Thôi rồi! “Trưởng thôn” Văn Hiệp!

Thôi rồi! “Trưởng thôn” Văn Hiệp!
TP - Gặp NSƯT Lê Chức để biết thêm thông tin nghệ sĩ Văn Hiệp mất, đúng lúc ông đang tiếp con trai nghệ sĩ bàn về tang lễ, tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN.

> Cuộc đời nghệ sĩ Văn Hiệp: Phía sau nụ cười là nước mắt
> Danh hài Văn Hiệp qua đời vì ung thư phổi

Nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời lúc 5h17 sáng 9/4 tại nhà riêng ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, sau thời gian chống chọi nhiều bệnh trọng. Anh Nguyễn Quốc Thắng con trai nghệ sĩ nói, suy thận và u phổi ảnh hưởng lớn nhất tới sức khỏe của ông. “Bị bệnh lâu lắm rồi, nhưng không bao giờ đi khám do ông buồn chuyện riêng tư, lại lười và chủ quan”, anh Thắng nói.

Tết vừa rồi khán giả còn thấy Văn Hiệp trong đĩa hài Cụ tổ hiển linh, có lẽ là sản phẩm cuối cùng trong sự nghiệp. Gia đình cho hay, 23 tháng Chạp, ông nhập viện 108. Cuối tháng 1 âm lịch, sức khỏe tiến triển tốt nên được xuất viện, nhưng sau đó đủ loại thuốc tây, đông y không ăn thua.

Con trai nghệ sĩ Văn Hiệp giữ vẻ bình tĩnh trong suốt gần 1 tiếng bàn việc với NSƯT Lê Chức. Chỉ tới khi được hỏi về bố, đôi mắt anh Thắng mọng đỏ rưng rưng, bảo: “Tôi sống gần bố không nhiều lắm, vì từ năm 1995 sang Đức ở với mẹ, mãi 2009 mới về nước. Từ bé bố hướng cho tôi học sân khấu và làm phim, tôi có thời gian học ở Nhà hát Tuổi trẻ cùng lứa với Vân Dung. Từ khi ở Đức về, được ở cạnh bố, tôi thấy thương bố, biết là bố tốt, chu đáo, tận tình, thương các con, nhiều khi thương một cách thái quá. Hằng ngày tôi đi làm về chăm sóc ông, giờ về nhà chả còn ai để chăm cũng hụt hẫng”.

Anh có ý nói đến nỗi muộn phiền ông cả đời chịu đựng: Vợ con xa xứ lâu năm để ông một thân một mình, cô con gái út thì khiến Văn Hiệp khổ tâm đến lúc nhắm mắt.

Câu chuyện về người đã mất liên tục ngắt quãng vì hàng chục cuộc gọi, trong đó có cuộc nói chuyện với bà Vân Thị Kim Dung, vợ của Văn Hiệp. Đầu câu chuyện, anh Thắng nói với NSƯT Lê Chức: “Ông cháu bảo tổ chức tang lễ ngày 11/4, tức mồng 2 tháng 3 âm là tốt nhất. Mẹ cháu giờ mới đặt vé, chắc không kịp”.

May thế nào, trước khi rời Hội, anh Thắng báo tin bà Dung kịp về trước lễ viếng. Anh kể có thời chính Văn Hiệp lo chạy sô, gửi “tài trợ ngược” sang Đức cho vợ con, vì bên đó chẳng lấy gì làm xênh xang.

Người con trai cả của Văn Hiệp nhớ về bố với những vai diễn nhỏ trên sân khấu, khi ấy ông chưa bén duyên với nghiệp diễn viên hài. Đáng kể nhất là vai anh lính Billy ngồi khóc vì nhớ mẹ trong vở kịch Bài ca Điện Biên.

Thời Văn Hiệp còn là diễn viên Nhà hát kịch VN, đồng nghiệp nhắc mãi vai Ốc trong vở Nghêu, sò, ốc, hến mà đạo diễn Dương Ngọc Đức mời Văn Hiệp đóng. Ngoài ra còn hàng chục vai nhỏ “làm mắm, làm muối” khác ông nhận, và tìm lối diễn gây ấn tượng với khán giả.

 “Tôi bàng hoàng trước sự ra đi của nghệ sĩ hài tài danh, hoặc tài mà không có danh - Văn Hiệp”. 

Văn Hiệp là con thứ 6 trong gia đình đông con, cha ông là giáo viên. Hồi nhỏ, Văn Hiệp sinh hoạt trong CLB kịch thiếu nhi Thủ đô, sau thi vào khoa Kịch nói khóa 1, Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, cùng với NSND Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu.

Trong cuốn sách sắp xuất bản, NSND Doãn Châu dành 15 trang viết về người bạn học, bạn nghề suốt hơn 50 năm qua. Doãn Châu gọi Văn Hiệp là “chàng tí hon giữa những chàng khổng lồ: Thế Anh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng”.

Nhưng Văn Hiệp tranh luận và đề nghị Doãn Châu viết về mình với hình tượng con giun dưới lòng đất và hãy gọi mình là “nghệ sĩ giun”, còn làm bài thơ tặng Doãn Châu.

Tính số lượng vai diễn cả sân khấu, truyền hình dễ đến con số nghìn. Điều thiệt thòi lớn nhất của Văn Hiệp là không có danh hiệu chính thức.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực hội NSSK nói với con trai Văn Hiệp, ông sẽ viết và đọc điếu văn, có nhắc về nỗi ân hận chưa kịp làm danh hiệu cho người đã mất. “Tôi bàng hoàng trước sự ra đi của nghệ sĩ hài tài danh, hoặc tài mà không có danh-Văn Hiệp”, lời Lê Chức.

Trong những trang viết về Văn Hiệp, NSND Doãn Châu nhấn mạnh: “Với Văn Hiệp lúc này đã quá muộn để anh nhận một danh hiệu. Tôi nghĩ có lẽ anh cũng cảm thấy chuyện đó không quá quan trọng. Danh hiệu nghệ sĩ của nhân dân mà công chúng trao tặng cũng quá đủ với tôi.

Mà ngẫm ra, nhiều nghệ sĩ có được danh hiệu do nhà nước phong tặng cũng chưa chắc đã được đông đảo khán giả công nhận và yêu quý như tôi, cho nên đợt xét danh hiệu nghệ sĩ vừa qua, tôi không nộp hồ sơ, anh thường nói với tôi như vậy”.

Văn Hiệp sinh năm 1942 tại Thanh Trì, Hà Nội, làm việc tại Nhà hát kịch Việt Nam từ 1963-1990 trước khi rời sang Cục Văn hóa thông tin cơ sở chuyên dàn dựng, hướng dẫn và phát triển phong trào sân khấu cho các đơn vị cơ sở. Khán giả truyền hình nhớ về Văn Hiệp qua phim truyền hình Trưởng họ chán cơm, và vai trưởng thôn Văn Hiệp trong sêri tiểu phẩm hài. Lễ viếng từ 10h đến 11h 30 sáng 11/4 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.