Sẽ không còn chuyện nâng cấp lễ hội

Sẽ không còn chuyện nâng cấp lễ hội
TP - Ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) trao đổi với Tiền Phong xung quanh dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 đã trình Chính phủ xem xét, trong tình hình mùa lễ hội trong giai đoạn cao điểm và vẫn tồn tại nhiều bất cập.

> Ngày xuân vui hội Lồng Tồng
> Ngắm nét đẹp của thiếu nữ vùng ATK
> Nhiều nơi mở hội du xuân

Sau một thời gian dài chuẩn bị, ông có thể cho biết dự thảo quy hoạch lễ hội tiến hành đến đâu?

Cơ quan quản lý lễ hội là Bộ VH-TT&DL giao việc này cho Cục Văn hóa cơ sở (VHCS). Cục có trách nhiệm xây dựng dự thảo trên cơ sở tính pháp lí đầy đủ, tính đồng nhất, đồng bộ và phù hợp với các yêu cầu.

Đến nay, Cục đã hoàn thành dự thảo, Bộ gửi Văn phòng Thủ tướng. Chúng tôi đang chờ một số ý kiến của bộ ngành, cơ quan liên quan, sau đó tổ chức các hội thảo, cố gắng trong quý 3 năm 2013 sẽ xong hết.

Sau khi Thủ tướng ký ban hành bản quy hoạch này, từ T.Ư đến địa phương phải thực thi theo đúng nội dung đã phê duyệt.

Với hơn 7.000 lễ hội dân gian trên cả nước, Cục định quy hoạch ra sao?

Hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, ngoài ra còn có lễ hội tôn giáo, cách mạng, lễ hội nghề. Các lễ hội dân gian sau khi quy hoạch sẽ phân cấp trách nhiệm quản lí đến các tỉnh, huyện.

Theo đó sẽ có tiêu chí các lễ hội quy mô cấp xã, huyện, tỉnh, lễ hội lớn như thế nào đó sẽ ở cấp khu vực do Bộ quản lí, rồi lễ hội lớn mức nào mới thành lễ hội cấp quốc gia do Chính phủ quản lí. Khi phân cấp rồi, tần suất lễ hội giảm đi.

Cụ thể, đối với một số lễ hội như festival nghề, festival dừa, cà phê- đương nhiên phải giảm tần suất, có thể đề xuất 5 năm tổ chức một lần.

Lễ hội dân gian sau khi quy hoạch, nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, lễ hội đã là dân gian phải để cho dân. Một số lễ hội dân gian phù hợp điều kiện hiện tại thì tiếp tục tồn tại.

Một số lễ hội có ý nghĩa lớn cần phục hồi, lễ hội không còn phù hợp sẽ mai một dần. Đối với lễ hội dân gian, có một số lễ hội trùng lắp, có thể sẽ quy hoạch lại. Ví dụ Nam Định và Thái Bình cùng có lễ hội đền Trần, phải chăng để tiết kiệm, trang trọng và đảm bảo quy mô, nên giữ lại lễ hội chính, sàng lọc bớt đi.

Có chuyên gia cho rằng lễ hội dân gian là của dân, họ có nhu cầu bình đẳng như nhau nên khó giảm số lượng, ý kiến của ông ra sao?

Nếu trong xã đó thờ cùng một vị thần linh mà mỗi làng tổ chức lễ hội, sau khi quy hoạch sẽ giao cho xã đứng ra tổ chức một lễ hội. Phân cấp như thế, đảm bảo quản lí sát hơn, quy mô giới hạn ở mức nhất định, giảm số lượng lễ hội trùng lắp. Họ có muốn thương mại hóa, mở rộng quy mô cũng không thể, vì phải theo đúng quy định.

Nhiều lễ hội đang trong tình trạng tự nâng cấp. Vậy trong quy hoạch lễ hội, có chuyện hạ cấp các lễ hội này?

Trong quy hoạch lễ hội có một số lễ hội tự nâng tầm quy mô, chủ yếu do nguồn xã hội hóa. Sau khi quy hoạch xong, dứt khoát lễ hội quy mô nào phải dừng đúng mức đó, không tự nâng tầm bừa bãi.

Ông cho rằng phân cấp quản lí lễ hội giúp giảm bớt bất cập trong tổ chức, quản lí lễ hội thời gian qua?

Dù chưa cụ thể hóa nhưng phân cấp tự hình thành rồi. Bây giờ phân cấp cụ thể chính là cái gậy quy trách nhiệm cho chính quyền các cấp, buộc họ có trách nhiệm đối với từng lễ hội do địa phương quản lí, giúp giảm đi rất nhiều bất cập, tệ nạn.

Còn chuyện phục dựng một số lễ hội dân gian, liệu có dễ sa đà vào sân khấu hóa, sao chép nghi lễ, trò diễn dân gian?

Đấy là yếu tố đáng phòng ngừa. Phục dựng lễ hội phải đảm bảo tính pháp lí, khoa học, nguồn gốc, tính truyền thống, tính kế thừa thì mới không sân khấu hóa.

Với hơn 7.000 lễ hội dân gian, Bộ có đủ nhân lực điều tra, nghiên cứu chừng ấy lễ hội khi quy hoạch?

Chắc chắn Bộ đủ nguồn nhân lực để làm việc này. Ngay cả việc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan đoàn thể, nhân dân đều phục vụ cho mục đích này, để điều tra phân cấp có tính khoa học cao.

Đốt đồ mã vẫn nóng ở đền Bà Chúa Kho

Trước và trong mùa lễ hội, Bộ VH-TT&DL tích cực lập kế hoạch, giao cho lãnh đạo, cán bộ công chức đi tất cả các địa phương có lễ hội, kiểm tra và hướng dẫn BTC lễ hội làm tốt: quy hoạch lại hòm công đức, hướng dẫn du khách không đặt tiền giọt dầu bừa bãi, ném tiền xuống ao, giếng; hạn chế đốt đồ mã, đảm bảo hạ tầng cho du khách; phân luồng giao thông; đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường, vệ sinh công cộng.

Dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hiện tượng đốt đồ mã vẫn là điểm nóng tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Chính quyền và BQL địa phương hứa giảm thiểu, nhưng “trần sao âm vậy” nên vẫn còn lượng lớn đồ mã như nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh đốt nghi ngút ở đây, vừa tốn kém và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Trong trường hợp này, chúng tôi chắc chắn có ý kiến với Thủ tướng làm sao ra chỉ thị cấm sản xuất đồ mã, cấm lưu hành, lúc đó mới mong giảm thiểu. Hiện mới hạn chế, cấm đốt nơi công cộng và tuyên truyền trực quan tại đền để mong hạn chế hiện tượng này”, đại diện Cục VHCS nói.

Lễ phát ấn Đền Trần sẽ chuyển biến tốt?

Kỳ vọng không còn cảnh cướp đồ lễ, bát nháo ở lễ phát ấn Đền Trần 2013. Ảnh: Minh Đức
Kỳ vọng không còn cảnh cướp đồ lễ, bát nháo ở lễ phát ấn Đền Trần 2013. Ảnh: Minh Đức.

Thành phố Nam Định có kế hoạch tổ chức lễ phát ấn năm 2013 kỹ lưỡng. Đại diện Cục VHCS cho biết, Cục cử lãnh đạo xuống Đền Trần kiểm tra xem thực hiện công điện của Thủ tướng, chỉ thị của Bộ VH-TT&DL về chấn chỉnh, thực hành tiết kiệm trong lễ hội.

UBND tỉnh Nam Định cũng có công điện về lễ phát ấn. Trước Tết, Bộ cử đoàn thanh tra đến các điểm nóng, bắt đầu từ sáng 20-2 Bộ tăng cường các đoàn đến các điểm nóng như đền Lảnh Giang (Hà Nam), Đền Trần (Nam Định) và chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Theo đại diện Cục VHCS, sở dĩ hi vọng lễ phát ấn năm nay sẽ chuyển biến tốt do công tác chuẩn bị chu đáo: Một là đảm bảo nơi để xe cho du khách, phải có người đến hướng dẫn, phân luồng giao thông.

Thứ hai vệ sinh cảnh quan xung quanh sạch sẽ. Thứ ba các nhà vệ sinh công cộng đảm bảo cho du khách. Thứ tư, chính quyền địa phương và Bộ phối kết hợp phát ấn từ 7h30 sáng hôm sau, tránh được tình trạng chen lấn.

Phân kỳ quy hoạch lễ hội

Giai đoạn 2012-2015: Quy hoạch các lễ hội dân gian tiêu biểu trong đó 10 lễ hội cấp vùng, khu vực do Bộ VH-TT&DL quản lí; 300 lễ hội có quy mô cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định. Năm 2015 tổ chức hội thảo khoa học về kết quả quy hoạch lễ hội điểm, trên cơ sở đó phân cấp quản lý lễ hội và ban hành Quy chế tổ chức, thực hiện lễ hội quy mô cấp Nhà nước và các văn bản liên quan tạo cơ sở pháp lí cho công tác quy hoạch lễ hội trên cả nước.

Từ 2016-2020: Các quy hoạch cấp tỉnh đồng bộ với Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc. Đến năm 2020, có 100% lễ hội dân gian xúc tiến quy hoạch, 50% lễ hội dân gian tiêu biểu ở các địa phương được các Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phục dựng, bảo tồn; quá trình phân cấp quản lí lễ hội toàn quốc hoạt động ổn định, phù hợp với thẩm quyền từng cấp và phát huy tác dụng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG