Sài Gòn chông chênh văn và báo

Sài Gòn chông chênh văn và báo
TP - Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu nhận xét: văn chương Sài Gòn bị cuốn đi theo đời sống báo chí và thương mại đến mức nếu người ta không đủ bản lĩnh thì từ nhà văn sớm hay muộn cũng trở thành nhà báo.

> Thơ trẻ TPHCM: 'Tự kỷ' và 'cô đơn' ?
> Văn hóa đọc cũng cần một ngày hội?

Xông xáo và trầm lặng

Nhà văn Dạ Ngân nói, chị từ Đồng bằng sông Cửu Long ra Hà Nội sống 15 năm, quay vào TPHCM 5 năm rồi, và chị biết sự khác nhau giữa hai đô thị lớn: “Cũng như Thượng Hải và Bắc Kinh, Sài Gòn là trung tâm kinh tế lớn còn Hà Nội là trung tâm văn hóa, văn chương. Biến Sài Gòn thành trung tâm văn chương là điều không dễ dàng”.

Ngay từ khi thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, báo chí đã ra đời ở Miền Nam và phát triển liên tục cho đến ngày nay. Đời sống văn chương nơi này thường gắn liền với báo chí chứ không hẳn dựa vào các trung tâm sách và xuất bản. “Ở Hà Nội, các nhà văn viết báo như một sự giải tỏa một kênh tuyên ngôn cá nhân, còn ở Sài Gòn người ta thu nhập chính từ công việc viết báo”.

So sánh với Hà Nội, chị nói: “Cũng một bài viết như thế, ở trong này người ta trả cho chúng tôi nhuận bút gấp 4 lần Hà Nội. Hai vợ chồng chúng tôi sống rất phong lưu dựa vào thu nhập từ các tờ báo”.

Tuy nhiên nhà văn cũng khẳng định: “Nếu viết báo quá nhiều thì văn phong và cách tiếp cận của báo chí sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và lối viết của một nhà văn”.

Các thành viên trẻ của CLB Thơ Lục Bát TPHCM
Các thành viên trẻ của CLB Thơ Lục Bát TPHCM.

Nhà văn Lê Văn Thảo, người đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Nhuận bút một cuốn tiểu thuyết chừng chục triệu, chỉ bằng mấy bài báo nhỏ. Chúng tôi sống chủ yếu từ viết báo. Hầu hết các nhà văn nhà thơ nổi tiếng ở Sài Gòn hiện nay đều cộng tác, thậm chí giữ trang, mục cho các tờ báo và thu nhập chính từ báo chí”. Một khi có tiền, theo nhà văn Lê Văn Thảo: “Anh em xoay sang kinh doanh, chẳng hạn như cho thuê nhà, buôn bán đất kiếm tiền dưỡng già”.

  Nhuận bút một cuốn tiểu thuyết chừng chục triệu, chỉ bằng mấy bài báo nhỏ. Chúng tôi sống chủ yếu từ viết báo. Hầu hết các nhà văn nhà thơ nổi tiếng ở Sài Gòn hiện nay đều cộng tác, thậm chí giữ trang, mục cho các tờ báo và thu nhập chính từ báo chí”. 

Nhà văn Lê Văn Thảo (giải thưởng Hồ Chí Minh)

Sài Gòn vốn là một trung tâm văn hóa lớn trước đây, nơi những thi sĩ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê từ Bình Định thường lui tới. Một thế hệ các tác giả sau đó cũng trưởng thành ở nơi đô hội như Sơn Nam hay Bùi Giáng.

Một số nhà phê bình văn học hiện đại cũng tạo nên tên tuổi như Nguyễn Văn Trung hay Bùi Công Thiện. Văn học bưng biền với các tên tuổi của Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức... những người noi gương cụ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”.

Giờ đây tình hình có khác đi. Nhà văn nhà phê bình Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM nói: “So về lực lượng, ở Hà Nội số lượng các cây bút vượt trội. Cụ thể ở Hà Nội có khoảng 600 hội viên Hội nhà văn Việt Nam, còn ở TPHCM có 150 hội viên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thêm 50 hội viên nữa. Mỗi năm Hội nhà văn TPHCM cho ra đời khoảng 100 tác phẩm mới, rõ ràng là không thể bằng Hà Nội”.

Lĩnh vực phê bình cũng thưa vắng đi, các cây bút xông xáo như Trần Mạnh Hảo, Lê Ngọc Trà, Inrasara, Nhật Chiêu, Mai Sơn… hiếm thấy công bố tác phẩm mới. “Các cây bút phê bình lý luận cựu trào tuổi đã cao cả rồi” - Nhà phê bình Lê Quang Trang nói.

Các cây bút trẻ như Như Huy, Trần Hoài Anh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Nguyên hay các cây bút phê bình từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn có Nguyễn Thanh Sơn, Từ Huy, Đinh Bá Anh, Ngọc Bảo An… đều trở nên khá “trầm lặng”. Bài vở và hoạt động của họ như muối bỏ vào bể, giữa một đời sống báo chí thời sự như dòng thác.

Con đường văn chương

Một thành phố văn minh không thể thiếu văn học, món ăn tinh thần và công cụ tư duy quan trọng của con người. Nhà văn Dạ Ngân nói: “Người Sài Gòn ý thức được vai trò của văn chương. Gần đây họ tổ chức những lễ hội sách kéo dài cả tuần lễ, đến tết thì có hẳn con đường dành cho văn học, điều mà không nơi nào có. Tuy vậy, đó mới chỉ là những bước khởi đầu”.

Mới đây, Ngày hội sách xuân, Nhà xuất bản trẻ cấp phát sách điện tử cho hàng vạn bạn đọc với số tiền chi phí cho dự án lên tới 3 tỷ đồng.

Công ty văn hóa Phương Nam cũng có không gian cà phê sách, tổ chức tọa đàm văn học trẻ. Cà phê Thứ Bảy của công ty cà phê Trung Nguyên, trung tâm vốn do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì, đã chuyển đến một mặt bằng mới rộng rãi hơn tại phố Phạm Ngọc Thạch. Chúng tôi vừa dự buổi ra mắt sách tại đây thấy gần 100 người tham dự.

Một không gian văn học dù lộng lẫy đến mấy nhưng nếu nó chỉ quanh quẩn ở cấp thành phố thì nó cũng chẳng khác gì một ao tù. Việc mở rộng giao lưu giữa văn học TPHCM với các đô thị khác hết sức cần thiết.

Mới đây, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức phát động cuộc thi viết truyện ngắn tại khu vực TPHCM. Tổng biên tập tạp chí ông Ngô Vĩnh Bình nói: “Từ lâu lắm chúng tôi mới tổ chức hoạt động văn học tại TPHCM”. Có hơn 30 nhà văn đã tham gia cuộc phát động và nhà văn Inrasara đã gửi cùng lúc 5 truyện ngắn tham gia cuộc thi!

Được biết một số dự án phát triển văn hóa, văn học hiện đại mang tầm quốc tế của Đức, Pháp, Anh, Nhật… cũng đang quan tâm tới TPHCM.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG