Chuyến tàu vé ngắn

Chuyến tàu vé ngắn
TP - Ngay từ lúc bước lên tàu nhận ca trực, anh đã để ý tới hai hành khách ngồi ở ghế cuối toa số 5, cạnh buồng trực của anh. Một người phụ nữ chừng ba nhăm tuổi và cậu bé lên mười.

> Khúc hành trình ngày về
> Dâm thần

Kinh nghiệm bảy năm làm nghề kiểm soát vé đã cho anh biết rằng những vị khách ngồi ở cuối toa thường đi trốn vé. Nói trốn vé cũng chưa phải lắm, vì nếu không có vé thì họ không thể bước lên tàu. Trốn vé ở đây là theo kiểu mua vé đi một ga gần, rồi cứ ngồi nán trên toa đến cuối hành trình.

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp.

Anh bốn mươi tuổi, vợ đã ly dị cách đây năm năm. Bây giờ anh sống một mình, công việc kiểm vé trên những chuyến tàu giúp anh bớt cô đơn. Anh trúng tuyển vào làm ở ga tỉnh năm hai mươi lăm tuổi.

Lúc đầu anh làm gác ghi ở nhà ga, sau luân chuyển, anh được phân công đi theo tàu với nhiệm vụ kiểm soát vé. Và kể từ lúc có cuộc luân chuyển bất đắc dĩ ấy, vợ anh đã quyết định ly dị.

Lý do mà chị vợ đưa ra là không tin được đàn ông nay đây mai đó, lang thang trên những chuyến tàu. Anh một mực phân bua rằng cũng tùy người thôi, có phải tất cả nhân viên đi trên tàu đều lăng nhăng gái gú đâu.

Với lại, đây là nhiệm vụ, anh không có quyền thoái thác. Nhưng chị vợ nhất quyết không nghe, bảo, anh ký vào đơn đi, tôi không thể chịu nổi. Chẳng đặng đừng anh phải đưa ra tiếp một lời “cám dỗ”: Làm kiểm vé cũng có thêm chút tiền mà em. Chị trợn mắt lên, tôi không cần tiền, không thèm những đồng tiền nhơ nhớp anh lấy của bọn đi lậu vé. Anh nhắm mắt ký cái roẹt vào đơn. Từ đó anh căm ghét đàn bà, cái giống phụ bạc dễ như trở bàn tay.

Anh nhận ca trực vào lúc sáu giờ chiều. Khi ấy tàu chạy qua một vùng đồng bằng có lúa vàng đương chín và nắng vàng cuối ngày. Nắng tràn vào cửa, đổ ụp xuống chỗ ngực áo của cô hành khách cuối toa. Anh dậy lên một chút cảm giác khoan khoái khi ngắm vào chỗ nắng đổ rồi nghĩ, thể nào tối nay cũng có một ca trực vui vẻ.

Nhưng anh chưa vội làm nhiệm vụ ngay vì tàu chưa qua ga nào cả. Nếu có người trốn vé ga lúc nãy thì trong toa đã ầm lên rồi. Thường thì sau khi nhận ca trực, đợi cho tàu đi qua một ga kế tiếp anh mới bắt đầu kiểm vé.

Anh đi chậm về phía hai hành khách. Thằng bé nghiêng đầu tựa vào vai chị ngủ thiếp một chốc. Còn chị thì đưa mắt nhìn ra ngoài cửa, ngắm những nơi tàu vun vút lao qua. Kiểu nhìn lơ lãng nhưng vẫn tỏ ra một chút gượng gạo ấy càng khiến anh tin như chắc rằng hai mẹ con nhà này đi trốn vé.

Chị đánh mắt qua, chạm phải ánh mắt soi xét của anh. Luống cuống chị lại nhìn ra ngoài cửa, mắt đan vào những ô lưới sắt chừng một ngón tay chui lọt qua.

Anh nhếch mép, nghĩ, bọn đàn bà lắm mưu nhiều kế nhưng không qua được ta đâu. Anh mở cửa buồng trực, đi vào rồi đóng cái rầm. Nhưng tàu chạy phát ra âm xình xịch to quá khiến tiếng rập cửa chỉ như một viên sỏi ném xèo vào mặt ao, ai đứng gần mới nghe thấy. Chị giật mình.

Buồng trực của anh là một gian nhỏ nằm ở cuối toa, tuy nhỏ nhưng có hẳn một cái giường cá nhân. Nếu đem so với tổng thể không gian toa tàu thì cái buồng nhỏ ấy xem ra cũng khá thoải mái, vì nó có vách ngăn cách với khách trên toa để anh nghỉ ngơi giữa những lúc làm nhiệm vụ.

Thỉnh thoảng anh lại “bán” buồng trực cho một hành khách nào muốn nghỉ qua đêm một cách thẳng chân thẳng tay, và anh có ít tiền bỏ túi dễ như chơi.

Đó chính là cái phần thu nhập thêm mà anh đã từng đem ra để nhử vợ hồi chị đòi ly dị. Phần anh, sẽ kiếm một ghế thừa ở trong toa, nằm vắt vẻo. Nghề đi tàu lâu năm đã giúp anh quen với kiểu nằm ngủ lắc lư, giống người ta nằm võng, đung đưa càng ngon giấc.

Bảy giờ tối, tàu đỗ tại ga Z. Ba hành khách trên toa đã kéo hành lý xuống tàu. Ghế trong toa lỗ mỗ chỗ trống. Một vài hành khách đã ngủ thiếp lúc trời loạng choạng tối thì nay tỉnh giấc vì tàu dừng, trong đó có thằng bé.

Nó đưa mắt nhìn quanh, hỏi: Tối rồi à? Chị lấy hộp cơm lúc nãy mới mua từ cô nhân viên đẩy xe bán trên toa, đưa cho nó, bảo ăn đi. Thằng bé xúc cơm ăn ngon lành, thỉnh thoảng đưa mắt láo liếc nhìn quanh như đề phòng một điều gì đó.

Năm phút sau tàu chạy. Anh đứng lên sửa lại trang phục ngành đường sắt. Nhét áo vào quần ngay ngắn, vuốt phủi ống quần vải cho phẳng phiu, vuốt tóc, đội cái mũ xanh lên.

Tất cả các động tác thực hành như khuôn khổ. Mở cửa buồng trực, anh bước ra toa, nện giày vào sàn đi cồm cộp về phía trước. Kiểu đi rất có uy, rất có dáng làm quan to, thế nhưng mãi đến năm bốn mươi tuổi anh vẫn chỉ là một nhân viên đi theo tàu.

Bạn anh, đồng nghiệp anh giờ đã là ông này bà nọ. Cái cậu gác ghi trúng biên chế ngành một lần với anh, nay đã là phó ga, chức tước rùng rình, bạc tiền rủng rỉnh.

Thế mà anh, chỉ ăn thêm được đôi ba đồng nhờ “bán” buồng trực hoặc nhận tiền lót tay của khách đi trốn vé. Cái bước chân cồm cộp của anh, nó chỉ mô phỏng cho số cực khổ nặng nề đeo bám lấy anh mà thôi.

Anh đi từ đầu ga, đến một dãy ghế. Xin bà cho kiểm vé. Chị cho tôi kiểm vé. Vé bé ơi. Hành khách đã chìa sẵn cái vé ngay trước khi anh tới chỗ họ. Anh cầm vé, xem lướt qua rồi trả lại.

Lát sau, anh đã đứng trước mặt hai mẹ con ngồi ở cuối toa. Anh nhoẻn miệng cười, nụ cười khá đểu. Chị rón rén cầm hai tờ vé trình ra, kiểu như người ta đến cửa quan đưa một tờ đơn.

Trông bộ dạng rụt rè ấy, ngay tức khắc anh đưa bàn tay phải ra, đẩy vé về phía chị, coi như chưa cần xem. Được rồi. Chị và thằng bé thở phào nhẹ nhõm lúc anh đã vào trong buồng trực và đóng cửa. Vậy là qua thêm được một ga.

Hai mươi giờ năm phút. Tàu đỗ tại ga Y. Thằng bé và chị đã đổi chỗ cho nhau từ lúc nãy. Nó ở phía cửa sổ, chị ngồi ở phía cạnh lối đi giữa toa.

Thằng bé gác đầu lên đùi chị, chân gác chéo chữ x, bàn chân chạm vào thành toa. Trông nó ngủ rất ngon. Chị cũng đã gật gà nhưng tiếng tàu đỗ xịch khiến chị tỉnh giấc. Có một nỗi lo ào đến, mạnh hơn cái nỗi lo ở những toa trước. Như thể lòng chị là một toa chở hàng, cứ qua một ga hàng lại chất thêm vào, nặng chịch.

Tàu lại chạy. Anh đã kịp làm một giấc ngon lành kể từ lúc kiểm vé đến giờ. Đi theo tàu, ngủ ngáy không điều độ. Giấc ngủ thường đan xen nhau, mấy chục phút rồi nghỉ, rồi lại ngủ tiếp. Anh đứng lên, lắc đầu, xương cổ kêu rắc rắc.

Tiếp tục một lượt kiểm vé.

Lần này anh không kiểm hết hành khách mà chỉ nhắm một vài vị khách mới, một vài vị khách khả nghi, trong đó có mẹ con chị. Anh nắm lấy hai tờ vé chị đưa ra, kiểu như bắt trúng một cú gian lận. Bắt được tay day tận trán rồi nhé.

Ga ghi ở trong hai tờ vé đã qua từ hồi chiều rồi ả ơi! Anh liếc qua chiếc vé và biết tỏng hai mẹ con đi vé lậu, y chang anh đã đoán định. Anh không nói gì, mắt trợn lên trông dữ tợn, chẳng khác nào muốn ăn thịt người ta.

Chị rướm ánh mắt cầu xin. Anh lắc đầu về phía buồng trực như muốn bảo đi theo tao. Rồi anh cầm giữ hai tờ vé, đi đến mở cửa buồng trực.

Chị nhẹ nhàng nhấc đầu thằng bé khỏi đùi mình, cuộn cái áo khoác làm cái gối, kê cho nó nằm trên ghế. Thằng bé ứ ứ mấy tiếng trở giấc rồi ngủ tiếp ngay tức khắc. Chị đi vào buồng trực. Anh đóng cửa lại, lắc tay nắm kiểm tra. Đã an toàn.

Vào đây rồi thì không cần phải hỏi han. Vào được đây rồi thì an toàn. Chị nghĩ vậy và ngoan ngoãn nằm xuống giường, không còn vẻ sợ sệt như lúc ở ngoài toa. Anh cũng chưa vội nói gì, chỉ làm một số thao tác rất bình thường. Lôi cái mũ khỏi đầu và móc phía sau cửa, cởi giày tất ném vào góc giường. Chồm lên. Chị không cưỡng lại, nhưng lắc cái đầu ngoẹo qua bên trái để thở.

- Cũng biết điều đấy. Chắc đã trốn vé nhiều lần? – Anh hỏi.

Chị đáp vẻn vẹn:

- Vài lần. Cái khó ló cái khôn chứ biết điều biết đúng gì.

- Tôi kinh tởm đàn bà – Anh nói khi đã phanh được ngực áo chị ra.

Chị trố mắt ngạc nhiên, hỏi:

- Tại sao?

Anh bảo:

- Đàn bà là chúa khôn ngoan. Cứng đơ đơ như cái thớt lại giãy đành đạch như con cá.

Anh muốn nói tiếp, và chị cũng muốn hỏi tiếp nhưng cuộc hội thoại buộc phải tạm chấm dứt để nhường cho những cử động của tay, của chân, của toàn thân. Tàu chạy xình xịch, có lúc anh để cho mọi cử động tự nhiên theo nhịp bánh ray.

Khi đã xong việc, anh nằm vật ra một bên. Chị cũng không vội vàng mặc đồ, chỉ kéo cái mền trùm ngang phần giữa thân.

- Được rồi đấy. Trừ xong hai cái vé – Anh nói.

Chị bảo:

- Tôi muốn ở lại đây đêm nay. Anh sợ không?

Anh cười:

- Sợ ai?

- Vợ.

- Vợ bỏ đi, con không có. Cô muốn ở lại thì cứ việc. Tôi sòng phẳng. Chuyện vé đã xong. Nếu tối nay tôi muốn tiếp, sáng mai sẽ trả tiền cho cô.

- Tiền để làm gì? – Chị hỏi lại.

Anh đáp, vẻ giễu cợt khinh bỉ:

- Cái loại như cô không là gái làm tiền thì là gì. Nhưng thôi. Tôi nghĩ là cô sẽ cần tiền, ít nhất trên chuyến tàu này. Nếu không thì chẳng đi chui đi lủi vé như thế.

Nghe chừng có lý, chị không còn thắc mắc thêm nữa. Trong lúc mặc lại áo quần, chị nói:

- Tôi muốn ở lại đây, để ghế ngoài kia cho thằng cu nằm ngủ thoải mái.

Đến lúc này anh mới nhớ tới thằng nhóc ngồi cạnh cô ta. Anh hỏi:

- Đi làm gái mà kéo theo rơ moóc à? Chắc thằng bé cũng làm một nghề vất vưởng nào đó?

- Anh là nhân viên tàu. Không phải luật sư, nhé! – Chị chua ngoa đáp.

Anh nằm gác tay kê dưới đầu, mỉm cười.

- Đúng, tôi chỉ là thằng nhân viên trên tàu. Chẳng quyền lực gì sất. Chỉ được tài đánh quả và đe nẹt kẻ yếu.

Rồi như đã quen thân, anh và cô nằm nói chuyện giống hai người bạn.

- Nếu tôi có quyền lực, chắc tôi đã không lang thang trên những chuyến tàu.

- Còn tôi, nếu có quyền lực, chắc không lang thang đó đây ô nhục kiếm miếng ăn.

Bất giác anh quay qua phía chị, nói:

- Nhưng cô biết không? Nếu tôi thật sự có quyền lực, thì vợ tôi đã không bỏ đi. Đàn ông không quyền lực hèn thế đấy, yếu thế đấy, đàn bà nó chê. Đàn bà các cô tởm lắm.

Chị cười nhếch mép:

- Tởm nhưng anh cũng xơi đấy thôi.

Anh đấm nắm tay xuống giường, bảo:

- Chỉ là giải quyết vấn đề sinh lý. Cô có biết bọn tàu thủy không. Mỗi lần tàu cập bến, việc đầu tiên chúng nó làm không phải chạy về với vợ với con, mà lao đi kiếm gái để chơi cho bõ những tháng ngày lênh đênh trên biển. Thế mà vợ nó vẫn ở nhà chờ chồng. Còn cái thằng nhân viên tàu sắt như tôi. Chưa xơi được miếng nào vợ đã bỏ đi.

- Vì thế anh ghét đàn bà?

- Đúng.

- Anh bao biện giỏi. Lẽ ra nên làm thầy cãi.

*

Tờ mờ sáng tàu hú một hồi còi dài. Chẳng phải vào ga, chẳng phải gặp đường băng ngang. Người lái tàu hú chơi vậy thôi. Buồn hú chơi như người ta huýt sáo. Cũng có thể là hú để báo cho khách trên tàu biết trời đã sáng, dậy mà đón ngày mới trên những gập ghềnh đường đi, dù là đường sắt thẳng băng.

Anh rút ví, đưa chị ba trăm ngàn, bảo:

- Tối qua làm thêm một phát là hai trăm, gửi cô thêm một trăm vì đã chịu khó nghe chuyện của tôi.

- Tôi vốn chẳng phải là gái làm tiền, chẳng qua vì hận thằng chồng mà sa cơ. Chuyến này tôi về quê, định làm lại cuộc đời. Đáng lẽ anh là khách chơi cuối cùng của tôi, nếu như tôi không nghe chuyện đêm qua của anh. Nó làm tôi nhớ đến thằng chồng của tôi. Tôi ghét bọn đàn ông các anh lúc nào cũng dùng tiền để mua đàn bà.

Anh chợt sững sờ trước một câu nói khôn. Có lẽ lần đầu tiên anh nghe được một câu nói khá cay cú và sắc sảo của đàn bà.

- Thôi cầm lấy ra mua cái gì cho con nó ăn. Bỏ nó nằm suốt đêm ngoài ghế. Cũng tội.

Chị giật lấy mấy tờ tiền, nhét vào túi quần. Đi ra khỏi buồng trực.

Tàu đỗ lại sân ga X. Một chữ X như cái kéo cắt đứt cuộc hành trình trên tàu. Hành trình ngược ZYX.

Thằng bé lôi cái hộp gỗ đựng đồ đánh giày giấu từ dưới ghế. Chị nắm tay nó bước xuống tàu.

Anh đứng trong buồng trực, nhìn qua khung cửa, thấy hai mẹ con dắt nhau tiến về lối cửa ra. Anh buông thõng một câu: “Đàn bà máu lạnh. Nhẫn tâm với con đến thế là cùng”

*

Ở phía ngoài sân ga. Chị nói với thằng bé:

- Đóng kịch được lắm. Bây giờ đã xong.

- Con cảm ơn cô. Không có cô con chẳng đi được về đến đây. Con đi đánh giày bị lừa sạch tiền cô ơi.

Chị rút ba trăm ngàn trong túi đưa cho thằng bé, bảo, cầm mà về dưới quê.

Thằng bé đưa mắt hàm ơn, hỏi lại:

- Từ đây về quê cô còn xa không?

Chị đáp:

- Có lẽ cô không về quê nữa.

- Thế cô về đâu?

Chị cười chua chát:

- Lo gì. Lại mua một vé ngắn và đi một chuyến dài.

Truyện ngắn của
Hoàng Công Danh

Một truyện không dài nhưng thâu vào nó ba thân phận người. Tất cả đều đáng thương, theo các cách khác nhau, nhưng dường như người đang ở địa vị vững chắc nhất, người đang nghĩ mình gia ơn và được quyền phán xét, lại chính là người thảm hại nhất.

Chuyến tàu vé ngắn ảnh 2

Đây là một truyện có kết cấu chặt chẽ, đóng mở rất hợp lý. Người đọc chỉ nhận ra sự thật nhân cách khi câu chuyện khép lại.

Hoàng Công Danh là một cây bút trẻ hiện đại, giàu tiềm năng. Anh sống và làm việc ở Quảng Trị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG