi mà diễn viên cứ nấn ná chờ khán giả về hết mới dám lấy xe đi về.

Tôi có nói với Thành Lộc rằng họ không ngủ quên đâu, họ cũng nhận ra mình đã đuối. Từ nhiều năm trước gặp nhau ở hội diễn, chính các nghệ sĩ miền Bắc đã tự trào: “Chưa xem đã biết ai sợ ai, khỏi cần thi thố”. (Nhại tên vở kịch “Ai sợ ai” của Nhà hát Tuổi Trẻ, cùng dự hội diễn đợt đó). Họ nhận ra sự thật nhưng lực bất tòng tâm. Thành Lộc lại nói, nhiều nghệ sĩ miền Bắc thâm tâm không phục ai; và tuy khen, bắt tay chúc mừng nhưng khi chấm họ vẫn chấm cho mình, cho đoàn nhà nước. Theo anh có đúng là có bầu không khí không được thật, trong bụng nghĩ khác bên ngoài tỏ ra khác, và không chịu thừa nhận người khác trong giới của anh?

Cái đó là có. Cái chưa hay và chưa được của một bộ phận nghệ sĩ có danh hiệu thậm chí có tài, đó là không chịu thừa nhận hoặc không công tâm trong đánh giá năng lực, thành tựu nghệ thuật của người khác.

Sân khấu phía Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn, “tinh” hơn là do có quy luật đào thải trong khi ngoài Bắc thiếu đào thải về mặt nghệ thuật. Diễn hay- không hay cũng không cần biết, không cần xem phản ứng của khán giả. Đã phân một vai ấy là chỉ có người diễn ấy thành ra thiếu sự chọn lọc, thiếu sự đào thải của công chúng hoặc người trong nghề.

Làm thế nào mà một người nhu hòa như anh có thể dung hòa được các cá tính nhọn hoắt trong nhà hát? Bởi thực tế là Lê Hùng - người “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”, về cuối đời cũng đã thất bại trong việc này?

Cuộc sống của chúng ta vẫn luôn đòi hòi sự thành tâm của mỗi người. Đường thẳng bao giờ cũng là đường ngắn nhất. Là người quản lý chứ không thuộc ê-kip sáng tạo, nhưng với kiến thức, phông văn hóa và kinh nghiệm 10 năm giảng dạy ở trường đại học, 20 năm lăn lộn trong quảng bá, tiếp thị và gắn kết với truyền thông, tôi tin mình có thể tập hợp được sức mạnh của anh em. Về bản tính tôi là người nền tính, cư xử chân thành với tất cả, lấy hiệu quả công việc làm đầu và tôn trọng cá tính sáng tạo của mỗi người, tạo điều kiện cho họ phát triển mặt mạnh, đồng thời bớt đi sự thiên kiến lệch lạc.

Nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ được cái rất đoàn kết nhường nhịn nhau. Không đâu như nhà hát này- có đến 3,4 nghệ sĩ có danh hiệu Nhân dân hoặc Ưu tú không muốn ứng cử vào chức phó giám đốc nếu thấy người khác hơn mình. Thế nên tôi hoàn toàn an tâm.

Chúc anh thành công trong giai đoạn mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG